Vướng mắc, bất cập khi áp dụng Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 Chính phủ về công tác văn thư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Ngày đăng: 2020-03-26 20:12:00.0
|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A A

          Ngày 05/3/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư. Theo đó Nghị định số 30/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý rõ ràng, quy định cụ thể và chặt chẽ hơn trong công tác văn thư trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạnh 4.0 và yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử. Các cơ quan Nhà nước khi xây dựng, phát hành văn bản hành chính đều phải thực hiện việc gửi, nhận, sử dụng văn bản điện tử và lập hồ sơ điện tử theo quy định. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay việc gửi, nhận, sử dụng văn bản điện tử đang được thực hiện theo Quyết định số 133/2015/QĐ-UBND ngày 10/4/2015 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quy định về việc gửi, nhận, sử dụng văn bản điện tử và hồ sơ điện tử trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ngay khi Nghị định số 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật và triển khai áp dụng ở Bắc Giang có một số nội dung quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng, cụ thể:

         Theo quy định tại điểm d, tiểu mục 9, mục II, Phụ lục I, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày phần “Nơi nhận” quy định: phần “Nơi nhận” được trình bày trên một dòng riêng (ngang hàng với dòng chữ quyền hạn, chức vụ của người ký)…dòng cuối cùng bao gồm chữ “Lưu” và sau có dấu hai chấm (:), tiếp theo là chữ viết tắt “VT”, dấu phẩy (,), chữ viết tắt tên đơn vị (hoặc bộ phận). Như vậy, theo quy định trên thì tại phần “Nơi nhận” hiện nay không quy định cụ thể phần nơi nhận bằng bản giấy và nơi nhận bằng bản điện tử; đồng thời quy định phần “Lưu” văn bản (bằng bản giấy) được bố cục tại dòng cuối phần “Nơi nhận”. Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 133/2015/QĐ-UBND thì hiện nay các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khi soạn thảo văn bản hành chính phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu về thể thức văn bản, trong đó: Tại phần “Nơi nhận” của văn bản hành chính, cơ quan soạn thảo phải xác định và ghi rõ việc gửi bản giấy, gửi bản điện tử theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 133/2015/QĐ-UBND. Riêng phần “Nơi nhận” được bố cục thành hai phần: Phần “Nơi nhận” được bố cục để gửi bản giấy và lưu bản giấy của văn bản hành chính; phần “Nơi nhận” để gửi bản điện tử theo quy định tại Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 133/2015/QĐ-UBND. Từ các quy định nêu trên cho thấy, hiện nay quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày phần “Nơi nhận” của văn bản hành chính giữa Nghị định số 30/2020/NĐ-CP và Quyết định số 133/2015/QĐ-UBND là không thống nhất, từ đó dẫn đến việc hiểu và áp dụng trên thực tế không thống nhất, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng, ban hành văn bản hành chính trên địa bàn tỉnh.  

        Trên cơ sở những vướng mắc, bất cập đã nêu ở trên cho thấy việc áp dụng quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP và Quyết định số 133/2015/QĐ-UBND về trình bày thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính cần sớm được nghiên cứu, xem xét giải quyết kịp thời. Theo đó cần thực hiện một giải pháp sau: (i) cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản chỉ đạo hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật về nội dung này trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; (ii) nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 133/2015/QĐ-UBND đảm bảo phù hợp, thống nhất với Nghị định số 30/2020/NĐ-CP; (iii) Bộ Nội vụ cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, trong đó có hướng dẫn cụ thể về xác định văn bản giấy, văn bản điện tử; việc lưu, gửi, nơi nhận văn bản bằng bản giấy và bản điện tử theo quy định Nghị định số 30/2020/NĐ-CP để các ngành, địa phương áp dụng thống nhất. Việc kịp thời thực hiện một số nội dung nêu trên có ý nghĩa thiết thực góp phần giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện đúng các quy định liên quan đến công tác soạn thảo, ban hành văn bản hành chính trên địa bàn tỉnh hiện nay./.

                                                                                            Kiều Hưng