Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 05/02/2002

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc định hướng và giải pháp phát triển

 cây bông công nghiệp thời kỳ 2001-2010

____________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Định hướng và giải pháp phát triển cây bông công nghiệp thời kỳ 2001-2010 nhằm:

1- Cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp dệt, giảm dần việc nhập khẩu bông xơ, tiết kiệm ngoại tệ và chủ động sản xuất.

2- Góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, tạo thêm việc làm cho khoảng 400.000 lao động trong nông nghiệp và hàng vạn lao động trong công nghiệp chế biến, tăng thu nhập cho nông dân và xoá đói giảm nghèo.

3- Bảo đảm ngành dệt may phát triển bền vững, cạnh tranh được với thị trường trong nước và ngoài nước.

4- Đến năm 2005 diện tích đạt khoảng 115.000 ha, sản lượng 80.000 tấn, bảo đảm 50% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp dệt và đến năm 2010 diện tích đạt khoảng 230.000 ha, sản lượng khoảng 180.000 tấn, bảo đảm 70% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp dệt.

Điều 2: Quan điểm phát triển

1- Huy động mọi nguồn lực trên phạm vi cả nước, nhanh chóng mở rộng diện tích trồng bông công nghiệp ở những vùng có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để thay thế dần nhu cầu bông xơ nhập khẩu và tiến tới đảm bảo đủ nhu cầu bông xơ trong nước.

2- Phát triển cây bông phải theo hướng xây dựng các vùng tập trung, sử dụng giống ưu thế lai trồng trong mùa khô có tưới, áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn các cây trồng khác trong cùng điều kiện.

3- Phát triển cây bông phải gán với công nghiệp chế biến trên địa bàn.

4- Đa dạng hoá các sản phẩm từ bông như: sợi, dầu, thức ăn chăn nuôi để tăng nguồn thu hỗ trợ cho trồng bông.

Điều 3: Những giải pháp chủ yếu

1- Về quy hoạch vùng sản xuất: phát triển bông công nghiệp gắn với cơ sở chế biến bông xơ theo hướng hình thành vùng sản xuất tập trung, thâm canh, có tưới. Trước mắt tập trung ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà; các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắc Lắc, một số tỉnh Đông Nam Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

2- Về đầu tư cơ sở hạ tầng: ưu tiên đầu tư các công trình thuỷ lợi (bao gồm: nâng cấp các công trình đã có, hoàn chỉnh các công trình dở dang, xây dựng công trình mới) thuộc các vùng tập trung, chuyên canh, thâm canh có tưới, cụ thể là:

Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, hệ thống công trình thuỷ lợi và hồ: Sông Lòng Sông, Phan Rí - Phan Thiết, Sông Luỹ, Sông Cà Giây, Sông Quao (xây dựng mới hồ Sông Luỹ), Sông Dinh 3, Tà Pao, Tân Giang, Định Bình, Đại Ninh, Iasoup Thượng, Iasoup Hạ, Ealâu, Eamơ, Krông Pa, AJunpa, Đồng Tròn.

Kiên cố hoá kênh mương đối với hệ thống công trình thuỷ lợi đã có.

3- Về đầu tư các cơ sở chế biến: Việc đầu tư các cơ sở cán bông phải gắn với vùng nguyên liệu, thiết bị công nghệ tiên tiến và hiện đại bảo đảm tạo ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với yêu cầu của công nghiệp dệt.

- Nâng cấp các nhà máy cán bông hiện có, xây dựng mới các nhà máy cán bông mới, để đến năm 2010 đạt công suất khoảng 470.000 tấn bông hạt/năm.

- Xây dựng một số nhà máy ép dầu hạt bông đạt tổng công suất khoảng 200.000 tấn/năm.

4- Về khoa học công nghệ: Tập trung nghiên cứu lai tạo, chọn lọc và nhập nội giống bông lai, bông kháng sâu bệnh cho năng suất cao, chất lượng tốt để cung cấp cho nhu cầu sản xuất của nông dân.

- Tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống bông bao gồm giống gốc, giống bố mẹ và giống lai F1; nhập khẩu giống gốc có năng suất và chất lượng cao.

- Hoàn chỉnh kỹ thuật công nghệ sản xuất giống bông lai, xây dựng mạng lưới sản xuất giống bảo đảm đủ giống cho nhu cầu sản xuất.

- Các Viện nghiên cứu cây bông Nha Hố, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện cây ăn quả miền Nam, Viện khoa học nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Di truyền nông nghiệp và trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp miền Trung (thuộc Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam) phải có Chương trình, kế hoạch nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ về cây bông từ giống, canh tác, chế biến, nhất là việc tạo giống bông bằng công nghệ sinh học để có những bộ giống bông có năng suất, chất lượng cao phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng cung cấp cho nhu cầu sản xuất.

- Triển khai rộng rãi các biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) đối với cây bông.

- Tăng cường công tác khuyến nông cây bông theo hướng xã hội hoá công tác khuyến nông gồm khuyến nông Nhà nước, khuyến nông của các doanh nghiệp, khuyến nông tự nguyện... để chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới về trồng bông, chế biến.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu, phân cấp bông xơ nhằm bảo đảm chất lượng vải từ nguyên liệu bông xơ trong nước, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và sản xuất hàng dệt may xuất khẩu.

5- Về đầu tư và tín dụng:

a) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư:

- Xây dựng các công trình thuỷ lợi bao gồm hồ chứa, công trình đầu mối, kênh chính, hệ thống giao thông theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đầu tư nâng cấp Viện nghiên cứu cây bông, các cơ sở sản xuất giống, chế biến hạt giống bông lai F1;

- Nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật;

- Cấp giống gốc, giống ông bà cho các cơ sở tham gia sản xuất giống hạt lai để cung cấp cho dân;

- Hỗ trợ giá giống thương phẩm cho nông dân trong thời gian 2 năm, năm thứ nhất 60% và năm thứ hai 50% theo giá tại thời điểm.

b) Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho các dự án cải tạo nâng cấp, đổi mới công nghệ, thiết bị và đầu tư mới các nhà máy cán bông, ép dầu hạt bông, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón từ khô dầu bông.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cho vay đối với người trồng bông theo Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; phối hợp với Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam mở rộng hình thức tổ chức tín dụng tiết kiệm, tổ tương hỗ vay vốn đề nông dân vay vốn được thuận lợi hơn và sử dụng vốn có hiệu quả, trả được nợ vay.

d) Ngân hàng phục vụ người nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm ưu tiên giành vốn cho vùng phát triển bông công nghiệp để cho dân vay vốn trồng bông góp phần xoá đói giảm nghèo.

6- Về thuế và quỹ: Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức khấu trừ đầu vào khi tính thuế giá trị gia tăng cho thu mua bông hạt; miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với đất trồng bông công nghiệp.

Lập quỹ hỗ trợ giá bông công nghiệp để hỗ trợ giá bông trong nước, khi giá bông thế giới giảm. Quỹ do tổ chức, cá nhân thu mua, chế giến bông tham gia và đóng góp. Mức đóng góp đối với tổ chức cá nhân thu mua, chế biến bông bằng 2% giá trị bông hạt thu mua, đối với tổ chức, cá nhân sử dụng bông bằng 2% giá trị nguyên liệu bông xơ nhập khẩu trong năm, nhưng không vượt quá 50% lợi nhuận phát sinh. Nguồn quỹ được trích vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Quỹ do Hiệp hội cây bông quản lý, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công nghiệp, Tổng công ty dệt may Việt Nam ban hành Quy chế quản lý và sử dụng quỹ.

7- Về tiêu thụ và giá cả:

a) Các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Dệt may Việt Nam phải ký hợp đồng tiêu thụ hết bông xơ của các cơ sở chế biến, cán ép bông xơ trong nước. Các cơ sở chế biến, cán ép bông xơ phải ký hợp đồng tiêu thụ bông hạt với người sản xuất hoặc hợp tác xã. Hợp đồng phải quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của hai bên, phải xác định giá bông hạt tối thiểu bảo đảm có lợi cho người sản xuất và giá được công bố ngay từ đầu vụ để người trồng bông yên tâm sản xuất. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện hình thức hợp đồng 2 chiều dịch vụ vật tư (giống, phân bón, thuốc trừ sâu...), ứng vốn, khuyến nông và tiêu thụ bông hạt đối với người trồng bông, từng bước gắn sản xuất, chế biến tiêu thụ trong quá trình sản xuất.

b) Bộ Thương mại phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống thông tin thị trường, dự báo, xúc tiến thương mại hàng dệt, may, bông xơ và dầu bông, nhằm hình thành quan hệ cung cầu và giá cả hợp lý của mặt hàng này bảo đảm quyền lợi cho cả người sản xuất và tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chủ động hội nhập khu vực và thế giới.

8- Về phát triển các thành phần kinh tế; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng bông, tiêu thụ, chế biến bông công nghiệp.

a) Công ty Bông Việt Nam, các doanh nghiệp Nhà nước của các địa phương tiếp tục đổi mới tổ chức, quản lý theo hướng dịch vụ giống, vật tư, kỹ thuật và tiêu thụ chế biến bông hạt.

b) Từng bước hình thành hợp tác xã của những người trồng bông để hỗ trợ, giúp nhau trong dịch vụ vật tư kỹ thuật và tiêu thụ bông hạt.

c) Lập Hiệp hội cây bông bao gồm: những người trồng bông, tiêu thụ, chế biến bông và những nhà nhập khẩu bông xơ để bảo vệ quyền lợi của các thành viên.

9- Về tổ chức chỉ đạo thực hiện:

a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển ngành bông, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp trên địa bàn rà soát, lập quy hoạch chi tiết và xây dựng dự án cụ thể; phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện quy hoạch, dự án trồng bông công nghiệp của tỉnh mình.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sản xuất cây bông, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển bông công nghiệp trên phạm vi cả nước.

c) Bộ Công nghiệp quản lý Nhà nước về lĩnh vực dệt may, chỉ đạo các doanh nghiệp dệt may có trách nhiệm tiêu thụ bông xơ cho các cơ sở chế biến.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 5: Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Tài chính, Thương mại, Khoa học công nghệ và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục địa chính, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Tải file đính kèm
Bản PDF
File đính kèm:
17-2002-qd-ttg-doc-1407259323655523.doc
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 05/02/2002
Về việc định hướng và giải pháp phát triển cây bông công nghiệp thời kỳ 2001 - 2010
Số kí hiệu 17/2002/QĐ-TTg Ngày ban hành 21/01/2002
Loại văn bản Quyết định Ngày có hiệu lực 05/02/2002
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Thủ tướng Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

05/02/2002

Lịch sử hiệu lực:

Quyết định 17/2002/QĐ-TTg

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
21/01/2002 Văn bản được ban hành 17/2002/QĐ-TTg
05/02/2002 Văn bản có hiệu lực 17/2002/QĐ-TTg
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh