Hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam

Ngày đăng: 2018-03-23 16:39:00.0
|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A A
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 19/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
 
Khai trương Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang (Ảnh BGP/Nguyễn Miền)

Theo đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010. Vốn điều lệ, bao gồm: Vốn góp của các quỹ tín dụng nhân dân thành viên; vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn góp của các pháp nhân khác.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của Ngân hàng.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 93/2017/NĐ-CP và các hướng dẫn cụ thể tại Thông tư theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn.

Các khoản thu của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, gồm có: Thu từ hoạt động tín dụng; thu từ dịch vụ ngân hàng điện tử; thu từ cung ứng dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn, tư vấn, môi giới tiền tệ; thu từ cung ứng sản phẩm dịch vụ mới phục vụ cho hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thành viên và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn; thu mở tài khoản thanh toán, cung cấp phương tiện thanh toán cho các quỹ tín dụng nhân dân thành viên; thu từ phí dịch vụ cho thuê tài sản; thu tiền phạt khách hàng, tiền khách hàng bồi thường do vi phạm hợp đồng; và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Doanh thu của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam bao gồm các khoản thu quy định tại Điều 16 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP. Đồng thời, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có trách nhiệm hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được Ngân hàng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn và phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đối với số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại thì không phải hạch toán thu nhập, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện chế độ tài chính theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng; Nghị định số 93/2017/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư, cùng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính khác có liên quan. Định kỳ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/3/2018 và thay thế Thông tư số 93/2013/TT-BTC ngày 08/7/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã.

Xem chi tiết Thông tư tại đây./.

Nguyễn Miền