Đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm

Ngày đăng: 2017-07-31 00:05:00.0
|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A A
Đó là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 43/2017/QH14 của Quốc hội nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong giai đoạn 2016 – 2020.
 
Tăng cường truyền thông, giới thiệu những địa chỉ bán thực phẩm an toàn. Ảnh: BGP/Diệu Hoa.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Nghị quyết đưa ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý ATTP; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về ATTP cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về ATTP các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ở cấp xã, phân công cán bộ theo dõi ATTP. Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý ATTP ở các cấp.

Phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP so với giai đoạn trước. Có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém về dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ, bảo đảm ATTP, có lộ trình giảm tỷ trọng sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kém chất lượng.

Đẩy mạnh quản lý ATTP sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về ATTP; tăng các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

Tăng cường xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP; phối hợp tích cực với hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là của người dân trong việc bảo đảm ATTP.

Tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến, công khai những tồn tại yếu kém, những hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; thiết lập hệ thống thông tin hỏi đáp phục vụ người dân, cung cấp thông tin, phản ánh về ATTP.

Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm tại các tuyến; từng bước tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về ATTP; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác ATTP.

Xem chi tiết Nghị quyết tại đây./.

Nguồn Bacgiang.gov.vn (Diệu Hoa)