Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 13/11/1973

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Về việc tăng cường và cải cách quản lý tài chính ở trường phổ thông các cấp.

________________________

Dưới chế độ ta, sự nghiệp giáo dục phổ thông không ngừng được phát triển và nâng cao chất lượng nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng. Đảng và Chính phủ luôn luôn chăm lo đến việc phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông. Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục phổ thông một số kinh phí mỗi năm một tăng; ngoài ra, nhân dân cũng góp khá nhiều công sức cho sự nghiệp giáo dục.

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục phổ thông đã thu được nhiều thành tích. Tuy nhiên, việc quản lý lao động, tài sản và tài chính ở các trường phổ thông còn lỏng lẻo, nên đã gây ra lãng phí và ảnh hưởng đến công việc giảng dạy, học tập.

Điều đáng chú ý là trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lý tài chính chưa được xác định rõ; mọi việc chi tiêu của nhà trường đều do cấp trên quyết định.

Tình hình trên đây đòi hỏi phải gấp rút chấn chỉnh nền nếp quản lý của các trường phổ thông, phát huy tinh thần trách nhiệm và tính chủ động của nhà trường trong việc quản lý tài chính, bảo đảm điều kiện hoạt động cho nhà trường với chất lượng ngày càng cao.

Thi hành nghị quyết số 05-CP ngày 13-1-1972 của Hội đồng Chính phủ và căn cứ vào nghị định số 73-CP ngày 24-12-1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ quản lý tài vụ sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội, hai Bộ Giáo dục – Tài chính quy định dưới đây những nguyên tắc quản lý tài chính trong nhà trường phổ thông các cấp.

I. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

A. Nguyên tắc chung:

I.1. Nhà trường phổ thông là một đơn vị dự toán được Ngân sách Nhà nước cấp phát kinh phí để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ nhà trường được giao.

Nhà trường có trách nhiệm quản lý tài chính nhà trường, quản lý vật tư tài sản, quản lý lao động tiền lương nhằm sử dụng hợp lý nhất, tiết kiệm nhất để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục theo kế hoạch Nhà nước với chất lượng cao và chi phí tiết kiệm.

I.2. Nhà trường có nhiệm vụ lập dự toán thu, chi hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao (về số lượng và chất lượng), chính sách chế độ và các tiêu chuẩn định mức chi tiêu hiện hành.

Sau khi dự toán thu, chi cả năm được cơ quan giáo dục cấp trên duyệt, nhà trường quản lý theo đúng mục đích dự toán, bảo đảm số thu dự toán, bảo đảm số chi trong phạm vi dự toán.

Phải ra sức tiết kiệm chi trong việc lập dự toán chi và trong quá trình thực hiện dự toán.

B.Quản lý chi:

I.3. Để bảo đảm hoạt động bình thường của mình, nhà trường phổ thông có những khoản chi chính sau đây:

- Chi về lương và phụ cấp lương của giáo  viên và nhân viên nhà trường; chi về phúc lợi xã hội và phúc lợi tập thể.

- Chi về giảng dạy, học tập,

- Chi về hành chính - quản lý,

- Chi về tu bổ thường xuyên,

- Chi về mua sắm và sữa chữa lớn,

- Chi về học bổng.

Nội dung chi tiết theo bản phụ lục kèm thông tư này.

I.4. Việc quản lý quỹ tiền lương phải gắn liền với việc quản lý lao động. Không được vượt chi tiêu lao động được duyệt theo biên chế mẫu do Bộ Giáo dục hướng dẫn.

Nhà trường phải chấp hành đúng chính sách chế độ tiền lương, phụ cấp lương và bảo hiểm xã hội do Nhà nước quy định, không chỉ vượt mức quỹ tiền lương được duyệt và không được dùng quỹ tiền lương để chi vào việc khác.

I.5. Nhà trường được giao một định mức chỉ tính theo một lớp học/ năm nhằm đảm bảo nhu cầu chi về giảng dạy, học tập và hành chính - quản lý.

Định mức chỉ là căn cứ để cấp phát tài chính, căn cứ để quản lý chi tiêu.

Trong phạm vi định mức chi, nhà trường quyết định mọi việc chi tiêu về giảng dạy, học tập và quản lý hành chính theo đúng nguyên tắc, chế độ, tiêu chuẩn tài chính.

Nếu tiết kiệm chi, nhà trường được sử dụng số tiền tiết kiệm được để cải thiện điều kiện giảng dạy và học tập.

I.6. Phải tổ chức bảo quản chu đáo tài sản của nhà trường, để giữ gìn tài sản được lâu bền nhà trường cần tu bổ thường xuyên trường lớp, bàn ghế, bảng đen, đồ dùng học tập…; nhà trường được giao một định mức chi để chủ động để ra kế hoạch tiến hành việc tu bổ thường xuyên này. Nhà trường cần có biện pháp quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm kinh phí được cấp theo định mức.

I.7. Chi về mua sắm và sữa chữa lớn phải theo đúng dự toán được duyệt.

Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường cần có kế hoạch trang bị từng bước đồ dùng dạy học theo chế độ, tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục quy định.

I.8. Chi về học bổng phải theo đúng chính sách, chế độ và dự toán được duyệt.

C.Quản lý tài sản:

I.9. Nhà trường có trách nhiệm  quản lý tài sản của trường, động viên giáo viên và học sinh chăm lo bảo vệ tài sản của nhà trường. Phải nắm chắc tình hình tài sản về mặt số lượng, chất lượng và giá trị.

Phải có nội quy bảo quản và sử dụng tài sản.

Nhà trường phải giữ kế toán tài sản.

Nhà trường phải định kỳ kiểm kê tài sản theo đúng chế độ hiện hành.

Người sử dụng hoặc người được phân công giữ gìn tài sản, nếu để mất hay hư hỏng vì thiếu trách nhiệm thì phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất Nhà nước đã quy định.

D. Quản lý thu:

I.10. Nhà trường có nhiệm vụ thu học phí đầy đủ, đúng chính sách và nộp đúng kỳ hạn vào Ngân sách Nhà nước.

Các khoản thu khác theo chế độ quy định (như tiền nhà, điện nước của cán bộ, nhân viên ở tập thể…) phải được nhà trường quản lý chặt chẽ và nộp vào Ngân sách Nhà nước đúng kỳ hạn.

I.11. Kế toán và báo biểu: Nhà trường phải giữ kế toán và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán.

Nhà trường có nhiệm vụ báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu, chi hàng tháng, hàng quý và cuối năm.

Báo cáo cần phân tích tình hình chi đối chiếu với dự toán và đối chiếu với tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của nhà trường.

II. TỔ CHỨC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

II.1. Ở mỗi trường, hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý tài chính của nhà trường, từ việc lập dự toán thu chi, đến việc chấp hành dự toán thu chi; quản lý tài sản của nhà trường. Phải tôn trọng kỷ luật tài chính và kỷ luật quản lý tiền mặt; nghiêm chỉnh chấp hành chế độ kế toán và nắm vững tình hình sử dụng kinh phí, sử dụng tài sản.

Để giúp hiệu trưởng trong công việc quản lý tài vụ kế toán, các trường tuỳ theo quy mô, số lớp cần bố trí người làm công tác tài vụ kế toán, hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác này.

II.2.Cơ quan giáo dục cấp huyện và cấp tỉnh, thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý tài chính, kết hợp với kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các trường trực thuộc, bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quản lý tài sản chặt chẽ, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu.

II.3.Cơ quan tài chính cấp tỉnh và huyện có nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý tài chính của các cơ quan giáo dục ở địa phương; thúc đẩy việc kiểm tra của các cơ quan giáo dục đối với các trường; cấp phát kịp thời số kinh phí đã được xét duyệt cho cơ quan giáo dục để phân phối cho các trường. Cơ quan tài chính cần cùng với cơ quan giáo dục, đi sát, hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra các trường cải tiến và tăng cường quản lý, sử dụng tốt lao động, vật tư, tài chính bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng công tác ngày càng cao.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Việc quản lý tài chính của trường phổ thông các cấp theo chế độ quản lý này tạo điều kiện cho nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Việc quản lý tài chính ở nhà trường phổ thông  theo chế độ này là một vấn đề mới mẻ, cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Ủy ban hành chính tỉnh thành căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương hướng dẫn việc thi hành từng bước:

- Thi hành từ đầu năm 1974: đối với các trường phổ thông cấp III;

- Thi hành từ đầu năm học 1974-1975 (tháng 9-1974) đối với các trường phổ thông cấp I và cấp II ở các thành phố, thị xã.

Riêng đối với các trường phổ thông cấp I và cấp II ở nông thôn và miền núi, tạm thời vẫn làm như hiện nay và do Phòng giáo dục huyện quản lý tài chính, nhưng cần cải tiến việc cấp phát kinh phí để giảm bớt công việc sự vụ cho Phòng Giáo dục huyện và tạo điều kiện cho nhà trường phát huy trách nhiệm của mình trong công tác quản lý tài chính: có thể giao khoán cho nhà trường mức chi về giảng dạy, học tập và hành chính - quản lý.

Hai Bộ yêu cầu Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phản ánh kịp thời về hai Bộ những kết quả và kinh nghiệm thu thập được cũng như những vấn đề cần đặt ra để hai Bộ tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 13/11/1973
Về việc tăng cường và cải cách quản lý tài chính ở trường phổ thông các cấp.
Số kí hiệu 23-TT/LB Ngày ban hành 13/11/1973
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày có hiệu lực 13/11/1973
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Tài chính -Thuế - Ngân hàng Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Tài chính Thứ trưởng Đào Thiện Thi Bộ Giáo dục và Đào tạo Thứ trưởng Hồ Trúc
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Hiệu lực:

Ngưng hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

13/11/1973

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư liên tịch 23-TT/LB

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
13/11/1973 Văn bản được ban hành 23-TT/LB
13/11/1973 Văn bản có hiệu lực 23-TT/LB
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh