Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 01/04/2019

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: 06/2019/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU KẾT QUẢ BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ, QUY TRÌNH BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 26 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì đối với hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

2. Thông tư này không áp dụng đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến việc thực hiện công tác bảo trì, giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kết cấu tầng trên đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Ray, tà vẹt, liên kết ray với tà vẹt, liên kết ray với ray, ghi (bao gồm cả phụ kiện liên kết ghi), đá ballast.

2. Nền đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Nền đường sắt chính tuyến, nền đường sắt trong ga, nền đường sắt trong khu Depot, bãi hàng; rãnh biên, rãnh đỉnh, rãnh thoát nước nền đường, rãnh xương cá, rãnh thoát nước ngầm.

3. Công trình phòng hộ nền đường sắt là hạng mục của nền đường sắt bao gồm: Tường chắn, kè, gia cố taluy, con trạch ngăn nước đỉnh taluy nền đào.

4. Cầu đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Dầm cầu, mặt cầu, gối cầu, khe co giãn, mố cầu, trụ cầu, tứ nón, tường cánh, công trình phòng hộ cầu.

5. Mặt cầu là hạng mục công trình của cầu bao gồm toàn bộ hoặc một số bộ phận tùy thuộc loại cầu gồm: ray (bao gồm ray hộ bánh, tà vẹt, đá ballast), liên kết ray với tà vẹt, liên kết ray với ray, kết cấu giữ cự ly, chống xô tà vẹt mặt cầu, liên kết tà vẹt mặt cầu với dầm cầu (đối với cầu có mặt cầu trần), hệ thống thoát nước mặt cầu, ván tuần cầu.

6. Công trình phòng hộ cầu  hạng mục của cầu, gồm toàn bộ hoặc một số bộ phận tùy thuộc loại cầu bao gồm: Công trình chống xói, công trình chống va trôi, kè hướng dòng.

7. Cống thoát nước qua đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Thân cống, cửa cống, sân cống, các công trình tiêu năng.

8. Hầm chui qua đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Thân hầm, cửa hầm, đường bộ trong hầm và hai đầu hầm.

9. Hầm đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Cửa hầm, tường cánh, áo vỏ hầm, hang tránh, chiếu sáng, thông gió, biển báo, rãnh thoát nước trong hầm, rãnh đỉnh.

10. Công trình đường ngang là hạng mục của công trình đường sắt và đường bộ bao gồm: Đường sắt, đường bộ trong phạm vi đường ngang; hệ thống phòng vệ đường bộ gồm: Đường sắt, đường bộ trong phạm vi đường ngang; hệ thống phòng vệ đường ngang, hệ thống giám sát đường ngang. Tùy thuộc loại hình phòng vệ đường ngang, công trình đường ngang còn bao gồm một số hoặc toàn bộ các hạng mục sau: Nhà gác đường ngang, hệ thống chiếu sáng tại đường ngang, cọc tiêu, hàng rào cố định, biển báo, hệ thống thông tin tín hiệu đường ngang; đường cáp kết nối tín hiệu được cấp từ tủ điều khiển đèn báo hiệu đường bộ tại đường ngang trên đường sắt đến hộp kết nối hoặc đến tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ.

11. Công trình kiến trúc tại khu ga là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Nhà ga, phòng đợi tàu, ke ga, mái che ke, giao ke, phòng chỉ huy chạy tàu, phòng đặt thiết bị thông tin tín hiệu, kho ga, bãi hàng, đường bộ trong ga, nhà làm việc của cơ quan nhà nước tại khu vực ga (nếu có), chòi gác ghi.

12. Các công trình phụ trợ khác của khu ga là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Quảng trường ga, đường bộ vào ga, tường rào ga, thông gió, chiếu sáng khu ga, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường, công trình phục vụ người khuyết tật, hệ thống thông tin chỉ dẫn hành khách, các công trình dịch vụ thương mại khác theo quy hoạch.

14. Hệ thống thông tin đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Đường dây trần thông tin, đường dây cáp thông tin, thiết bị thông tin.

15. Hệ thống tín hiệu đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Tín hiệu ra vào ga, thiết bị điều khiển, thiết bị khống chế, thiết bị nguồn, cáp tín hiệu, và các thiết bị phụ trợ khác.

16. Công trình Depot là hạng mục công trình đường sắt, ngoài các đường sắt trong Depot còn bao gồm: Hầm khám máy; nhà xưởng sửa chữa, bảo dưỡng, chỉnh bị đầu máy, toa xe; hệ thống cấp điện; hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước; hệ thống phòng chống cháy nổ và hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường.

17. Các công trình phụ trợ liên quan đến công tác an toàn giao thông đường sắt là hạng mục công trình hỗ trợ cho công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt bao gồm: Hàng rào ngăn cách giữa đường sắt, đường bộ; đường gom; biển cảnh báo.

18. Bảo dưỡng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt là hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình, được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì công trình ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh các hư hỏng công trình.

Chương II

YÊU CẦU VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ TIÊU CHÍ GIÁM SÁT CÔNG TÁC BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN

Điều 4. Yêu cầu đối với công tác quản lý, bảo trì

1. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện công tác bảo trì theo quy trình bảo trì công trình và phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Công trình phải đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.

2. Vật tư, vật liệu sử dụng trong công tác bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải đảm bảo:

a) Sử dụng đúng chủng loại vật tư, vật liệu được phê duyệt trong phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;

b) Vật tư, vật liệu được lắp đặt đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật;

c) Đảm bảo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

3. Việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

4. Công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật về hành lang an toàn đường sắt.

Điều 5. Các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng công tác bảo trì

1. Đối với đường sắt

a) Kết cấu tầng trên đường sắt:

Phải thường xuyên, định kỳ thực hiện theo dõi, kiểm tra, chăm sóc, đo đạc thông số kỹ thuật, kịp thời sửa chữa hư hỏng, thay thế vật tư, vật liệu, cấu kiện, bộ phận công trình;

Kết cấu tầng trên đường sắt phải được liên kết chặt chẽ, ổn định, đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác;

Hướng tuyến đường sắt không được sai lệch quá giới hạn cho phép;

Cao độ mặt đỉnh các ray chạy tàu trên đường thẳng phải bằng nhau. Trong đường cong, chênh cao độ giữa các đỉnh ray lưng và ray bụng chạy tàu phù hợp với trị số siêu cao quy định tương ứng. Trường hợp khó khăn, chênh lệch giữa cao độ đỉnh ray không được vượt quá giới hạn cho phép;

Khoảng cách má trong giữa hai ray phải phù hợp với từng loại khổ đường, bình diện tuyến đường. Trường hợp khó khăn sai lệch khoảng cách má trong giữa hai ray phải đảm bảo không được vượt quá giới hạn cho phép;

Đối với đường sắt có mối nối, bề rộng khe hở mối nối phải đảm bảo điều kiện kết cấu tầng trên theo quy định và đảm bảo khi ray giãn nở nhiệt không ảnh hưởng đến độ ổn định của kết cấu tầng trên đường sắt;

Tà vẹt đường, tà vẹt ghi phải được bố trí đúng sơ đồ, kích thước tà vẹt phải đảm bảo phù hợp với chủng loại theo quy định;

Ghi phải đảm bảo an toàn chạy tàu theo các hướng tương ứng với tốc độ qua ghi cho phép; cấu kiện ghi phải được lắp đặt theo đúng sơ đồ ghi quy định;

Nền đá ballast phải được chèn chặt theo quy định, đảm bảo kích thước, chất lượng, đảm bảo thoát nước; không có hiện tượng phụt bùn, không lẫn cây cỏ hoặc tạp chất.

b) Đối với nền đường sắt:

Bề rộng nền đường sắt, bệ phản áp phải đảm bảo kích thước quy định và thoát nước tốt. Nền đường không có hiện tượng phụt bùn, túi đá;

Taluy nền đường, taluy bệ phản áp phải đảm bảo độ dốc theo quy định, đảm bảo ổn định, không có nguy cơ bị sạt lở, đá lăn, đá lở uy hiếp đến an toàn chạy tàu;

Rãnh thoát nước nền đường, con trạch ngăn nước phải duy trì đảm bảo đầy đủ, đúng kích thước, thoát nước tốt và không bị ứ đọng, xói lở trong quá trình khai thác;

Duy trì khả năng thoát nước phù hợp với công năng của từng loại rãnh, đảm bảo ổn định nền đường.

c) Hệ thống biển mốc chỉ dẫn và báo hiệu trên đường sắt phải được duy trì đầy đủ, ổn định, chắc chắn, đúng vị trí, đúng quy cách.

2. Đối với cầu đường sắt:

a) Kết cấu chịu lực của cầu phải đảm bảo đúng vị trí thiết kế, duy trì hoạt động theo sơ đồ chịu lực của kết cấu;

b) Kết cấu thép của cầu phải vệ sinh sạch sẽ, sơn phòng rỉ, sơn phủ và không đọng nước;

c) Kết cấu bê tông cốt thép, bê tông, đá xây phải đảm bảo độ mở rộng vết nứt trong giới hạn cho phép và được kiểm tra, theo dõi thường xuyên; bề mặt kết cấu đảm bảo thoát nước tốt;

d) Mặt cầu phải được duy trì đầy đủ kết cấu theo quy định. Đối với cầu có lề người đi hoặc đường bộ ở hai bên thì phần lề người đi, phần đường bộ phải được duy trì đầy đủ kết cấu, đảm bảo êm thuận và an toàn cho người và phương tiện qua lại;

đ) Gối cầu, khe co giãn đảm bảo đúng vị trí, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo điều kiện làm việc bình thường;

e) Mố, trụ cầu, tứ nón mố, công trình phòng hộ cầu phải được kiểm tra, theo dõi, chăm sóc thường xuyên, định kỳ theo kỳ hạn quy định; kiểm tra thông số kỹ thuật, sửa chữa hư hỏng nhỏ trước và sau mùa bão lũ;

g) Đối với cầu cần có thiết bị phòng hỏa thì các thiết bị này phải được duy trì đầy đủ và đảm bảo điều kiện sẵn sàng làm việc;

h) Đối với cầu đường sắt vượt sông có thông thuyền, các báo hiệu đường thủy nội địa phải đầy đủ, ổn định, chắc chắn, đúng vị trí, đúng quy cách theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa;

i) Đối với cầu đường sắt vượt đường bộ có chiều cao tĩnh không đường bộ dưới cầu bị hạn chế, các biển báo “Hạn chế chiều cao” phải đầy đủ, ổn định, chắc chắn, đúng vị trí, đúng quy cách theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

3. Cống thoát nước qua đường sắt phải đảm bảo duy trì dòng chảy không bị cản trở; các hạng mục gia cố sân cống, tiêu năng dòng chảy phải đảm bảo hoạt động bình thường.

4. Đối với hầm chui qua đường sắt:

a) Kết cấu chịu lực của hầm chui qua đường sắt đảm bảo theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

b) Luôn duy trì đầy đủ, đúng vị trí, đúng quy cách các biển báo nguy hiểm và cảnh báo trên đường bộ trước khi vào hầm chui theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

5. Đối với hầm đường sắt:

a) Kết cấu chịu lực của hầm phải đảm bảo duy trì hoạt động theo sơ đồ chịu lực của kết cấu và được kiểm tra, theo dõi, chăm sóc thường xuyên, định kỳ theo kỳ hạn quy định; đo đạc thông số kỹ thuật, sửa chữa hư hỏng nhỏ trước và sau mùa bão lũ;

b) Taluy cửa hầm phải đảm bảo ổn định, không có nguy cơ bị sạt lở, đá lăn, đá lở uy hiếp đến an toàn chạy tàu;

c) Đối với hầm có hang tránh thì phải đảm bảo luôn sạch sẽ, thoáng, không để vật chướng ngại bên trong;

d) Đối với hầm có hệ thống chiếu sáng, thông gió, thiết bị phòng hỏa thì các hệ thống này phải đảm bảo hoạt động bình thường theo quy định;

đ) Vị trí đường sắt trong hầm, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đo đạc thông số kỹ thuật đảm bảo ổn định để không vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc;

e) Hệ thống thoát nước trong và ngoài hầm, lòng rãnh luôn sạch, đảm bảo điều kiện thoát nước cho hầm và đường sắt trong hầm.

6. Đối với đường ngang:

a) Đoạn đường sắt, đường bộ trong phạm vi đường ngang phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tương ứng của đường sắt, đường bộ trong phạm vi đường ngang;

b) Hệ thống phòng vệ đường ngang phải đầy đủ, đúng vị trí, quy cách kỹ thuật và hoạt động tốt;

c) Đối với đường ngang có hệ thống chiếu sáng, phải đảm bảo đầy đủ đèn chiếu sáng, độ rọi trung bình, độ đồng đều chung của ánh sáng theo quy định;

d) Nhà gác đường ngang phải đảm bảo như công trình kiến trúc được quy định tại khoản 7 Điều này;

đ) Hệ thống thông tin, tín hiệu đường ngang phải tuân thủ quy định tại khoản 8 Điều này;

e) Đối với đường ngang có kết nối tín hiệu đường sắt, đường bộ, đường cáp kết nối tín hiệu được cấp từ tủ điều khiển đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang trên đường sắt đến hộp kết nối hoặc đến tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ phải phải đảm bảo cho toàn bộ hệ thống kết nối tín hiệu hoạt động ổn định, chính xác.

7. Đối với công trình kiến trúc:

a) Kết cấu chịu lực của công trình phải đảm bảo đúng thiết kế, duy trì hoạt động theo đúng sơ đồ chịu lực của kết cấu;

b) Kết cấu thép của công trình phải được vệ sinh sạch sẽ, sơn phòng rỉ, sơn phủ và không được đọng nước;

c) Dầm, tường và các cấu kiện khác bằng bê tông cốt thép, bê tông, gạch xây: phải đảm bảo hoạt động, thoát nước tốt và được kiểm tra, theo dõi thường xuyên;

d) Kết cấu gỗ phải đảm bảo đúng kích thước, chất lượng ổn định, được sơn phòng mục theo quy định, đảm bảo mỹ quan công trình;

đ) Đối với công trình kiến trúc có kết cấu mái, phải đảm bảo thoát nước tốt, không bị nứt, không bị dột;

e) Nền công trình phải ổn định, đảm bảo chịu lực. Mặt nền phải phẳng, không gồ ghề, bong rộp, nứt nẻ, đọng nước;

g) Hệ thống cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường phải đảm bảo chất lượng, hoạt động tốt; hệ thống cấp, thoát nước không bị tắc, ứ đọng;

h) Công trình, bộ phận chống sét, hệ thống cấp điện, chiếu sáng phải đầy đủ, hoạt động tốt, an toàn;

i) Hệ thống thông gió, phòng cháy và chữa cháy, thoát hiểm, điện thoại khẩn cấp phải đầy đủ, đảm bảo chất lượng, an toàn;

k) Đối với công trình yêu cầu phải có hệ thống thông tin chỉ dẫn thì hệ thống này phải đảm bảo đầy đủ, rõ ràng, thuận tiện cho người sử dụng theo quy định.

8. Đối với công trình thông tin, tín hiệu:

a) Công trình, thiết bị phải đảm bảo hoạt động tốt, không có cảnh báo hoặc trở ngại, các sai số trong giới hạn cho phép;

b) Các chi tiết, bộ phận công trình phải lắp đặt đầy đủ, đúng chủng loại, đúng quy cách, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có), kịp thời bổ sung thay thế khi xuất hiện mất mát, hư hỏng;

c) Công trình phải được thường xuyên kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ, theo dõi đảm bảo hoạt động chính xác, tin cậy, các thông số kỹ thuật trong giới hạn cho phép theo quy định;

d) Công trình, bộ phận công trình phải được đánh số hoặc ký hiệu rõ ràng để phục vụ theo dõi, quản lý và bảo trì;

đ) Đối với chi tiết bằng kim loại có quy định sơn, phải được sơn phủ bề mặt, đảm bảo không bị rỉ sét;

e) Đối với tín hiệu phải biểu thị rõ ràng, chính xác và đảm bảo tầm nhìn theo quy định;

g) Đối với cột thông tin, cột tín hiệu, phải đúng kích thước, đảm bảo kết cấu chịu lực và đảm bảo an toàn đối với công trình lân cận;

h) Hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt phải được sử dụng đúng mục đích và công năng, thông tin liên lạc phục vụ điều hành chạy tàu thông suốt, đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt.

9. Đối với công trình Depot:

a) Hầm khám máy phải đảm bảo đầy đủ, hoạt động tốt phục vụ cho tác nghiệp khám, chữa đầu máy, toa xe;

b) Đối với công trình Depot có bố trí cầu quay đầu máy thì cầu quay đầu máy phải đảm bảo hoạt động tốt phục vụ tác nghiệp quay đầu máy;

c) Đối với các công trình còn lại trong Depot như: Đường sắt; nhà xưởng sửa chữa, bảo dưỡng, chỉnh bị đầu máy, toa xe; hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, hệ thống phòng chống cháy nổ; hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường; hệ thống thông tin, tín hiệu thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 7, khoản 8 Điều này.

10. Đối với các công trình phụ trợ liên quan đến công tác an toàn giao thông đường sắt:

a) Hàng rào ngăn cách giữa đường sắt, đường bộ phải đảm bảo đầy đủ, đúng vị trí, không bị bẩn, không bị hư hỏng lớn, không bị ăn mòn và phải có đủ bu lông xiết chặt, chắc chắn, không xói lở chân cột;

b) Biển báo tại các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt phải đảm bảo đầy đủ, đúng vị trí, chắc chắn và phải quan sát được rõ cả ban ngày và ban đêm.

Điều 6. Yêu cầu đối với giám sát công tác quản lý, bảo trì

1. Việc giám sát công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện (sau đây gọi là giám sát công tác bảo trì) bao gồm giám sát việc lập, ký kết, thực hiện hợp đồng, nghiệm thu kết quả quản lý, bảo trì theo hợp đồng đã ký.

2. Việc giám sát công tác quản lý, bảo trì phải thường xuyên, định kỳ và đột xuất trong suốt thời gian thực hiện cho đến khi nghiệm thu hoàn thành công việc. Việc giám sát thực hiện bằng trực quan, bằng các số liệu quan trắc thường xuyên (nếu có) hoặc bằng các thiết bị kiểm tra chuyên dụng khi cần thiết.

3. Giám sát công tác quản lý, bảo trì phải theo quy trình bảo trì, phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có), hợp đồng đã ký và các quy định khác liên quan về quản lý chất lượng công trình.

4. Đơn vị trực tiếp bảo dưỡng công trình phải có hệ thống quản lý chất lượng bảo trì theo quy định hiện hành.

Điều 7. Tiêu chí giám sát công tác quản lý, bảo trì

1. Giám sát về chất lượng thực hiện công tác quản lý, bảo trì

a) Tuân thủ quy trình bảo trì, phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) và các quy định khác liên quan về quản lý chất lượng công trình;

b) Chất lượng công trình sau khi bảo trì phải đảm bảo theo quy định tại Quy trình bảo trì được duyệt, các Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng.

2. Giám sát việc thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các thao tác, hoạt động tác nghiệp bảo trì theo quy trình bảo trì được phê duyệt.

3. Giám sát về tiến độ thực hiện bảo trì theo hợp đồng.

4. Giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện bảo trì.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ NGHIỆM THU KẾT QUẢ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN

Điều 8. Quy định về nghiệm thu đối với công tác quản lý, bảo trì

1. Kiểm tra, nghiệm thu công tác nội nghiệp bao gồm:

a) Công tác lập, cập nhật và lưu trữ hồ sơ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật;

b) Hồ sơ theo dõi, kiểm tra, chăm sóc, đo đạc thông số kỹ thuật, sửa chữa hư hỏng nhỏ, bảo dưỡng linh kiện, thiết bị, cấu kiện, bộ phận công trình đường sắt thường xuyên, định kỳ theo kỳ hạn quy định của pháp luật về quản lý, bảo trì công trình đường sắt quốc gia;

c) Hồ sơ theo dõi các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, hồ sơ quản lý đường ngang theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo trì công trình đường sắt quốc gia, đường ngang;

d) Báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

2. Kiểm tra và nghiệm thu công trình tại hiện trường theo quy định tại Điều 5 và các Phụ lục 1, 2, 3, 4, 5, 6 của Thông tư này.

Điều 9. Các tiêu chí nghiệm thu đối với công tác quản lý, bảo trì

1. Nghiệm thu việc tuân thủ theo quy trình bảo trì, phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) và các quy định khác liên quan về quản lý chất lượng công trình.

2. Chất lượng công trình sau khi bảo trì phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tại Điều 5 Thông tư này.

3. Thực hiện công tác lập, cập nhật và lưu trữ hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; hồ sơ theo dõi, kiểm tra thường xuyên, định kỳ; hồ sơ theo dõi các vị trí ảnh hưởng đến an toàn giao thông để cập nhật vào hệ thống quản lý, theo dõi chung kết cấu hạ tầng hạ tầng đường sắt theo quy định.

4. Tiêu chí đánh giá kết quả nghiệm thu:

a) Chất lượng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia sau bảo trì được đánh giá theo hai mức, “đạt yêu cầu” và “không đạt yêu cầu”;

b) Công trình được đánh giá là “đạt yêu cầu” khi công tác lập, cập nhật và lưu trữ hồ sơ quản lý được đánh giá “đạt yêu cầu” và tất cả các hạng mục công việc được kiểm tra nghiệm thu lần đầu hoặc sau khi kiểm tra nghiệm thu lại được đánh giá “đạt yêu cầu”;

c) Công trình “không đạt yêu cầu” khi công tác lập, cập nhật và lưu trữ hồ sơ quản lý được đánh giá “không đạt yêu cầu” hoặc có từ 01 hạng mục công việc trở lên được kiểm tra nghiệm thu lần đầu và sau khi kiểm tra nghiệm thu lại được đánh giá “không đạt yêu cầu”;

d) Nội dung và phương pháp đánh giá chất lượng thực hiện của công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại các Phụ lục 1, 2, 3, 4, 5, 6 của Thông tư này.

Điều 10. Xử lý đối với hạng mục công việc được đánh giá “không đạt yêu cầu” khi kiểm tra, nghiệm thu

1. Đối với các hạng mục công việc được đánh giá là “không đạt yêu cầu”, trong vòng 05 ngày, đơn vị thực hiện bảo trì phải sửa chữa các sai sót để được tổ chức kiểm tra, nghiệm thu và đánh giá lại.

Riêng đối với công tác chính gồm: Cự ly, thủy bình, cao thấp, phương hướng, chèn tà vẹt, phụ tùng nối giữ, thông tin, tín hiệu đảm bảo an toàn chạy tàu được đánh giá là “không đạt yêu cầu”, trong vòng 01 ngày, đơn vị thực hiện bảo trì phải sửa chữa các sai sót để được tổ chức kiểm tra, nghiệm thu và đánh giá lại.

2. Sau khi kiểm tra nghiệm thu lại các hạng mục công việc “không đạt yêu cầu” của lần trước và được đánh giá là “không đạt yêu cầu” thì công trình được đánh giá là “không đạt yêu cầu”.

3. Việc kiểm tra nghiệm thu các hạng mục công việc được thực hiện tối đa không quá 02 lần. Sau 02 lần kiểm tra, nghiệm thu vẫn còn hạng mục công việc “không đạt yêu cầu” thì công trình được đánh giá là “không đạt yêu cầu” và đơn vị bảo trì phải thực hiện bảo trì lại.

4. Đối với các hạng mục công việc được đánh giá là “không đạt yêu cầu”, đơn vị bảo trì phải có biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu; đồng thời tiến hành sửa chữa ngay các sai sót và chịu trách nhiệm về chất lượng bảo trì công trình do đơn vị thực hiện.

Điều 11. Quy định về giám sát, nghiệm thu kết quả kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Việc giám sát, nghiệm thu kết quả kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và quy định pháp luật khác có liên quan.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ, QUY TRÌNH BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA

Điều 12. Chế độ bảo trì

Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được bảo trì theo chế độ sau:

1. Công tác kiểm tra công trình phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ, đột xuất, kiểm tra đặc biệt và các hoạt động kiểm tra khác; nội dung kiểm tra, thời gian kiểm tra và trách nhiệm kiểm tra thực hiện theo quy trình bảo trì được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

2. Quan trắc công trình được thực hiện khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của kết cấu công trình có khả năng gây ra sự cố công trình và các quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng.

3. Kiểm định chất lượng công trình được thực hiện định kỳ theo quy trình bảo trì được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và các quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng.

4. Bảo dưỡng công trình được tiến hành theo:

a) Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

b) Quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

c) Phương án giá sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

d) Các quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng.

Điều 13. Quy trình bảo trì

1. Mọi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng phải thực hiện bảo trì theo quy trình bảo trì được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

2. Trường hợp bộ phận công trình, hạng mục công trình chưa có quy trình bảo trì hoặc quy trình bảo trì đang áp dụng không còn phù hợp, đơn vị được giao quản lý tài sản tổ chức lập điều chỉnh, bổ sung quy trình bảo trì và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt để thực hiện.

3. Nội dung quy trình bảo trì; trách nhiệm lập, phê duyệt quy trình bảo trì, điều chỉnh quy trình bảo trì công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2019.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 01/04/2019
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU KẾT QUẢ BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ, QUY TRÌNH BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA
Số kí hiệu 06/2019/TT-BGTVT Ngày ban hành 31/01/2019
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 01/04/2019
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo 02/03/2019
Ngành Giao thông vận tải Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Giao thông vận tải Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

01/04/2019

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 06/2019/TT-BGTVT

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
31/01/2019 Văn bản được ban hành 06/2019/TT-BGTVT
01/04/2019 Văn bản có hiệu lực 06/2019/TT-BGTVT
Văn bản liên quan
VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
Văn bản căn cứ

Đường sắt

  • Ngày ban hành: 16/06/2017
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018

Về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng

  • Ngày ban hành: 12/05/2015
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2015
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản tiếng anh