Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 03/03/1980

 

 

 

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ LÂM NGHIỆP - NÔNG NGHIỆP SỐ 1/TT-LB NGÀY 3-3-1980 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 137-TTG NGÀY 20-4-1979 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ RỪNG TRONG CÔNG TÁC KHAI HOANG, MỞ RỘNG DIỆN TÍCH
SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP

Trong những năm qua, công tác khai hoang mở rộng diện tích sản suất nông nghiệp, lâm nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên do chưa đặc biệt coi trọng việc bảo vệ rừng, bảo vệ đất phòng chống xói mòn; do tổ chức khai hoang thiếu điều tra, quy hoạch cụ thể, phương hướng sử dụng ruộng đất chưa rõ ràng; do chưa thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính về trình duyệt nhiệm vụ thiết kế, về giao nhận đất trước khi khai hoang; do thiếu hoặc không bảo đảm kế hoạch về lao động, vật tư, kỹ thuật; do chưa chất hành tốt các quy trình, quy phạm về khai hoang, xây dựng đồng ruộng, đồi ruộng... nên nhiều nơi đã phá rừng bừa bãi làm hao hụt nghiêm trọng tài nguyên rừng, ảnh hưởng không tốt đến môi trường chung quanh, đã để đất xói mòn hoặc thoái hoá nhanh (nhất là vùng đất dốc).Nhiều diện tích bị bỏ hoang hoá trở lại.

Để thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị số 137-TTg ngày 20/4/1979 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục những thiếu sót trên, bảo đảm tất cả diện tích đã khai hoang đều được đưa vào sản xuất ổn định, có hiệu quả kinh tế cao và tài nguyên rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, liên Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp hướng dẫn một số điểm cụ thể dưới đây cần phải thực hiện tốt trong khai hoang mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ RỪNG, BẢO VỆ ĐẤT
TRONG KHAI HOANG

1. Hiện nay đất có khả năng nông nghiệp trước mắt có khoảng 3,5 triệu hécta, trong đó phần lớn là đất hoang, cây lùm bụi, đồi trọc, cần tập trung khai hoang vào loại đất này. Trường hợp phải phá các loại rừng nói ở điểm 5 dưới đây để lấy đất dùng vào việc sản xuất nông nghiệp hoặc vào mục đích khác thì phải thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh bảo vệ rừng và nghị quyết số 155-CP ngày 3/10/1973 của Hội đồng Chính phủ, tức là phải có thiết kế cụ thể, được cơ quan có thẩm quyền duyệt và phải được Hội đồng Chính phủ cho phép (trên 20 hécta). Nếu tổng diện tích rừng phải phá từ 10 héc ta đến 20 hécta phải được bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp cho phép; tổng diện tích rừng phải phá dưới 10 hécta, Bộ Lâm nghiệp uỷ quyền cho chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép trên cơ sở đề nghị của hai ngành lâm nghiệp, nông nghiệp địa phương.

2. Khi giao đất, giao rừng cho các đơn vị được phép kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp (theo quy định của quyết định số 272-CP ngày 13/10/1977) Uỷ ban nhân dân huyện phải trực tiếp chỉ đạo các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành liên quan khác trong huyện xác định cụ thể trên thực địa, trên bản đồ và có văn bản nói rõ vùng đất được khai hoang và không được khai hoang.

3. Chỉ những đơn vị nào làm đầy đủ và đúng thủ tục về nhận đất, nhận rừng theo quy định của thông tư liên Bộ Lâm nghiệp - Nông nghiệp số 20-TT/LB ngày 11/5/1978 mới được tiến hành khai hoang và phải khai hoang theo đúng phương án quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp đã gửi kèm theo đơn xin nhận đất, nhận rừng được xét duyệt. Nếu trong khu vực đất có khu rừng phải khai phá mà quy hoạch xí nghiệp hoặc liên hợp xí nghiệp chưa được duyệt thì phải làm tờ trình xin phép và chỉ được phá rừng sau khi đã có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp như quy định ở điểm 1 và 6, phần I của thông tư này.

4. Nghiêm cấm không được khai hoang vào những khu rừng sau đây: rừng đầu nguồn, rừng có tác dụng bảo vệ ven sông, ven suối, ven đường giao thông, rừng nghiên cứu khoa học, văn hoá, lịch sử, quốc phòng, các dải rừng chắn gió, chắn cát, rừng gỗ quý có trữ lượng gỗ trên 25 m3 một hécta.

5. Các rừng sau đây nếu thật cần thiết phải khai hoang thì phải xin phép theo quy định của pháp lệnh bảo vệ rừng (như đã nói rõ tại điểm 1, phần I thông tư này):

- Rừng gỗ quý có trữ lượng dưới 25m3 một hécta, các loại rừng gỗ khác có trữ lượng gỗ trên 50m3 một hécta, và rừng phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp;

- Rừng tre, luồng, vầu, trúc có trên 2000 cây một hécta, rừng nứa to, lồ ô, lùng có trên 3000 cây một hécta và các rừng có đặc sản quý, giá trị kinh tế cao như thông, pemou, màng tang, cây chủ thả cánh kiến, quế, hồi...;

- Các khu rừng non do gây trồng, tu bổ, cải tạo, các khu rừng non phục hồi tự nhiên, cây mọc tương đối dày đặc có triển vọng thành rừng có giá trị kinh tế;

- Đất đã khoanh vùng dành cho nhân dân địa phương xin khai hoang mở rộng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất mộ địa.

6. Những xí nghiệp hoặc liên hợp xí nghiệp có quy hoạch và nhiệm vụ thiết kế đã được chính phủ phê duyệt mà có một số diện tích rừng cần khai hoang thì khi tiến hành khai hoang chỉ cần liên hệ với Ty lâm nghiệp địa phương để bàn cụ thể về việc tận thu lâm sản. Nếu quy hoạch xí nghiệp hoặc liên hợp xí nghiệp chưa được duyệt thì phải làm tờ trình xin cấp trên xét duyệt. Tờ trình nói rõ:

- Mục đích phá rừng lấy đất làm gì,

- Loại rừng sẽ khai hoang, diện tích, trữ lượng,

- Khối lượng gỗ chặt ra xin dùng tại chỗ, số giao nộp,

- Điều kiện địa hình, địa chất, thuỷ văn,

- Thời gian bắt đầu khai phá rừng, thời gian hoàn thành, thời gian đưa đất vào sử dụng. Các biện pháp bảo đảm diện tích khai hoang đưa vào sản xuất ổn định như phòng chống xói mòn, thuỷ lợi, phân bón, v.v..,

- Hiệu quả kinh tế.

Kèm theo tờ trình có:

- Bản đồ tỷ lệ 1/10000 có xác nhận của cơ quan lâm nghiệp địa phương,

- Ý kiến của Uỷ ban nhân dân huyện xác nhận việc phá rừng không ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất của nhân dân địa phương (chủ yếu là nguồn nước, phòng hộ...).

7. Đơn vị được phép khai hoang vào rừng để lấy đất trồng cây lương thực và cây ngắn ngày phải giữ lại diện tích rừng theo đúng quy định của điều 15 quy phạm thiết kế đồi ruộng do Uỷ ban nông nghiệp trung ương ban hành kèm theo quyết định số 203-NN/KHKT/QĐ ngày 1/6/1973, cụ thể như sau:

a. Chỏm đồi: những đồi có độ dốc từ 10o trở lên khi khai hoang nhất thiết phải chừa lại chỏm đồi, diện tích chỏm đồi chừa lại bằng từ 7 đến 12% diện tích quả đồi.

b. Băng rừng lưng chừng đồi: Ở những quả đồi có chiều dài dốc từ 150 mét trở lên, cứ 80 mét chừa lại một băng theo đường đồng mức, bề rộng từ 8 đến 10 mét.

c. Chân đồi: chừa lại từ 5 đến 10 mét tính từ chân đồi trở lên.

d. Ven khe, suối, lạch: chừa lại từ 2 đến 3 H tính từ mép suối, khe trở lên (H là chiều sâu của khe, suối, lạch), nhỏ nhất là 5 mét.

đ. Cây bóng mát: chọn một số cây to, cao, thẳng, có tán rộng, không bệch tật, nằm sát đường trục hoặc lộ chừa lại làm cây bóng mát.

Tất cả các chỏm đồi và các đai rừng chừa lại đều phải cải tạo, tu bổ, làm vệ sinh, trồng bổ sung cây rừng cho đủ mật độ quy định và phải kết hợp chặt chẽ với các đai rừng trồng để tạo thành một mạng lưới đai rừng phòng hộ hoàn chỉnh bảo vệ đồi ruộng.

8. Phải chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị số 15-TTg ngày 15/2/1964 của Thủ tướng Chính phủ về chống xói mòn, giữ đất, giữ nước, giữ màu và các quy trình quy phạm về chế độ khai hoang, về thiết kế đồi ruộng do Uỷ ban nông nghiệp trung ương ban hành kèm theo quyết định số 20-QĐ/QLKT ngày 17/7/1971 và số 203-NN/KHKT/QĐ ngày 1/6/1973. Phải bảo đảm khai hoang đến đâu có ngay các công trình bảo vệ đất chống xói mòn đến đó, có kế hoạch đưa đất vào sản xuất không được để hoang hoá trở lại. Các vùng đất dốc nếu chưa đưa vào sản xuất ngay được thì phải trồng cây che phủ đất.

9. Cần tận dụng tất cả những đất không có khả năng nông nghiệp và đất dọc đường giao thông để trồng cây rừng cung cấp gỗ củi cho nhân dân vùng khai hoang để nhân dân khỏi vào rừng chặt lấy gỗ củi bừa bãi. Cần đầu tư chăm sóc và bảo vệ cây rừng để có sức tăng trưởng nhanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

II. TẬN DỤNG LÂM SẢN TRONG KHAI HOANG

Việc tận thu lâm sản trong khai hoang được áp dụng theo thông tư liên Bộ Nông nghiệp - Lâm nghiệp số 691-TT/LB ngày 22/2/1978 và các điều bổ sung dưới đây:

1. Các đơn vị làm nhiệm vụ khai hoang vào rừng và cơ quan lâm nghiệp địa phương phải triệt để tận thu toàn bộ lâm sản, không được bỏ hoặc đốt (trừ gốc và rễ nếu không thể tận thu được).

Lâm sản tận thu được do ngành lâm nghiệp thống nhất quản lý và phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Đơn vị khai hoang có nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản khác theo kế hoạch (xây dựng cơ sở vật chất cho đơn vị và kinh tế phụ gia đình) thì được ưu tiên phân phối đủ, còn lại chuyển đi nơi khác.

Khi xét cấp giấy phép cho khai hoang vào rừng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ đồng thời xét duyệt khối lượng lâm sản đơn vị khai hoang xin được để lại sử dụng và coi đó là chỉ tiêu kế hoạch đơn vị khai hoang được ưu tiên phân phối đủ.

2. Tổ chức tận thu lâm sản:

- Những nơi có diện tích rừng khai hoang nhỏ và phân tán (dưới 10 hécta) thì do đơn vị sử dụng đất chịu trách nhiệm tận thu toàn bộ lâm sản và giao cho ngành lâm nghiệp theo kế hoạch và các biện pháp mà hai bên thoả thuận theo quy định tại điểm 4 dưới đây.

- Những nơi khai hoang vào rừng có diện tích lớn và tập trung (từ 10 hécta trở lên) thì ngành lâm nghiệp bàn bạc với đơn vị làm nhiệm vụ khai hoang về thời gian và địa bàn để định tiến độ thích hợp cho việc tổ chức khai hoang và quản lý lâm sản.

3. Giá cả:

a. Khối lượng lâm sản mà đơn vị khai hoang được để lại sử dụng theo kế hoạch không phải tính giá mà chỉ phải nộp tiền thuế lâm sản theo chế độ hiện hành, còn gỗ không đạt tiêu chuẩn gỗ tròn thông dụng và gỗ cành ngọn thì được miễn thuế lâm sản (thông tư liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Lâm nghiệp số 54-TT/LB ngày 31/1/1979).

b. Khối lượng lâm sản mà đơn vị khai hoang giao cho ngành lâm nghiệp được tính theo giá thoả thuận giữa hai bên tại bãi 1 theo nguyên tắc:

- Lấy giá thu mua của hợp tác xã hoặc tổ hợp làm giá thanh toán.

- Nơi không có giá thu mua thì lấy giá thành của các giai đoạn chặt, lao, kéo ra đến bãi 1 cộng thêm 5% để thanh toán giá thành giai đoạn này, không được chênh lệch quá 10% so với giá thành của đơn vị quốc doanh gần nhất với điều kiện tương tự.

Trường hợp hai bên không thống nhất được giá thành giao nhận thì phải xây dựng phương án giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Thể thức giao nhận và thanh toán:

Đơn vị khai hoang chủ động liên hệ với cơ quan lâm nghiệp địa phương để cùng nhau tiến hành hợp đồng giá cả, thể thức giao nhận và thanh toán. Hợp đồng phải nói rõ:

- Khối lượng lâm sản do đơn vị khai hoang phải giao cho ngành lâm nghiệp ;

- Địa điểm giao nhận cụ thể, địa điểm này vừa là kho tạm thời vừa là mốc để xác nhận việc hoàn thành nhiệm vụ;

- Thời gian giao nhận, việc giao nhận thực hiện chậm nhất không quá 30 ngày so với thời gian quy định trong hợp đồng. Sau thời gian này nếu bên lâm nghiệp không đến nhận thì đơn vị khai hoang được bán lâm sản cho đơn vị khác và cơ quan lâm nghiệp có trách nhiệm cấp giấy phép vận chuyển cho người mua. Trường hợp đến thời gian quy định giao nộp mà đơn vị khai hoang không bảo đảm được thời gian quy định thì phải báo trước cho ngành lâm nghiệp biết, nếu không báo thì đơn vị khai hoang phải chịu trách nhiệm với bên lâm nghiệp theo hợp đồng thoả thuận giữa hai bên;

- Giá cả thanh toán, trường hợp chưa thống nhất được giá cả như quy định ở điểm 3 nói trên thì hợp đồng ghi theo giá tạm tính, sau đó hai bên sẽ bàn bạc thống nhất lại hoặc làm phương án giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt. Nếu đã thoả thuận giá cả thì việc thanh toán được tiến hành ngay sau khi giao nhận lâm sản, trường hợp lúc giao nhận chưa có giá cả thoả thuận thì thanh toán theo giá tạm tính và sau một tháng phải thanh toán xong theo giá chính thức.

Nhận được thông tư này, yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các ban khai hoang kinh tế mới, các Sở, Ty nông nghiệp, lâm nghiệp tổ chức học tập và phổ biến sâu rộng đến các huyện, xã, các cơ sở sản xuất để thực hiện tốt thông tư này, và cần tổ chức kiểm tra, theo dõi để kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, đơn vị chấp hành tốt, có kỷ luật thích đáng đối với những đơn vị, cá nhân làm thiệt hại tài nguyên rừng, làm xói mòn đất... ảnh hưởng không tốt đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Tải file đính kèm
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 03/03/1980
Hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 137-TTg ngày 20/4/1979 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ rừng trong công tác khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp
Số kí hiệu 1/TT-LB Ngày ban hành 03/03/1980
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày có hiệu lực 03/03/1980
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Tài nguyên và Môi trường Lĩnh vực Tài nguyên, Môi trường
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Các Bộ, cơ quan ngang bộ Bộ Trưởng Trần Văn Quế Các Bộ, cơ quan ngang bộ Bộ Trưởng Nguyễn Công Tạn
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

03/03/1980

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư liên tịch 1/TT-LB

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
03/03/1980 Văn bản được ban hành 1/TT-LB
03/03/1980 Văn bản có hiệu lực 1/TT-LB
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh