Thông tư hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước

Ngày đăng: 2018-12-23 16:50:00.0
|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A A

Ngày 15/11/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 110/2018/TT-BTC hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước.

Thông tư gồm 7 Chương, 36 Điều, kèm theo 12 phụ lục, quy định về tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước; chế độ công bố thông tin và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ.

Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: Chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ; Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Chủ sở hữu công cụ nợ tham gia mua lại, hoán đổi và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mua lại, hoán đổi công cụ nợ...

Về nguyên tắc mua lại, hoán đổi công cụ nợ, thông tư quy định việc mua lại, hoán đổi công cụ nợ phải thực hiện theo đề án hoặc phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về phát hành công cụ nợ. Cụ thể, đối với công cụ nợ của Chính phủ, thực hiện theo đề án mua lại, hoán đổi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại Khoản 1 Điều 24, Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP. Đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, thực hiện theo phương án mua lại, hoán đổi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại Khoản 7 Điều 49 Nghị định số 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Đối với trái phiếu chính quyền địa phương, thực hiện theo phương án mua lại, hoán đổi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 8 Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Việc mua lại, hoán đổi phải đảm bảo theo giá thị trường tại thời điểm thực hiện; công khai, minh bạch trong tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ. Đồng thời, tuân thủ quy định của thông tư này và pháp luật có liên quan.

Việc mua lại, hoán đổi công cụ nợ được thực hiện theo một trong hai phương thức sau: thỏa thuận trực tiếp với các chủ sở hữu công cụ nợ; đấu thầu qua sở giao dịch chứng khoán. Kho bạc Nhà nước có thể trực tiếp tổ chức đấu thầu mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ quyết định phương thức mua lại, hoán đổi theo đề án, phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo cụ thể phương thức mua lại, hoán đổi công cụ nợ trước khi tổ chức thực hiện.

 

 

Ngoài ra, Thông tư quy định các nội dung về tổ chức mua lại công cụ nợ, tổ chức hoán đổi công cụ nợ, thanh toán tiền mua lại, chi phí tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ, đăng ký, lưu ký, niêm yết công cụ nợ mua lại, hoán đổi và chế độ công bố thông tin, báo cáo.

Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định khung lãi suất tối thiểu mua lại công cụ nợ, khung lãi suất hoán đổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này; Bố trí kinh phí mua lại công cụ nợ của Chính phủ, chi phí tổ chức mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ từ ngân sách Trung ương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện mua lại, hoán đổi trái phiếu chính quyền địa phương theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định tại Thông tư này; Phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán công bố thông tin theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019 và thay thế Thông tư số 150/2011/TT-BTC ngày 09/11/2011, Thông tư số 22/2017/TT-BTC ngày 15/03/2017 của Bộ Tài chính; Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 15/2018/TT-BTC ngày 07/02/2018 của Bộ Tài chính.

Phương Linh