Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 05/03/2020

NGHỊ ĐỊNH

Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này hướng dẫn chi tiết khoản 4 Điều 14, khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 38, khoản 4 Điều 39, khoản 5 Điều 41, khoản 8 Điều 43, khoản 5 Điều 45, khoản 2 Điều 52, khoản 4 Điều 53, khoản 4 Điều 58, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 63, khoản 4 Điều 64, khoản 3 Điều 67, khoản 2 Điều 68, khoản 5 Điều 78 Luật Chăn nuôi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ sau được hiểu như sau:

1. Chất chính trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc là protein thô và lysine tổng số; trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho động vật cảnh là protein tổng số; trong thức ăn chăn nuôi khác, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là các chất quyết định công dụng và bản chất của sản phẩm, do nhà sản xuất công bố trong tài liệu kỹ thuật kèm theo hoặc trên nhãn sản phẩm.

2. Chỉ tiêu an toàn là chỉ tiêu quy định mức giới hạn tối đa cho phép trong thức ăn chăn nuôi để không ảnh hưởng tiêu cực đến vật nuôi, con người và môi trường. Chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi gồm: độc tố, vi sinh vật gây hại, kim loại nặng và chỉ tiêu khác quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Cơ sở chăn nuôi là nơi nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi. Cơ sở chăn nuôi bao gồm: Chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa, quy mô nhỏ; chăn nuôi nông hộ.

4. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi là cơ sở thực hiện một hoặc toàn bộ hoạt động chế biến, gia công thức ăn chăn nuôi.

5. Hệ số đơn vị vật nuôi là hằng số áp dụng để quy đổi trực tiếp số lượng gia súc, gia cầm sang đơn vị vật nuôi.

6. Loa phóng là thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến, được đặt ở ngoài cửa lối ra, vào của chim yến.

7. Nhà yến là công trình xây dựng mới hoặc cải tạo để nuôi chim yến.

8. Nhân giống nhân tạo chim yến là hoạt động ấp nở, nuôi dưỡng nhân tạo chim yến.

9. Sản phẩm chim yến là tổ yến, trứng giống, con giống chim yến.

10. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là sản phẩm có đặc tính lý học, hóa học, sinh học sử dụng để xử lý chất thải chăn nuôi.

Điều 4. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này

1. Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tùy theo điều kiện tiếp nhận, trả kết quả của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân nộp 01 hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax).

Quy định về nộp hồ sơ như sau:

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản chụp không chứng thực kèm bản chính để đối chiếu;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường mạng: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính.

2. Thời gian trả lời tính đầy đủ của hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính:

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thành phần; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần thì trả lại tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

3. Cách thức nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành trực tiếp tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hoặc bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Cách thức trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng.

5. Trường hợp Nghị định này có quy định khác với quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này thì thực hiện theo quy định đó.

6. Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực.

7. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đã nộp.

Chương II

GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 5. Quy định về thu thập, bảo tồn, khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi

1. Việc điều tra, thu thập nguồn gen giống vật nuôi được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập, lưu giữ nguồn gen giống vật nuôi mới được phát hiện;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá ban đầu về nguồn gen, bản chất di truyền, đặc tính sinh học của nguồn gen giống vật nuôi mới;

c) Khi phát hiện nguồn gen giống vật nuôi mới, tổ chức, cá nhân không được giết thịt, mua bán, tiêu hủy. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi phát hiện nguồn gen giống vật nuôi mới có trách nhiệm thực hiện các biện pháp lưu giữ, bảo vệ nguồn gen giống vật nuôi mới và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

d) Tổ chức, cá nhân không được phép xuất khẩu, nghiên cứu hoặc sử dụng cùng với tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với nguồn gen giống vật nuôi mới trước khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đánh giá.

2. Việc bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi được quy định như sau:

a) Hoạt động bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi tuân thủ quy định của pháp luật về đa dạng sinh học;

b) Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn nguồn gen giống vật nuôi có tính khác biệt với nguồn gen giống vật nuôi đã có để bảo tồn, đưa vào chương trình quỹ gen quốc gia, nghiên cứu, sử dụng vào hoạt động chọn, tạo, nhân giống và cập nhật vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về nguồn gen giống vật nuôi;

c) Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch về việc bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi.

3. Việc khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi được quy định như sau:

a) Khi sản xuất và thị trường có nhu cầu thì nguồn gen giống vật nuôi được khai thác, phát triển;

b) Nguồn gen giống vật nuôi đưa vào khai thác, phát triển thì được đưa ra khỏi danh sách nguồn gen giống vật nuôi được bảo tồn;

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt việc khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi;

d) Tổ chức, cá nhân hợp tác nghiên cứu và tiếp cận nguồn gen giống vật nuôi thực hiện theo quy định của Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Điều 6. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn

1. Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Có số lượng cá thể hoặc có số nhóm huyết thống còn ít dẫn đến nguy cơ cận huyết cao;

b) Có số lượng cá thể suy giảm ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 05 năm tiếp theo.

2. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 7. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu

1. Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Giống vật nuôi bản địa mang nguồn gen quý, hiếm;

b) Có tính độc đáo, đặc hữu của Việt Nam.

2. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 8. Cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu

1. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, lập hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

2. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Kết quả rà soát, đánh giá về Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu;

b) Đơn của tổ chức, cá nhân đề nghị giống vật nuôi đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu (nếu có);

c) Bản thông tin về tên giống và địa điểm phân bố của giống vật nuôi cần đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu;

d) Bản thuyết minh tính cần thiết của việc đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu bao gồm các thành phần sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Chăn nuôi và các đơn vị liên quan;

b) Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Chuyên gia về lĩnh vực giống vật nuôi.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ kết quả thẩm định, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chương III

THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Điều 9. Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

1. Điểm c khoản 1 Điều 38 của Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:

Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với thức ăn chăn nuôi phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không gây nhiễm chéo, không thôi nhiễm chất độc hại từ thiết bị sang thức ăn chăn nuôi; khu vực chứa thức ăn chăn nuôi bảo đảm thông thoáng, có đủ ánh sáng để quan sát bằng mắt thường, có giải pháp chống ẩm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.

2. Điểm đ khoản 1 Điều 38 của Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biện pháp để kiểm soát tạp chất (cát sạn, kim loại, bụi) gây nhiễm bẩn vào sản phẩm; có biện pháp kiểm soát, phòng, chống động vật xâm nhập vào khu vực sản xuất, khu lưu trữ sản phẩm; có biện pháp phòng, chống mối mọt; có biện pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường; có biện pháp bảo hộ, vệ sinh cho người lao động và khách tham quan khu vực sản xuất.

Điều 10. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng được quy định như sau:

a) Cục Chăn nuôi cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung; cơ sở sản xuất đồng thời thức ăn bổ sung và thức ăn chăn nuôi khác; cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi xuất khẩu theo đề nghị của bên nhập khẩu;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 01.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh điều kiện sản xuất theo Mẫu số 02.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Quy trình kiểm soát chất lượng của cơ sở sản xuất theo Mẫu số 03.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Bản tóm tắt quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn truyền thống và nguyên liệu đơn.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đối với cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này và lập Biên bản theo Mẫu số 05.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức, cá nhân khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).

Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 06.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Đối với cơ sở sản xuất (sản xuất, sơ chế, chế biến) thức ăn chăn nuôi truyền thống nhằm mục đích thương mại, theo đặt hàng:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ; trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 06.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị đinh này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu phải đánh giá điều kiện thực tế để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.

4. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 01.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân (tên cơ sở, tên địa chỉ cơ sở sản xuất, địa chỉ trụ sở) trong Giấy chứng nhận.

5. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 06.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Trường hợp cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi mà thay đổi địa điểm cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục theo quy định tại khoản 3 Điều này.

7. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi:

Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này xử lý vi phạm hành chính, ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 39 của Luật Chăn nuôi;

b) Cơ sở không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Chăn nuôi và Điều 9 Nghị định này nhưng không khắc phục trong thời hạn đã cam kết với cơ quan có thẩm quyền.

8. Cơ sở sản xuất (sản xuất, sơ chế, chế biến) thức ăn chăn nuôi truyền thống nhằm mục đích thương mại ở hộ gia đình, hộ kinh doanh không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

9. Chi phí phục vụ hoạt động đánh giá để cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do tổ chức, cá nhân đăng ký chi trả theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 11. Đánh giá điều kiện thực tế sản xuất thức ăn chăn nuôi

1. Đánh giá điều kiện thực tế sản xuất thức ăn chăn nuôi bao gồm:

a) Đánh giá điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;

b) Đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

2. Nội dung đánh giá điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định tại Mẫu số 04.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đoàn đánh giá bao gồm trưởng đoàn và thành viên đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Đối với trưởng đoàn đánh giá: Là lãnh đạo cấp phòng trở lên hoặc công chức có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi;

b) Đối với thành viên: Có ít nhất 01 thành viên được tập huấn về đánh giá điều kiện thực tế sản xuất thức ăn chăn nuôi do Cục Chăn nuôi tổ chức; có ít nhất 01 thành viên có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực chăn nuôi.

4. Đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi là quan sát hiện trường cơ sở; xem xét và tra cứu tài liệu, hồ sơ; các hoạt động khác có liên quan.

5. Tần suất đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định như sau:

a) Tần suất đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi là 24 tháng một lần. Đối với cơ sở quy định tại điểm c khoản 3 Điều 10 Nghị định này, thực hiện đánh giá giám sát lần đầu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;

b) Trường hợp cơ sở sản xuất thức chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (ISO), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc giấy chứng nhận tương đương thì thực hiện đánh giá giám sát với tần suất 36 tháng một lần;

c) Trường hợp phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thức ăn chăn nuôi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, đánh giá giám sát đột xuất.

Điều 12. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh

1. Tiêu chí đối với một số loại vật nuôi ở giai đoạn con non được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh được quy định như sau:

a) Lợn con có khối lượng đến 25 kg hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi;

b) Gà, vịt, ngan, chim cút từ 01 đến 21 ngày tuổi;

c) Thỏ từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi;

d) Bê, nghé từ sơ sinh đến 06 tháng tuổi.

2. Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ.

3. Việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi được quy định như sau:

a) Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020;

b) Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh rất quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021;

c) Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022;

d) Thuốc thú y có chứa kháng sinh không thuộc quy định tại điểm a, b và c khoản này đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục kháng sinh quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều này.

Điều 13. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Cơ quan cấp phép:

Cục Chăn nuôi là cơ quan cấp phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm, nuôi thích nghi, nghiên cứu, khảo nghiệm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu.

2. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm theo Mẫu số 07.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Văn bản chứng minh về việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam.

3. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để nuôi thích nghi bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để nuôi thích nghi theo Mẫu số 07.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản kê khai của cơ sở đăng ký về đối tượng, số lượng vật nuôi nuôi thích nghi, thời gian nuôi, địa điểm nuôi và mục đích nuôi.

4. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để phục vụ nghiên cứu hoặc khảo nghiệm theo Mẫu số 07.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Đề cương nghiên cứu hoặc khảo nghiệm theo Mẫu 08.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm theo Mẫu số 07.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Văn bản thỏa thuận sử dụng dịch vụ phân tích giữa một bên là phòng thử nghiệm hoặc doanh nghiệp trong nước với một bên là phòng thử nghiệm hoặc doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý về thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu, trong đó có cam kết mẫu sản phẩm nhập khẩu không dùng cho hoạt động thương mại.

6. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu theo Mẫu số 07.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Hợp đồng sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu.

7. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo mục đích nhập khẩu quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 hoặc 6 Điều này đến Cục Chăn nuôi.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cục Chăn nuôi cấp giấy phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 09.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 14. Đánh giá để thừa nhận phương pháp thử nghiệm của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu

1. Phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu được Cục Chăn nuôi thừa nhận khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được tổ chức công nhận quốc gia hoặc tổ chức công nhận quốc tế công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước xuất khẩu chỉ định, thừa nhận, trong đó có phạm vi công nhận là thức ăn chăn nuôi hoặc thực phẩm;

b) Có máy móc, thiết bị, dụng cụ phù hợp với phương pháp thử nghiệm và tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025;

c) Có phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi được thẩm định, xác nhận giá trị sử dụng.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có nhu cầu thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu, nộp hồ sơ đăng ký về Cục Chăn nuôi. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu theo Mẫu số 10.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận phòng thử nghiệm của nước xuất khẩu được công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 hoặc văn bản chỉ định, thừa nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu;

c) Danh mục máy móc, thiết bị thử nghiệm phù hợp với phương pháp thử nghiệm bao gồm các thông tin: Tên máy móc, thiết bị; thời gian đưa vào sử dụng và thời gian kiểm định, hiệu chuẩn kèm theo Giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn còn hiệu lực do phòng thử nghiệm của nước xuất khẩu cung cấp;

d) Quy trình thử nghiệm và hồ sơ thẩm định, xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp thử nghiệm trên nền mẫu thức ăn chăn nuôi do phòng thử nghiệm của nước xuất khẩu cung cấp;

đ) Kết quả thử nghiệm thành thạo hoặc so sánh liên phòng (nếu có) do phòng thử nghiệm của nước xuất khẩu cung cấp.

3. Trình tự thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu được quy định như sau:

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Chăn nuôi thẩm định hồ sơ và tổ chức đánh giá thực tế tại phòng thử nghiệm (nếu cần thiết). Trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu, Cục Chăn nuôi ban hành quyết định thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quyết định thừa nhận có hiệu lực tối đa 03 năm.

4. Thành phần Đoàn đánh giá thực tế tại phòng thử nghiệm bao gồm: Cục Chăn nuôi, các đơn vị có liên quan và các chuyên gia kỹ thuật.

Điều 15. Đánh giá để thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu

1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng phải khảo nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật Chăn nuôi có nhu cầu thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu nộp 01 bộ hồ sơ về Cục Chăn nuôi. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu theo Mẫu số 11.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản mô tả về năng lực của cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi theo quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật Chăn nuôi do cơ sở khảo nghiệm của nước xuất khẩu cung cấp;

c) Quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi theo nội dung quy định tại Mẫu 08.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này do cơ sở khảo nghiệm của nước xuất khẩu cung cấp;

d) Báo cáo kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi theo các nội dung trong quy trình khảo nghiệm và các tài liệu kỹ thuật khác có liên quan do cơ sở khảo nghiệm của nước xuất khẩu cung cấp.

2. Trình tự thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu được quy định như sau:

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Chăn nuôi thẩm định hồ sơ và tổ chức đánh giá tại nước xuất khẩu (nếu cần thiết). Trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu, Cục Chăn nuôi ban hành quyết định thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Thành phần đoàn đánh giá bao gồm: Cục Chăn nuôi, các đơn vị có liên quan và các chuyên gia kỹ thuật.

Điều 16. Kiểm tra tại nước xuất khẩu thức ăn chăn nuôi

1. Khi phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam, Cục Chăn nuôi phối hợp với đơn vị có liên quan thành lập đoàn kiểm tra tại nước xuất khẩu.

2. Nội dung kiểm tra: Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, phòng thử nghiệm.

3. Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Chăn nuôi ban hành quyết định biện pháp xử lý kết quả kiểm tra đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 17. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất và lưu hành trong nước

1. Cơ quan kiểm tra:

a) Cục Chăn nuôi kiểm tra trên phạm vi toàn quốc;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra trên địa bàn.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi thương mại sản xuất và lưu hành trong nước: Thực hiện theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Chăn nuôi;

b) Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi bị triệu hồi hoặc trả về: Kiểm tra sự phù hợp của các chỉ tiêu công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, các chỉ tiêu an toàn quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định khác có liên quan. Trường hợp kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức, cá nhân phải xử lý thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.

Điều 18. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

1. Cơ quan kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Biện pháp kiểm tra được quy định như sau:

a) Đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh: Kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thức ăn chăn nuôi truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh trong quá trình lưu thông trên thị trường bị phát hiện không bảo đảm chất lượng, gây mất an toàn cho con người, vật nuôi, môi trường hoặc khi có khiếu nại, tố cáo về chất lượng hoặc hoạt động sản xuất thì kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm ghi biện pháp kiểm tra vào Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh thuộc trường hợp này;

b) Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này: Kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi;

c) Đối với lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn đã được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm của nước xuất khẩu đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này được thừa nhận kết quả thử nghiệm của chỉ tiêu đó khi kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

3. Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo Mẫu số 12.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Hợp đồng mua bán; phiếu đóng gói (Packing list); hóa đơn mua bán (Invoice); phiếu kết quả phân tích chất lượng của nước xuất khẩu cấp cho lô hàng (Certificate of Analysis); nhãn sản phẩm của cơ sở sản xuất; bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân nhập khẩu;

c) Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp đối với nguyên liệu đơn, thức ăn truyền thống;

d) Một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (ISO), Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP), Giấy chứng nhận phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc giấy chứng nhận tương đương của cơ sở sản xuất đối với nguyên liệu đơn.

Thành phần hồ sơ quy định tại điểm b, c và d khoản này bằng tiếng Anh thì không phải kèm theo bản dịch ra tiếng Việt.

4. Trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP); Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Nghị định số 154/2018/NĐ-CP).

5. Miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được quy định như sau:

a) Việc miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.

Thời hạn miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 01 năm;

b) Trong thời gian được miễn giảm kiểm tra, tổ chức, cá nhân tự cập nhật thông tin lô thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi làm thủ tục thông quan.

Hồ sơ tự cập nhật thông tin bao gồm các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này và văn bản xác nhận sản phẩm được áp dụng miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu của cơ quan kiểm tra.

Ngay sau khi hoàn thiện việc cập nhật thông tin lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân được làm thủ tục để thông quan lô hàng và tự chịu trách nhiệm về hồ sơ và chất lượng sản phẩm;

c) Đánh giá giám sát lô thức ăn chăn nuôi được miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 4 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.

Điều 19. Xử lý kết quả thử nghiệm về chất lượng thức ăn chăn nuôi

1. Kết quả thử nghiệm về chất lượng thức ăn chăn nuôi là kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm của phòng thử nghiệm được chỉ định sau khi tính độ dao động kết quả thử nghiệm quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Việc thử nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi phục vụ quản lý nhà nước phải thực hiện trước khi lô sản phẩm được lấy mẫu thử nghiệm hết hạn sử dụng.

3. Trình tự, thủ tục xử lý kết quả thử nghiệm về chất lượng thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thử nghiệm, cơ quan kiểm tra thông báo cho tổ chức, cá nhân kết quả thử nghiệm qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân không có khiếu nại về kết quả thử nghiệm thì cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Giải quyết khiếu nại kết quả thử nghiệm về chất lượng thức ăn chăn nuôi:

a) Trường hợp không đồng ý với kết quả thử nghiệm, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại bằng văn bản gửi cơ quan kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra sử dụng mẫu lưu hoặc lấy lại mẫu (khi cần thiết) để thử nghiệm chỉ tiêu bị khiếu nại tại phòng thử nghiệm được chỉ định khác phòng thử nghiệm lần đầu. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để đưa ra kết luận cuối cùng;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại về kết quả thử nghiệm do phòng thử nghiệm duy nhất được chỉ định tại Việt Nam thực hiện, cơ quan kiểm tra có thể gửi mẫu đến phòng thử nghiệm ở nước ngoài đã được tổ chức quốc tế, khu vực công nhận hoặc được Cục Chăn nuôi thừa nhận. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để đưa ra kết luận cuối cùng;

c) Trường hợp lô hàng có kết quả thử nghiệm bị khiếu nại mà đã hết hạn sử dụng, thì kết quả thử nghiệm lần đầu là căn cứ để đưa ra kết luận cuối cùng;

d) Chi phí giải quyết khiếu nại về kết quả thử nghiệm do tổ chức, cá nhân chi trả theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Xử lý thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng

1. Thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị xử lý bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái xuất phải thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định của pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi;

b) Buộc tiêu hủy: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tiêu hủy phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Nội dung hợp đồng phải nêu rõ biện pháp tiêu hủy để cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi giám sát;

c) Buộc tái chế: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái chế phải thực hiện tái chế sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm sản phẩm sau khi tái chế có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; báo cáo phương án và kết quả tái chế cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;

d) Buộc chuyển mục đích sử dụng: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp chuyển đổi mục đích sử dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật; báo cáo phương án và kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;

đ) Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp cải chính thông tin phải thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hoặc trước khi sử dụng.

2. Giám sát việc tiêu hủy đối với thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng được quy định như sau:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát việc tiêu hủy đối với thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng trên địa bàn, lập biên bản giám sát theo quy định tại điểm b khoản này theo thẩm quyền và giám sát khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Biên bản giám sát việc tiêu hủy thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng phải có các thông tin sau: Căn cứ pháp lý, lý do; thời gian, địa điểm; thành phần tham gia; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng sản phẩm; biện pháp tiêu hủy và các nội dung cần thiết khác.

Biên bản giám sát tiêu hủy phải được xác nhận của đại diện các bên tham gia giám sát và tổ chức, cá nhân có sản phẩm bị tiêu hủy.

3. Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 1 Điều này phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lý.

4. Trường hợp thức ăn chăn nuôi vô chủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc xử lý, bố trí kinh phí để xử lý.

Chương IV

ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI

Điều 21. Quy mô chăn nuôi

1. Nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi được quy định như sau:

a) Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định bằng số lượng đơn vị vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;

b) Quy mô chăn nuôi các loại vật nuôi khác được xác định bằng số lượng vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;

c) Trường hợp cơ sở chăn nuôi hỗn hợp gồm gia súc, gia cầm và vật nuôi khác thì quy mô chăn nuôi gồm tổng số đơn vị vật nuôi của gia súc và gia cầm, số lượng từng loại vật nuôi khác.

2. Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy định như sau:

a) Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;

b) Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;

c) Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;

d) Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.

3. Quản lý quy mô chăn nuôi được quy định như sau:

a) Chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quản lý theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này;

b) Chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi.

Trường hợp vi phạm, cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải cam kết khắc phục, bảo đảm điều kiện chăn nuôi trong thời gian 06 tháng kể từ ngày bị phát hiện vi phạm và gửi báo cáo kết quả khắc phục đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra thực tế kết quả khắc phục trong trường hợp cần thiết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ. Tần suất kiểm tra là 03 năm một lần;

c) Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 56, khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi.

4. Hệ số đơn vị vật nuôi quy định như sau:

a) Hệ số đơn vị vật nuôi sử dụng làm căn cứ quy đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi;

b) Hệ số đơn vị vật nuôi, công thức chuyển đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung quy mô chăn nuôi, hệ số đơn vị vật nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Điều 22. Mật độ chăn nuôi đối với các vùng

1. Diện tích đất nông nghiệp làm căn cứ để xác định mật độ chăn nuôi bao gồm tổng diện tích các loại đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định thành các vùng như sau để xác định mật độ chăn nuôi:

a) Vùng đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình;

b) Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình;

c) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận;

d) Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng;

đ) Vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh;

e) Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

3. Mật độ chăn nuôi vùng áp dụng đối với địa phương thuộc từng vùng được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Căn cứ chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi và môi trường sinh thái, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mật độ chăn nuôi của địa phương nhưng không vượt quá mật độ chăn nuôi vùng quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung mật độ chăn nuôi của các vùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Điều 23. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn quy định như sau:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại địa phương;

b) Trường hợp cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đăng ký thủ tục đầu tư thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 02.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức, cá nhân khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).

Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận;

c) Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đã được cấp, trừ trường hợp Giấy chứng nhận bị mất.

5. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này xử lý vi phạm hành chính, ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn, thông báo tới Cục Chăn nuôi và trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở chăn nuôi thuộc trường hợp quy định tại điểm a và c khoản 3 Điều 58 của Luật Chăn nuôi;

b) Cơ sở chăn nuôi không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Chăn nuôi nhưng không khắc phục trong thời hạn đã cam kết với cơ quan có thẩm quyền.

7. Kinh phí chi cho hoạt động đánh giá để cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 24. Đánh giá điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn

1. Nội dung đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn bao gồm:

a) Đánh giá hồ sơ đăng ký;

b) Đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi về việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Chăn nuôi thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Mẫu số 03.ĐKCN, ghi biên bản đánh giá theo Mẫu số 04.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Thành phần đoàn đánh giá gồm:

a) Trưởng đoàn đánh giá là lãnh đạo cấp phòng trở lên hoặc công chức có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi;

b) Có ít nhất 01 thành viên được tập huấn về đánh giá điều kiện cơ sở chăn nuôi do Cục Chăn nuôi tổ chức;

c) Có ít nhất 01 thành viên có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực chăn nuôi.

3. Nội dung đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn bao gồm:

a) Đánh giá việc duy trì các điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Chăn nuôi;

b) Đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ của cơ sở chăn nuôi quy định tại khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi.

4. Tần suất đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn là 24 tháng một lần.

Trường hợp phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm về điều kiện chăn nuôi, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này tiến hành đánh giá giám sát đột xuất.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn.

Trong trường hợp cần thiết, Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại địa phương.

Điều 25. Quản lý nuôi chim yến

1. Quy định về vùng nuôi chim yến:

a) Vùng nuôi chim yến do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.

2. Quy định đối với cơ sở nuôi chim yến:

a) Nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến.

Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới;

b) Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến;

d) Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

đ) Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh;

e) Không săn bắt; không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học.

3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Ban hành và tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến;

b) Khu vực, nhà, xưởng phục vụ sơ chế, bảo quản tổ yến phải cách xa nguồn gây ô nhiễm, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm;

c) Có biện pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp để bảo đảm sinh vật gây hại không xâm nhập vào khu vực sơ chế, bảo quản tổ yến;

d) Có nguồn nước sử dụng trong sơ chế tổ yến đạt yêu cầu tiêu chuẩn nước sinh hoạt;

đ) Tổ yến sau sơ chế phải bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 26. Quản lý nuôi hươu sao

1. Căn cứ quy mô chăn nuôi, cơ sở nuôi hươu sao phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 55 hoặc Điều 56 của Luật Chăn nuôi và các yêu cầu sau:

a) Trại chăn nuôi phải bảo đảm hươu sao được sống gần gũi với điều kiện tự nhiên;

b) Con giống hươu sao phải có nguồn gốc từ cơ sở nuôi hươu sao hợp pháp;

c) Cơ sở sản xuất giống phải có hồ sơ theo dõi cá thể và hệ phả hươu sao.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, bảo quản nhung hươu phải thực hiện yêu cầu sau:

a) Sử dụng biện pháp để giảm đau cho hươu khi thực hiện thủ thuật cắt nhung;

b) Bảo quản nhung hươu sau khi cắt trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm;

c) Ghi chép, lưu trữ thông tin về khai thác, bảo quản nhung hươu bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Điều 27. Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi

1. Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, đánh giá và trình Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi định kỳ 03 năm một lần hoặc khi có yêu cầu bằng văn bản của tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chương V

NHẬP KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI VÀ VẬT NUÔI SỐNG

Điều 28. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

1. Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có nguy cơ cao về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Sản phẩm chăn nuôi của các loại vật nuôi thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ theo quy định tại Điều 37 của Luật Thú y;

b) Sản phẩm chăn nuôi thuộc đối tượng phải phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm quy định tại Điều 49 của Luật An toàn thực phẩm;

c) Sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc, xuất xứ từ cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến, bảo quản bị nghi ngờ hoặc phát hiện có sử dụng chất cấm sử dụng trong chăn nuôi;

d) Sản phẩm chăn nuôi được sơ chế, đóng gói, bảo quản tại cơ sở bị nghi ngờ hoặc phát hiện bị ô nhiễm bởi các chất độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng;

đ) Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam qua nước trung gian.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan kiểm tra cơ sở sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi tại nước xuất khẩu trước khi nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định tại Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Điều 29. Quy định về nhập khẩu vật nuôi sống

1. Vật nuôi sống nhập khẩu làm thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ xác nhận sử dụng làm thực phẩm;

b) Trong quá trình chăn nuôi không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Thú y.

2. Trừ trường hợp thỏa thuận giữa Việt Nam và nước ngoài có quy định khác, các cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm:

a) Cảng hàng không: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.

b) Cửa khẩu trên đất liền: Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Thanh Thủy (Hà Giang), Hà Khẩu (Lào Cai), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh), Mộc Hóa (Long An).

c) Cảng biển: Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Cửa Lò (Nghệ An), Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Chương VI

XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Điều 30. Quy định đối với sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lưu thông trên thị trường

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải công bố trong tiêu chuẩn áp dụng được quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân tự công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Trong thời gian xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu sử dụng cho việc tự công bố thông tin về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông tin về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tới Cục Chăn nuôi để tổng hợp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất trong nước bao gồm:

a) Thông tin về cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (tên, địa điểm, thông tin liên lạc);

b) Tiêu chuẩn công bố áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày công bố thông tin được cấp bởi phòng thử nghiệm đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm;

d) Mẫu nhãn sản phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

đ) Kết quả khảo nghiệm đối với sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần đầu được sản xuất tại Việt Nam có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm hoặc biên bản đánh giá, nghiệm thu của Hội đồng khoa học đối với sản phẩm là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

e) Văn bằng bảo hộ sáng chế hoặc bản cam kết không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đề nghị đăng ký lưu hành.

4. Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:

a) Thông tin về cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (tên, địa điểm, thông tin liên lạc);

b) Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp;

c) Bản thông tin về thành phần nguyên liệu, công dụng, hướng dẫn sử dụng của sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp;

d) Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm của nhà nhập khẩu bằng tiếng Việt;

đ) Nhãn bao bì sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp; kèm theo nhãn phụ bằng tiếng Việt;

e) Phiếu kết quả thử nghiệm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày công bố thông tin được cấp bởi phòng thử nghiệm đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm;

g) Kết quả khảo nghiệm đối với sản phẩm lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm ở Việt Nam.

5. Trường hợp thay đổi thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tổ chức, cá nhân tự cập nhật thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 31. Khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần đầu được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm ở Việt Nam phải thực hiện khảo nghiệm trước khi công bố sản phẩm; trừ sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia đã được công nhận.

2. Tổ chức, cá nhân phải thực hiện khảo nghiệm tại cơ sở khảo nghiệm đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu khảo nghiệm từng loại sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

b) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường;

c) Có hoặc hợp đồng với đơn vị có phòng thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm;

d) Trường hợp cơ sở khảo nghiệm các sản phẩm vi sinh vật sử dụng để xử lý chất thải chăn nuôi phải có tủ lạnh, tủ lạnh âm sâu giữ giống vi sinh vật để phục vụ việc khảo nghiệm.

3. Nội dung khảo nghiệm bao gồm:

a) Đánh giá về thành phần, chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng;

b) Đánh giá tính an toàn đối với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng sản phẩm;

c) Đánh giá hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi của sản phẩm.

4. Cơ sở khảo nghiệm lập báo cáo kết quả khảo nghiệm sản phẩm theo Mẫu số 01.MTCN Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

5. Cơ sở khảo nghiệm phải lưu hồ sơ kết quả khảo nghiệm tối thiểu 03 năm sau khi kết thúc khảo nghiệm.

Điều 32. Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

1. Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;

2. Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; khu chứa nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm bảo đảm không gây nhiễm chéo; có kho hoặc dụng cụ chuyên dụng để bảo quản những nguyên liệu, sản phẩm có tính đặc thù theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp;

3. Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh;

4. Có hoặc hợp đồng với phòng thử nghiệm để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất;

5. Có thiết bị thu gom và xử lý chất thải trong quá trình sản xuất bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất;

6. Cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật bảo đảm an toàn cho người và môi trường;

7. Có hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 03 năm 2020.

2. Nghị định này thay thế các văn bản sau đây:

a) Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

b) Nghị định số 100/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP;

c) Khoản 5 Điều 1 và Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

d) Điều 9, 10 và 11 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

3. Nghị định này bãi bỏ các văn bản sau đây:

a) Quyết định số 78/2004/QĐ-BNN ngày 31 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục giống vật nuôi quý hiếm cấm xuất khẩu;

b) Quyết định số 88/2005/QĐ-BNN ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn;

c) Quyết định số 43/2006/QĐ-BNN ngày 01 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về trao đổi quốc tế nguồn gen vật nuôi quý hiếm;

d) Thông tư số 92/2007/TT-BNN ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm;

đ) Thông tư số 02/2011/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi;

e) Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 61/2011/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thức ăn chăn nuôi;

g) Điều 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Thông tư số 19/2011/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010;

h) Thông tư số 06/2012/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn;

i) Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến;

k) Thông tư số 14/2014/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục giống vật nuôi cao sản;

l) Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

m) Thông tư số 01/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Điều 34. Quy định chuyển tiếp

1. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy về điều kiện cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản (sau đây gọi là Nghị định số 39/2017/NĐ-CP) nhưng hết hiệu lực trong thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 được tiếp tục sản xuất không quá 12 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận hợp quy hết hiệu lực.

2. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy về điều kiện cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP được tiếp tục sản xuất cho đến khi hết hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tiếp tục sản xuất và phải đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

4. Sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được áp dụng chế độ kiểm tra giảm có thời hạn, miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn theo quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP tiếp tục được áp dụng theo hiệu lực ghi trên văn bản xác nhận kiểm tra giảm, miễn kiểm tra.

5. Việc kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chưa có Quy chuẩn kỹ thuật được tiếp tục áp dụng quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020.

6. Sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc nhập khẩu được phép lưu hành theo quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP tiếp tục được lưu hành theo thời hạn hiệu lực đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Tổ chức, cá nhân nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký giải quyết thủ tục hành chính về thức ăn chăn nuôi trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.

8. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trước ngày 31 tháng 12 năm 2019 không phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này.

Điều 35. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Tải file đính kèm
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 05/03/2020
Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi
Số kí hiệu 13/2020/NĐ-CP Ngày ban hành 21/01/2020
Loại văn bản Nghị định Ngày có hiệu lực 05/03/2020
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Chính phủ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

05/03/2020

Lịch sử hiệu lực:

Nghị định 13/2020/NĐ-CP

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
21/01/2020 Văn bản được ban hành 13/2020/NĐ-CP
05/03/2020 Văn bản có hiệu lực 13/2020/NĐ-CP
Văn bản liên quan
VB bị thay thế

VỀ QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN

  • Ngày ban hành: 04/04/2017
  • Ngày có hiệu lực: 20/05/2017
Văn bản bị bãi bỏ

Ban hành Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn

  • Ngày ban hành: 27/12/2005
  • Ngày có hiệu lực: 29/01/2006

Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến

  • Ngày ban hành: 22/07/2013
  • Ngày có hiệu lực: 06/09/2013

Ban hành Danh mục giống vật nuôi cao sản

  • Ngày ban hành: 28/04/2014
  • Ngày có hiệu lực: 11/06/2014

Hướng dẫn nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi

  • Ngày ban hành: 21/01/2011
  • Ngày có hiệu lực: 07/03/2011
Văn bản bị bãi bỏ một phần
Văn bản bị hết hiệu lực

VỀ QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN

  • Ngày ban hành: 04/04/2017
  • Ngày có hiệu lực: 20/05/2017

Ban hành Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn

  • Ngày ban hành: 27/12/2005
  • Ngày có hiệu lực: 29/01/2006

Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến

  • Ngày ban hành: 22/07/2013
  • Ngày có hiệu lực: 06/09/2013

Ban hành Danh mục giống vật nuôi cao sản

  • Ngày ban hành: 28/04/2014
  • Ngày có hiệu lực: 11/06/2014

Hướng dẫn nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi

  • Ngày ban hành: 21/01/2011
  • Ngày có hiệu lực: 07/03/2011
Văn bản bị hết hiệu lực một phần
Văn bản bị thay thế một phần
Văn bản căn cứ

tổ chức Chính phủ 2015

  • Ngày ban hành: 19/06/2015
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2016

Chăn nuôi

  • Ngày ban hành: 19/11/2018
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2020
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản tiếng anh