Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 01/02/2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT VỀ LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Cục trưng Cục Kiểm lâm;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định một số định mức kinh tế - kỹ thuật về Lâm nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ xác định chi phí thực hiện một số biện pháp lâm sinh, tuần tra bảo vệ rừng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến thực hiện một số biện pháp lâm sinh, tuần tra bảo vệ rừng sử dụng ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Khuyến khích áp dụng đối với hoạt động sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật một số biện pháp lâm sinh là mức hao phí cần thiết về lao động, vật tư, máy móc thiết bị để hoàn thành một sản phẩm (công trình lâm sinh) trong một điều kiện cụ thể, đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật tuần tra bảo vệ rừng là mức hao phí cần thiết về lao động, vật tư để hoàn thành nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng.

3. Các yếu tố hình thành định mức kinh tế - kỹ thuật một số biện pháp lâm sinh, gồm: Biện pháp thi công theo hướng dẫn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; điều kiện lập địa nơi thực hiện một số biện pháp lâm sinh (đất đai, độ dốc, độ cao, thực bì, rừng) và cự ly di chuyển.

4. Các yếu tố hình thành định mức kinh tế - kỹ thuật tuần tra bảo vệ rừng, gồm: Lao động, vật tư, cự ly di chuyển, khu vực tuần tra rừng ở các vùng có điều kiện bình thường và điều kiện hỗn hợp, diện tích tuần tra bảo vệ rừng, loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng).

5. Ô mức là mức hao phí cần thiết về lao động, vật tư, máy móc thiết bị để hoàn thành một khối lượng công việc trong một điều kiện cụ thể.

6. Hệ số điều chỉnh (K) là hệ số được sử dụng để tính toán, điều chỉnh mức hao phí lao động khi các yếu tố hình thành định mức thay đổi.

7. Điều kiện bình thường là điều kiện mà các yếu tố hình thành định mức được áp dụng phổ biến ở các địa phương với hệ số K=1.

8. Điều kiện hỗn hợp là điều kiện áp dụng cả hệ số cự ly di chuyển (Ki) và hệ số loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng) (Kj) cho diện tích tuần tra bảo vệ rừng.

9. Cự ly di chuyển là khoảng cách di chuyển không sử dụng được các phương tiện cơ giới (ô tô, xe máy, thuyền máy) để đến nơi thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, tuần tra bảo vệ rừng.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng điều kiện lập địa, biện pháp kỹ thuật, cự ly di chuyển và loại rừng áp dụng hệ số điều chỉnh (K) để tính toán mức hao phí lao động cần thiết cho từng hạng mục công việc khi lập thiết kế, dự toán hoặc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện.

2. Việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật tuân thủ yêu cầu được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình thực hiện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nghiên cứu khoa học, phát triển giống áp dụng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các quy định về hệ số lương của từng vị trí các bước công việc trong Thông tư này là hệ số lương bình quân; hệ số lương cụ thể cho nhân công thực hiện các bước công việc được bố trí tùy thuộc vào tính chất của từng nhiệm vụ hoặc dự án và được hưởng theo hệ số lương bình quân của các bước công việc đó.

Chương II

ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT MỘT SỐ BIỆN PHÁP LÂM SINH

Điều 5. Trình tự thực hiện một số biện pháp lâm sinh

1. Trồng rừng: Xử lý thực bì; làm đất, cuốc hố; lấp hố, bón lót; trồng rừng; chăm sóc rừng, bón thúc; bảo vệ rừng; làm đường băng cản lửa theo quy mô rừng trồng tập trung, thảm thực bì và loại thực bì.

2. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: Phát toàn diện cây dây leo và chặt dọn cây sâu bệnh; tỉa chồi; cuốc hố, lấp hố, bón lót; trồng bổ sung; chăm sóc rừng; bảo vệ rừng.

3. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên:

a) Bảo vệ, chống chặt phá cây tái sinh mục đích hiện có; phòng cháy, chữa cháy rừng;

b) Phát dọn dây leo, cây bụi; chặt bỏ cây cong queo, sâu bệnh; cây phi mục đích; sửa chồi gốc và tỉa bớt chồi xấu.

4. Nuôi dưỡng rừng tự nhiên: Phát dọn dây leo, cây bụi, cỏ dại xâm lấn; tỉa thưa cây cong queo, sâu bệnh, bị chèn ép, cụt ngọn; vệ sinh, chăm sóc rừng sau tỉa thưa; bảo vệ rừng.

5. Nuôi dưỡng rừng trồng: Phát dọn dây leo, cây bụi, cỏ dại xâm lấn; tỉa thưa cây cong queo, sâu bệnh, bị chèn ép, cụt ngọn; vệ sinh, chăm sóc rừng sau tỉa thưa; tỉa cành; bón phân sau khi chặt tỉa thưa; bảo vệ rừng.

6. Làm giàu rừng: Tạo băng trồng cây (băng chặt) đối với làm giàu rừng theo băng hoặc xử lý thực bì đối với làm giàu rừng theo đám; luỗng phát dây leo, cây bụi; chặt bỏ cây cong queo sâu bệnh, không làm vỡ tầng tán của băng chừa đối với làm giàu rừng theo băng; trồng bổ sung; chăm sóc rừng; bảo vệ rừng.

7. Đối tượng và nội dung biện pháp kỹ thuật cụ thể thực hiện theo Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp lâm sinh và Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh.

Điều 6. Định mức kinh tế - kỹ thuật trồng rừng

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật trồng 01 ha rừng trên đất đồi núi:

a) Điều kiện áp dụng: Hệ số 1,0 cho điều kiện đất nhóm 2; thực bì phát vỡ nhóm 2; cự ly di chuyển 1-2 km; độ dốc 20°-25°;

b) Các biện pháp kỹ thuật áp dụng: Xử lý thực bì toàn diện; mật độ trồng 1.660 cây/ha; đào hố kích thước: 40×40×40 cm; bón phân 3 năm đầu 0,2 kg/cây (bón lót cùng với lấp hố; bón thúc 2 năm sau cùng với xới vun gốc); thuốc chống mối rải năm đầu 0,01 kg/cây; chăm sóc 3 năm, mỗi năm 2 lần: Phát chăm sóc, xới vun gốc đường kính xới ≤ 0,8 m;

c) Vật tư thiết yếu, gồm: Cây giống 1.826 cây (trồng lần đầu 1.660 cây, trồng dặm năm đầu 10% × 1.660 cây); phân bón NPK 996 kg, thuốc chống mối 16,6 kg. Trong đó, năm thứ nhất: Cây giống 1.826 cây, phân bón NPK 332 kg, thuốc chống mối 16,6 kg; năm thứ hai: Phân bón NPK 332 kg; năm thứ ba: Phân bón NPK 332 kg;

d) Vật tư khác: 5% giá trị so với vật tư thiết yếu;

đ) Nhân công:

Nhân công trực tiếp: Tổng số 297 công. Trong đó, năm thứ nhất 129 công; năm thứ hai 59 công; năm thứ ba 58 công; từ năm thứ tư đến năm thứ mười 51 công;

Nhân công gián tiếp: 37 công. Trong đó, lập hồ sơ thiết kế dự toán 7 công; quản lý, giám sát, chỉ đạo kỹ thuật, nghiệm thu 30 công.

Chi tiết các bước công việc và định mức theo quy định tại Bảng 1 phần I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật trồng 01 ha rừng ngập mặn:

a) Điều kiện áp dụng: Hệ số 1,0 cho điều kiện gây trồng nhóm 2; cự ly di chuyển 0,5-1,0 km;

b) Các biện pháp kỹ thuật áp dụng: Mật độ trồng 4.400 cây/ha; cuốc hố kích thước 40×40×40 cm; cắm cọc đỡ 1 cọc/cây. Chăm sóc 5 năm: Cắm lại cọc, vớt bèo rác đè lên cây, dựng thẳng cây bị đổ, nghiêng, buộc giữ cây theo đúng thiết kế, thu dọn hiện trường;

c) Vật tư thiết yếu, gồm: Cây giống 5.940 cây (trồng dặm năm thứ nhất 15%, năm thứ hai 10%, năm thứ ba 10%), cọc cắm đỡ cây 4.400 cái. Trong đó: Năm thứ nhất: Cây giống 5.060 cây, cọc cắm đỡ cây 4.400 cái; năm thứ hai: Cây giống 440 cây; năm thứ ba: Cây giống 440 cây;

d) Vật tư khác: 5% giá trị so với vật tư thiết yếu;

đ) Nhân công:

Nhân công trực tiếp: Tổng số 328 công. Trong đó, năm thứ nhất: 160 công; năm thứ hai 52 công; năm thứ ba 37 công; năm thứ tư 22 công; năm thứ năm 22 công; từ năm thứ sáu đến năm thứ mười 35 công;

Nhân công gián tiếp: 40 công, trong đó: Lập hồ sơ thiết kế dự toán 7 công; quản lý, giám sát, chỉ đạo kỹ thuật, nghiệm thu 33 công;

Chi tiết các bước công việc và định mức theo quy định tại Bảng 2 phần I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Khi thay đổi nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, áp dụng hệ số điều chỉnh theo bảng quy định hệ số K tại mục A.I phần II Phụ lục I và các ô mức tại mục B phần II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để lập thiết kế, dự toán.

Điều 7. Định mức kinh tế - kỹ thuật khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 01 ha rừng

1. Điều kiện áp dụng: Hệ số 1,0 cho thực bì phát vỡ nhóm 2; đất nhóm 2; cự ly di chuyển 1-2 km; độ dốc 20°-25°.

2. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng: Xử lý thực bì theo băng 50% diện tích; mật độ trồng bổ sung 200 cây/ha; đào hố kích thước 40×40×40 cm; bón phân 3 năm, mỗi năm bón 0,2 kg/cây; chăm sóc 6 năm: Phát chăm sóc, xới vun gốc đường kính xới < 0,8 m, tỉa chồi xấu (3 năm đầu 2 lần/năm; 3 năm sau 1 lần/năm).

3. Vật tư thiết yếu gồm: Cây giống 200 cây, phân bón NPK 120 kg. Trong đó: Năm thứ nhất: Cây giống 200 cây, phân bón NPK 40 kg; năm thứ hai: Phân bón NPK 40 kg; năm thứ ba: Phân bón NPK 40 kg;

4. Vật tư khác: 5% giá trị so với vật tư thiết yếu.

5. Nhân công:

a) Nhân công trực tiếp: Tổng số 101 công. Trong đó, năm thứ nhất 37 công; năm thứ hai 21 công; năm thứ ba 21 công; từ năm thứ tư đến năm thứ sáu 22 công.

b) Nhân công gián tiếp: 23 công. Trong đó, lập hồ sơ thiết kế dự toán 7 công; quản lý, giám sát, chỉ đạo kỹ thuật, nghiệm thu 16 công.

c) Chi tiết các bước công việc và định mức theo quy định tại Bảng 3 phần I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Khi thay đổi nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, áp dụng hệ số điều chỉnh theo bảng quy định hệ số K tại mục A.I phần II Phụ lục I và các ô mức tại mục B phần II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để lập thiết kế, dự toán.

Điều 8. Định mức kinh tế - kỹ thuật nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên

Định mức kinh tế - kỹ thuật nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên áp dụng các ô mức theo tại mục B phần II Phụ lục I và hệ số điều chỉnh theo bảng quy định hệ số K tại mục A.I phần II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để lập thiết kế, dự toán.

Chương III

ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT TUẦN TRA BẢO VỆ RỪNG

Điều 9. Nội dung tuần tra bảo vệ rừng

1. Chuẩn bị tuần tra.

2. Tổ chức tuần tra bảo vệ rừng:

a) Kiểm tra, phát hiện việc phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trên tuyến và điểm tuần tra; ngăn chặn, yêu cầu tạm dừng hành vi vi phạm, ghi âm, ghi hình để ghi nhận sự việc tại hiện trường, lập biên bản và thông tin kịp thời đến người có thẩm quyền để chỉ đạo xử lý. Xác định các địa điểm bị phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng; ghi chép cụ thể các thông tin phát hiện trung thực, chính xác theo thực tế, xác định các nguyên nhân phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng, mất rừng;

b. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc săn, bắt, bẫy động vật rừng, gõ bẫy bắt động vật rừng trên tuyến, điểm tuần tra rừng; ghi âm, ghi hình để ghi nhận sự việc tại hiện trường, lập biên bản và thông tin kịp thời đến người có thẩm quyền để chỉ đạo xử lý; xác định các điểm phát hiện việc săn bắt động vật; ghi chép cụ thể các thông tin phát hiện trung thực, chính xác theo thực tế.

3. Báo cáo kết quả tuần tra bảo vệ rừng.

Điều 10. Định mức kinh tế - kỹ thuật tuần tra bảo vệ 1 ha rừng

1. Điều kiện áp dụng:

a) Hệ số cự ly di chuyển (Ki): Ki = 1,0 khi cự ly di chuyển dưới 20 km, Ki = 1,05 khi cự ly di chuyển từ 20 km trở lên;

b) Hệ số loại rừng (Kj): Áp dụng Kj = 1 đối với rừng trồng; Kj = 1,05 đối với rừng tự nhiên.

2. Nhân công: Từ 7,28 - 8,03 công/ha/năm.

3. Chi phí vật tư không quá 5% giá trị nhân công theo khoản 2 Điều này.

4. Chi tiết các bước công việc và định mức tuần tra bảo vệ rừng theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Cục Lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật về các biện pháp lâm sinh quy định tại Thông tư này.

2. Cục Kiểm lâm có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật về tuần tra bảo vệ rừng quy định tại Thông tư này.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Quy định chuyển tiếp

1. Chương trình, dự án có áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện một số biện pháp lâm sinh, tuần tra bảo vệ rừng đã phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện đến khi nghiệm thu kết thúc chương trình, dự án.

2. Chương trình, dự án đã phê duyệt nhưng dự toán thấp hơn so với định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này được đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh bổ sung.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2024.

2. Phần I, phần III, phần IV và phần V Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 06/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

4. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

 

Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 01/02/2024
quy định một số định mức kinh tế - kỹ thuật về Lâm nghiệp
Số kí hiệu 21/2023/TT-BNNPTNT Ngày ban hành 15/12/2023
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 01/02/2024
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

01/02/2024

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 21/2023/TT-BNNPTNT

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
15/12/2023 Văn bản được ban hành 21/2023/TT-BNNPTNT
01/02/2024 Văn bản có hiệu lực 21/2023/TT-BNNPTNT
Văn bản liên quan
Văn bản căn cứ

Lâm nghiệp

  • Ngày ban hành: 15/11/2017
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2019
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản tiếng anh