Câu hỏi : Người câm điếc bẩm sinh có quyền yêu cầu công chứng không?
Nội dung: Chào anh chị. Em được ông bà cha mẹ anh em trao tặng quyền sử dụng đất. Em đi công chứng thì bà nội em bị câm điếc bẩm sinh, không biết viết không nói được, không viết được thì em có làm được công chứng không? Và em mong anh chị giải đáp thắc mắc về hồ sơ phải như thế nào?
Người gửi : .
Trả lời của: Nguồn thuvienphapluat.vn
Nội dung: Về việc công chứng hợp đồng khi người yêu cầu công chứng câm điếc bẩm sinh theo quy định của pháp luật như sau: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật công chứng 2014 quy định: ... 2. Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định. Như vậy, trong trường hợp của bạn, bà nội bạn bị câm điếc bẩm sinh, không thể nói cũng như viết được thì vẫn hoàn toàn có thể thực hiện việc công chứng hợp đồng. Tuy nhiên, việc công chứng trên phải có người làm chứng. Người làm chứng đã đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự bình thường cũng như không có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến mảnh đất được tặng cho. Bạn có thể liên hệ trực tiếp đến văn phòng công chứng để được bên phía văn phòng hỗ trợ chỉ định người làm chứng. Về hồ sơ yêu cầu công chứng, theo Khoản 1 Điều 40 Luật công chứng 2014 thì bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau: 1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây: a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ; b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch; c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có. Về cơ bản, bạn cần chuẩn bị bản sao giấy tờ tùy thân của cụ bạn và những người thân liên quan, bảo sao (kèm bản chính) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp bạn không thể tự mình soạn thảo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, bạn có thể yêu cầu bên phía văn phòng công chứng soạn thảo hộ gia đình mình văn bản trên. Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc. Trân trọng!
CÁC CÂU HỎI KHÁC