Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 07/04/2006

CHỈ THỊ

Về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Tòa án nhân dân năm 2006

______________________________________

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2005 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của ngành Tòa án nhân dân đã xác định: Trong năm 2005 ngành Tòa án nhân dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử các loại vụ án và các nhiệm vụ khác, góp phần cùng các cơ quan tư pháp và nhân dân cả nước giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Tuy nhiên, cũng còn không ít khuyết điểm, thiết sót cần được nghiên cứu làm rõ nguyên nhân để tìm biện pháp khắc phục có hiệu quả. Trên cơ sở các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác tư pháp và các Nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI, ngành Tòa án nhân dân đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm công tác của năm 2006. Để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Tòa án nhân dân năm 2006, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân địa phương và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình cần đặc biệt lưu ý triển khai và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:

1. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; khắc phục triệt để việc để một số vụ án quá thời hạn giải quyết, xét xử theo quy định của pháp luật; tiếp tục đổi mới và triển khai sâu rộng thủ tục xét hỏi và tranh luận tại tất cả các phiên tòa xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự và hành chính trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng và tinh thần cải cách tư pháp; quan tâm hơn nữa đến công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự; phấn đấu giải quyết đúng pháp luật các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; đưa ra xét xử kịp thời và nghiêm minh các vụ án hình sự lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm; phấn đấu không để xảy ra các trường hợp kết án oan người vô tội và hạn chế đến mức thấp nhất các sai lầm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án.

2. Cần căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình, tìm nhiều biện pháp phù hợp, có hiệu quả để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về công tác xét xử đã được xác định tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2005 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của ngành Tòa án nhân dân.

3. Tập trung giải quyết đúng và kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; ưu tiên giải quyết kịp thời các đơn khiếu kiện bức xúc, kéo dài hoặc các đơn đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sắp hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với các Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót về nghiệp vụ hoặc kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai lầm nghiêm trọng hoặc phát hiện có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm; hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót về nghiệp vụ để không làm phát sinh thêm khiếu kiện, nhất là các khiếu kiện bức xúc, kéo dài.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết đơn đề nghị, yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; cụ thể như sau:

a) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần kiện toàn, nâng cao năng lực công tác của Phòng Giám đốc, Kiểm tra. Khi nhận được đơn đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần phân lọai và căn cứ vào quy định của pháp luật Tố tụng để xử lý. Nếu phát hiện có sai lầm nghiêm trọng thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu phát hiện có tình tiết mới theo quy định của pháp luật Tố tụng thì phải kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, bảo đảm không để tình trạng có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi phát hiện có căn cứ kháng nghị thì quá thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

b) Chánh tòa các Tòa: Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Lao động, Hành chính của Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cần tổ chức việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật một cách hợp lý và khoa học. Cần phân công, phân nhiệm rõ ràng theo quy chế làm việc và tổ chức phân loại đơn đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân để giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, của đương sự. Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật cần phải báo cáo kịp thời với Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công phụ trách đơn vị để cho ý kiến chỉ đạo, xem xét, giải quyết.

c) Trưởng ban Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao cần tổ chức và tăng cường kiểm tra công tác xét xử của các Tòa án nhân dân địa phương, các tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là các vụ án có đơn đề nghị, yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành phải đúng pháp luật.

4. Khẩn trương giải quyết các đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị kết án oan theo đúng Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Trường hợp hòa giải không thành, người bị kết án oan khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường thì Tòa án có thẩm quyền phải khẩn trương thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.

5. Tăng cường tổng kết thực tiễn xét xử nhằm làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Chuẩn bị tốt các dự án Pháp lệnh được giao để trình Ủy ban Thương vụ Quốc hội theo đúng thời gian quy định. Tổ chức rà soát, xử lý ngay những văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm về nội dung, hình thức và thẩm quyền ban hành và báo cáo kết quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kịp thời soạn thảo, trình Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và các vấn đề có nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử.

6. Khắc phục triệt để việc chậm phát hành bản án, quyết định để kịp thời ra quyết định thi hành án hình sự cũng như thi hành án dân sự. Kịp thời ra quyết định thi hành án đối với 100% số người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và có đủ điều kiện thi hành án; Việc ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án phải có đầy đủ căn cứ pháp luật; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả các quyết định thi hành án hình sự của Tòa án.

7. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ của Tòa án các cấp. Tăng cường hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh, bảo đảm về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với Thẩm phán. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, Thẩm phán và công tác tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tuyển chọn Thẩm phán và tuyển dụng cán bộ, công chức theo hướng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng đủ cán bộ, Thẩm phán cho các Tòa án các cấp, đặc biệt là Tòa án cấp huyện và Tòa án các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

8. Thường xuyên coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện và nâng cao trình độ, năng lực xét xử (đặc biệt là năng lực giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính) cho đội ngũ Thẩm phán. Tiếp tục rà soát, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, đào tại lại, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Chuyên viên và bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các Hội thẩm nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ về lý luận chính trị cho đội ngũ này.

9. Đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo, điều hành và thủ tục hành chính - tư pháp trong các Tòa án theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả và hiệu lực; phân công, phân cấp hợp lý; cải tiến phương pháp và lề lối làm việc, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của các đơn vị làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành, phân công và kiểm tra công tác của cán bộ, công chức. Nâng cao đạo đức, trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức Tòa án, trước hết đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và Thẩm phán. Tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức của Tòa án vi phạm pháp luật, thoái hóa biến chất. Đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, phẩm chất đạo đức thì kiên quyết loại ra khỏi ngành. Đối với trường hợp kết án oan người vô tội hoặc những trường hợp có bản án, quyết định bị huỷ, hoặc bị sửa do có sai lầm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân thì phải bị kiểm điểm, đánh giá về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán để có biện pháp xử lý phù hợp. Tòa án nào có việc kết án oan người vô tội hoặc có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, bị sửa cao hơn có nhiều vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc để tập thể đơn vị mất đoàn kết kéo dài thì lãnh đạo Tòa án, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý.

10. Tiếp tục tăng cường năng lực xét xử cho các Tòa án cấp huyện đã được giao thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng dân sự; lựa chọn, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh sách các Tòa án cấp huyện có đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian tới.

11. Triển khai kiên quyết, có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đảm bảo kinh phí phục vụ cho các hoạt động của ngành; quản lý và sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, đúng nguyên tắc, chế độ tài chính.

Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ và hoạt động quản lý; từng bước đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các Tòa án, đặc biệt là các Tòa án mới thành lập hoặc được giao thực hiện thẩm quyến xét xử mới.

12. Tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước để động viên tinh thần phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong toàn ngành Tòa án nhân dân.

13. Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan khác ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện tốt các công tác của ngành Tòa án nhân dân.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quán triệt nội dung Chỉ thị này đến toàn thể Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý; đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

Tải file đính kèm
Bản PDF
File đính kèm:
01-2006-ct-ca-zip-98463001923200.zip
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 07/04/2006
Về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Tòa án nhân dân năm 2006
Số kí hiệu 01/2006/CT-CA Ngày ban hành 04/01/2006
Loại văn bản Chỉ thị Ngày có hiệu lực 07/04/2006
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Lĩnh vực khác Lĩnh vực Toà án nhân dân tối cao
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Tòa án Nhân dân tối cao Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

07/04/2006

Lịch sử hiệu lực:

Chỉ thị 01/2006/CT-CA

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
04/01/2006 Văn bản được ban hành 01/2006/CT-CA
07/04/2006 Văn bản có hiệu lực 01/2006/CT-CA
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh