Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực

Ngày đăng: 2020-05-15 15:34:00.0
|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A A

Hôm nay (15/5), nhiều chính sách quan trọng, nổi bật chính thức có hiệu lực như thay thế một số biểu mẫu chứng từ kế toán; bổ sung 04 ngành nghề ưu đãi đầu tư…

 

Thay thế một số mẫu biểu chứng từ kế toán

Tại Thông tư 19/2020/TT-BTC, Bộ Tài chính đã  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 77/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

Theo đó, thay thế các mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC như sau:

- Lệnh hoàn trả thu ngân sách nhà nước (Mẫu số C1-04/NS);

- Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước (Mẫu số C1-05/NS);

- Giấy đề nghị điều chỉnh thu ngân sách nhà nước (Mẫu số C1-07a/NS);

- Giấy đề nghị điều chỉnh thu ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ (Mẫu số C1-07b/NS);

- Lệnh chi tiền (Mẫu số C2-01a/NS);

- Giấy nộp trả kinh phí cho ngân sách cấp trên (Mẫu số C2-05b/NS);

- Phiếu điều chỉnh số liệu ngân sách (Mẫu số C2-10/NS);

- Lệnh chi trả nợ trong nước bằng đồng Việt Nam (Mẫu số C2-14a/NS);

- Lệnh chi trả nợ trong nước bằng đồng Việt Nam (Do Cục Quản lý ngân quỹ - KBNN lập - Mẫu số C2-14b/NS) ;

- Lệnh chi trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ (Mẫu số C2-16NS);

- Lệnh ghi thu, ghi chi ngân sách (Mẫu số C2-17a/NS);

- Lệnh ghi thu, ghi chi ngân sách (Mẫu số C2-17b/NS);

- Giấy đề nghị thu hồi ứng trước vốn đầu tư (Mẫu số C3-03/NS);

- Phiếu điều chỉnh các khoản chi NSNN (Mẫu số C3-05/NS);

- Giấy nộp tiền vào tài khoản (Mẫu số C4-08/KB);

- Phiếu chuyển khoản (Mẫu số C6-08/KB);

- Phiếu điều chỉnh (Mẫu số C6-09/KB);

- Giấy đề nghị tạm cấp dự toán ngân sách (Mẫu số C6-13/NS);

- Bảng kê thanh toán lãi tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước (Mẫu số C6-14/KB).

Bổ sung 4 ngành nghề ưu đãi đầu tư

04 ngành nghề ưu đãi đầu tư được bổ sung tại Nghị định 37/2020/NĐ-CP, gồm:

- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
 

3 sự kiện không phải chứng minh trong tố tụng cạnh tranh

Theo Nghị định 35/2020/NĐ-CP, trong tố tụng cạnh tranh có 03 tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, bao gồm:

- Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoặc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thừa nhận;

- Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp;

- Bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản mà một bên đưa ra thì bên đưa ra không phải chứng minh.
 

Không được mang điện thoại, máy ảnh vào kho tiền tiêu hủy

Đây là nội dung được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua tại Thông tư 03/2020/TT-NHNN quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Thông tư này, những người làm việc trong kho tiền tiêu hủy phải đeo thẻ; không được mang thiết bị liên lạc, ghi hình, cặp, túi xách, tiền mặt, chất dễ cháy, nổ trái quy định vào nơi làm việc.

Khi phát hiện hành vi tham ô, lợi dụng lấy cắp tài sản, Tổ trưởng phối hợp với công chức giám sát lập biên bản báo cáo Hội đồng tiêu hủy và Hội đồng giám sát để xử lý kịp thời.

Nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt hủy tiền phải riêng biệt, có cửa và khóa chắc chắn; trong giờ giải lao, giờ nghỉ trưa công chức, người lao động không được ở lại nơi làm việc, Tổ trưởng là người ra sau cùng khoá và niêm phong cửa, niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng và công chức giám sát. Trong giờ làm việc, nhân viên tiêu hủy tiền vào, ra các khu vực này phải ký xác nhận vào sổ theo dõi.
 

Thí điểm lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng

Nội dung này được đề cập tại  Quyết định 12/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS).

Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Thời hạn ký quỹ là 05 năm 06 tháng.

Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.

Nguồn https://luatvietnam.vn/