Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 15/09/2014

THÔNG TƯ

Quy định về cấp chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

___________________________

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về cấp Chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có Chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Chứng chỉ an toàn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp Chứng chỉ an toàn.

Chương II

LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT PHẢI CÓ CHỨNG CHỈ AN TOÀN, MẪU CHỨNG CHỈ AN TOÀN VÀ CƠ QUAN CẤP CHỨNG CHỈ AN TOÀN

Điều 3. Loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có Chứng chỉ an toàn

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

Điều 4. Chứng chỉ an toàn

1. Chứng chỉ an toàn là giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư này cấp cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có đủ các điều kiện an toàn theo quy định để được tham gia kinh doanh đường sắt.

2. Mẫu Chứng chỉ an toàn quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

3. Chứng chỉ an toàn có thời hạn là 05 năm. Trước khi Chứng chỉ an toàn hết hạn ít nhất 01 tháng, doanh nghiệp có trách nhiệm làm hồ sơ gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được cấp đổi Chứng chỉ an toàn.

Điều 5. Cơ quan quản lý và cấp chứng chỉ an toàn

Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý và cấp Chứng chỉ an toàn cho các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư này.

Chương III

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP CHỨNG CHỈ AN TOÀN VÀ THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ AN TOÀN

Điều 6. Điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật

a) Kết cấu hạ tầng đường sắt phải được duy trì phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bảo đảm chạy tàu an toàn, đúng công lệnh tốc độ và công lệnh tải trọng theo quy định;

b) Các phương tiện chuyên dùng đường sắt phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp đi thuê phải có đủ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.

2. Về nhân lực

a) Có ít nhất 01 cán bộ phụ trách công tác an toàn, có trình độ đại học về chuyên ngành xây dựng công trình đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trực tiếp về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt;

b) Các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu phải bảo đảm tiêu chuẩn và phải được huấn luyện nghiệp vụ an toàn lao động theo quy định của pháp luật.

3. Về tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt

a) Công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc doanh nghiệp;

b) Có phương án bố trí nhân lực thực hiện công tác tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác cầu chung, gác hầm, gác đường ngang và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc điểm của kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp;

c) Có phương án tổ chức, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;

d) Có quy trình quản lý hồ sơ kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc doanh nghiệp;

đ) Có phương án ứng phó sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và phương án tổ chức thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn, sự cố trên kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp.

Điều 7. Điều kiện cấp Chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

1. Phương tiện giao thông đường sắt thuộc quản lý của doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện lưu hành theo quy định của pháp luật.

2. Có phương án sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp ban hành phù hợp với biểu đồ chạy tàu đã công bố.

3. Có ít nhất 01 cán bộ phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.

4. Các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu phải bảo đảm tiêu chuẩn và phải được huấn luyện nghiệp vụ an toàn lao động theo quy định của pháp luật.

5. Có phương án sắp xếp bố trí nhân lực phục vụ trên tàu khách, tàu hàng phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

6. Có phương án bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và phương án ứng phó sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, tai nạn, sự cố.

Điều 8. Thủ tục cấp Chứng chỉ an toàn

1. Doanh nghiệp thuộc đối tượng cấp Chứng chỉ an toàn gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ an toàn đến Cục Đường sắt Việt Nam theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác.

2. Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trực tiếp ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ bằng văn bản chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) những nội dung chưa đầy đủ hoặc cần sửa đổi.

3. Căn cứ vào các điều kiện cấp Chứng chỉ an toàn, Cục Đường sắt Việt Nam cấp Chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng quy định. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 9. Hồ sơ cấp Chứng chỉ an toàn

1. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2. Thành phần hồ sơ, tài liệu chứng minh các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;

b) Báo cáo thuyết minh các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn kèm hồ sơ chứng minh các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV và Phụ lục V của Thông tư này tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp;

c) Tài liệu chứng minh về phương tiện giao thông đường sắt theo quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này;

d) Tài liệu chứng minh về nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu theo quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này;

đ) Tài liệu chứng minh về cán bộ phụ trách công tác an toàn: Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính Bằng tốt nghiệp đại học;

e) Tài liệu chứng minh về kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và phương án cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, tai nạn, sự cố: Kế hoạch năm về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và phương án cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, tai nạn, sự cố do doanh nghiệp ban hành.

Điều 10. Thu hồi tạm thời Chứng chỉ an toàn

1. Doanh nghiệp bị thu hồi tạm thời Chứng chỉ an toàn trong các trường hợp sau đây:

a) Để xảy ra tai nạn do nguyên nhân chủ quan từ mức nghiêm trọng trở lên mà doanh nghiệp không có biện pháp khắc phục kịp thời;

b) Khi kiểm tra phát hiện có một trong các điều kiện để được cấp Chứng chỉ an toàn của doanh nghiệp không bảo đảm đúng quy định.

2. Khi doanh nghiệp bị thu hồi tạm thời Chứng chỉ an toàn, doanh nghiệp vẫn được tham gia kinh doanh đường sắt, nhưng phải có trách nhiệm kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn, khắc phục các nguyên nhân để xảy ra tai nạn, kịp thời bổ sung các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn chưa bảo đảm theo loại hình của doanh nghiệp quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Thông tư này.

3. Trong thời gian bị thu hồi tạm thời Chứng chỉ an toàn, hoạt động kinh doanh đường sắt của doanh nghiệp chịu sự giám sát của Cục Đường sắt Việt Nam.

Điều 11. Thu hồi Chứng chỉ an toàn

1. Doanh nghiệp bị thu hồi Chứng chỉ an toàn trong các trường hợp sau đây:

a) Khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đường sắt;

b) Khi bị cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh đường sắt của doanh nghiệp;

c) Chứng chỉ an toàn bị tẩy xóa, giả mạo.

2. Trong trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ an toàn, doanh nghiệp sẽ bị ngừng ngay hoạt động kinh doanh đường sắt.

Điều 12. Các trường hợp cấp lại Chứng chỉ an toàn

Doanh nghiệp được cấp lại Chứng chỉ an toàn trong các trường hợp sau đây:

1. Doanh nghiệp chứng minh đã khắc phục nguyên nhân tai nạn và bổ sung đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn tiếp theo.

2. Khi doanh nghiệp đã có đủ điều kiện theo loại hình doanh nghiệp quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Thông tư này.

3. Khi được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đường sắt hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép khôi phục lại hoạt động kinh doanh đường sắt.

Điều 13. Thủ tục cấp lại Chứng chỉ an toàn

1. Doanh nghiệp có nhu cầu cấp lại Chứng chỉ an toàn gửi hồ sơ đề nghị cấp lại Chứng chỉ an toàn đến Cục Đường sắt Việt Nam theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác.

2. Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trực tiếp ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ bằng văn bản chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) những nội dung chưa đầy đủ hoặc cần sửa đổi.

3. Căn cứ các điều kiện cấp lại Chứng chỉ an toàn, Cục Đường sắt Việt Nam cấp lại Chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng quy định. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 14. Hồ sơ cấp lại Chứng chỉ an toàn

1. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2. Thành phần hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này;

b) Báo cáo thuyết minh các điều kiện để cấp lại Chứng chỉ an toàn kèm theo hồ sơ chứng minh các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này;

c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đường sắt hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép khôi phục lại hoạt động kinh doanh đường sắt (đối với trường hợp được cấp lại theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Thông tư này);

d) Đối với trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ an toàn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Thông tư này, phải gửi kèm theo các tài liệu chứng minh đã có biện pháp đảm bảo an toàn bổ sung.

Điều 15. Các trường hợp cấp đổi Chứng chỉ an toàn

Chứng chỉ an toàn được cấp đổi trong các trường hợp sau:

1. Chứng chỉ an toàn bị mất, bị hư hỏng.

2. Chứng chỉ an toàn hết hạn sử dụng.

Điều 16. Thủ tục cấp đổi Chứng chỉ an toàn

1. Doanh nghiệp đề nghị cấp đổi Chứng chỉ an toàn gửi hồ sơ đề nghị cấp đổi Chứng chỉ an toàn đến Cục Đường sắt Việt Nam theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác.

2. Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trực tiếp ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ bằng văn bản chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) những nội dung chưa đầy đủ hoặc cần sửa đổi.

3. Cục Đường sắt Việt Nam cấp đổi Chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng quy định. Trường hợp không cấp đổi phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 17. Hồ sơ cấp đổi Chứng chỉ an toàn

1. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2. Thành phần hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp đổi Chứng chỉ an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục IX của Thông tư này;

b) Báo cáo thuyết minh các điều kiện để cấp đổi Chứng chỉ an toàn kèm hồ sơ chứng minh các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này (đối với trường hợp Chứng chỉ an toàn hết hạn sử dụng);

c) Bản chính Chứng chỉ an toàn (đối với trường hợp Chứng chỉ an toàn bị hư hỏng).

Điều 18. Lệ phí

Doanh nghiệp được cấp mới, cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ an toàn phải nộp lệ phí cho cơ quan cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của Báo cáo các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 17 của Thông tư này.

2. Quản lý Chứng chỉ an toàn và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Duy trì, bảo đảm các điều kiện về an toàn trong quá trình kinh doanh đường sắt như trong báo cáo thuyết minh các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định của Thông tư này.

Điều 20. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam

1. Thông báo cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải có Chứng chỉ an toàn, hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ an toàn.

2. Tổ chức thẩm tra báo cáo các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn, hồ sơ chứng minh các điều kiện an toàn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ an toàn và cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định.

3. Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo thuyết minh các điều kiện để cấp Chứng chỉ an toàn theo quy định tại Thông tư này và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Thu hồi Chứng chỉ an toàn theo quy định.

5. Tổng hợp các vấn đề phát sinh, báo cáo Bộ Giao thông vận tải giải quyết.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi Chứng chỉ an toàn.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2014.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 61/2007/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có Chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Chứng chỉ an toàn và Thông tư số 09/2011/TT-BGTVT ngày 11 tháng 03 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến thủ tục hành chính của quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có Chứng chỉ an toàn và điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Chứng chỉ an toàn ban hành kèm theo Quyết định số 61/2007/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 22. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.​

Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 15/09/2014
Quy định về cấp chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt
Số kí hiệu 30/2014/TT-BGTVT Ngày ban hành 31/07/2014
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 15/09/2014
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

15/09/2014

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 30/2014/TT-BGTVT

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
31/07/2014 Văn bản được ban hành 30/2014/TT-BGTVT
15/09/2014 Văn bản có hiệu lực 30/2014/TT-BGTVT
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh