Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Ngày đăng: 2018-03-19 08:47:00.0
|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A A

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quyết toán. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

 

 

Theo đó, các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong nước và nước ngoài vi phạm quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán độc lập trong phạm vi lãnh thổ nước Việt Nam; hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm các quy định của Nghị định bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

 

Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập theo quy định tại Nghị định, gồm: Hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; tổ chức, đơn vị không sử dụng ngân sách; doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã; các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán… Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là 2 năm, trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 1 năm.

 

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động có thời hạn trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 100 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính.

 

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người hành nghề kế toán từ 1 - 12 tháng; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán từ 1 - 12 tháng; tịch thu chứng từ kế toán, sổ kế toán, tịch thu báo cáo tài chính.

 

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải hủy các chứng từ kế toán đã lập trùng lặp; buộc phải khôi phục lại sổ kế toán; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; buộc tiêu hủy hồ sơ, tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ, giấy chứng nhận gian lận, giả mạo, khai man.

 

Nghị định cũng quy định cụ thể về các loại hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức xử phạt trong lĩnh vực kế toán: Vi phạm quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán, tài khoản kế toán, vi phạm quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và công khai báo cáo tài chính, vi phạm quy định về kiểm tra kế toán, lưu trữ tài liệu kế toán, kiểm kê tài sản, vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán, vi phạm quy định về hành nghề kế toán, vi phạm quy định về áp dụng chuẩn mực kế toán, vi phạm trong việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng, chế độ kế toán và các quy định khác,...

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018 và thay thế cho Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

 

Xem chi tiết Nghị định tại đây./.

Nguồn bacgiang.gov.vn (Nguyễn Miền)