Câu hỏi : Đóng dấu giáp lai của tổ chức trên hợp đồng công chứng và chứng thực bản sao được photo màu
Nội dung: 1. Tổ chức kinh tế khi ký công chứng hợp đồng thế chấp có cần phải đóng dấu giáp lai của tổ chức kinh tế trên hợp đồng thế chấp không? 2. Có được chứng thực bản sao từ bản chính mà bản sao được photo màu?
Người gửi : Lê Thanh Bình
Trả lời của: Hương Thị Thanh Nguyễn
Nội dung: 1. Luật công chứng năm 2014 quy định người yêu cầu công chứng phải ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch (khoản 8 Điều 40, khoản 3 Điều 41) và phải ký trước mặt công chứng viên (khoản 1 Điều 48), trừ trường hợp người yêu cầu công chứng là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng, giao dịch mà không cần ký trước mặt công chứng viên (khoản 1 Điều 48). Luật công chứng năm 2014 cũng quy định văn bản công chứng có từ hai tờ trở lên phải được tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu giáp lai giữa các tờ. Như vậy, Luật công chứng năm 2014 quy định trường hợp tổ chức kinh tế tham gia ký kết hợp đồng thế chấp tại tổ chức hành nghề công chứng thì người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức kinh tế đó phải ký vào tất cả các trang của hợp đồng thế chấp đó (và ký trước mặt công chứng viên, trừ trường hợp đã đăng ký mẫu chữ ký) và quy định tổ chức hành nghề công chứng phải đóng dấu giáp lai chứ không quy định tổ chức kinh tế đó phải đóng dấu giáp lai vào hợp đồng thế chấp. 2. Theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì bản sao dùng để chứng thực là bản chụp từ bản chính (khoản 6 Điều 2) và người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao, nếu nội dung bản sao đúng với bản chính, bản chính giấy tờ, văn bản không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 22 của Nghị định này thì thực hiện chứng thực theo quy định (khoản 3 Điều 20). Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp bản sao là bản chụp (bản photo) từ bản chính và có nội dung đúng với bản chính, bản chính không thuộc trường hợp không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao thì bản sao đó có thể được xem xét chứng thực đúng với bản chính mà không phụ thuộc vào màu sắc của tờ giấy dùng để chụp (photo) bản sao.
CÁC CÂU HỎI KHÁC