Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 01/01/2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT VỀ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ÁP DỤNG TRONG LĨNH VỰC SỰ NGHIỆP KINH TẾ VÀ SỰ NGHIỆP KHÁC THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

2. Thông tư này áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác do Bộ Công Thương quản lý.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (sau đây gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật) bao gồm định mức kinh tế kỹ thuật ngành Công Thương và định mức kinh tế kỹ thuật cơ sở là lượng tiêu hao các yếu tố chi phí về lao động, vật tư, máy móc thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm ba định mức thành phần cơ bản: định mức lao động, định mức vật tư và định mức máy móc, thiết bị.

2. Định mức lao động là mức tiêu hao lao động cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

3. Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên, nhiên vật liệu cần thiết để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

4. Định mức máy móc, thiết bị là thời gian sử dụng cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 3. Mục tiêu xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương

1. Làm căn cứ xác định giá dịch vụ sự nghiệp công trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu lực, tiết kiệm và hiệu quả.

2. Làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

3. Thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác ngành Công Thương, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương

1. Đảm bảo tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành.

2. Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định và thống nhất.

Điều 5. Căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Tiêu chuẩn chất lượng, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ.

2. Quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động.

3. Điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai.

4. Số liệu thống kê hàng năm và các tài liệu có liên quan.

5. Tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành và quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc, trên cơ sở đó tính toán, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

Điều 6. Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Phương pháp thống kê tổng hợp

Căn cứ số liệu thống kê hàng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, pháp lý trong thời gian ba năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật) và dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

2. Phương pháp tiêu chuẩn

Căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi để xây dựng định mức lao động cho từng công việc.

3. Phương pháp phân tích thực nghiệm

Trên cơ sở triển khai khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức (lựa chọn những công việc không xác định được qua hai phương pháp trên hoặc xác định được nhưng chưa chính xác mà cần phải kiểm nghiệm thực tế).

Điều 7. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức lao động

Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (thực hiện) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ).

a) Định mức lao động trực tiếp là thời gian thực hiện xong một dịch vụ sự nghiệp công;

b) Định mức lao động gián tiếp được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) của lao động trực tiếp.

2. Định mức vật tư

a) Xác định chủng loại vật tư;

b) Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư: Căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư);

c) Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi;

d) Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư: Mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp để thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công.

3. Định mức máy móc, thiết bị

a) Xác định chủng loại máy móc, thiết bị;

b) Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của máy móc, thiết bị;

c) Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại máy móc, thiết bị: Bao gồm thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư) và máy chạy không tải (không tiêu hao vật tư);

d) Tổng hợp định mức máy móc, thiết bị.

Chương II

QUY TRÌNH XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC SỰ NGHIỆP KINH TẾ VÀ SỰ NGHIỆP KHÁC THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Điều 8. Thẩm quyền xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Các đơn vị được giao xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này tự xây dựng định mức theo mục tiêu quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật cơ sở chỉ ban hành đối với các ngành, nghề thuộc chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký hoạt động hoặc khi cần cụ thể hóa định mức kinh tế - kỹ thuật ngành cho phù hợp với điều kiện và đặc thù của đơn vị sự nghiệp. Định mức kinh tế - kỹ thuật cơ sở do đơn vị sự nghiệp xây dựng và chỉ áp dụng trong phạm vi đơn vị sự nghiệp đó.

Điều 9. Xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng dịch vụ sự nghiệp công hoặc cho các dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Mục III - Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 573/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

2. Đơn vị được giao xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đảm bảo thực hiện các bước sau:

a) Xây dựng đề cương tổng hợp và đề cương chi tiết. Tổ soạn thảo chủ trì triển khai:

- Xây dựng đề cương tổng hợp và đề cương chi tiết;

- Tổ chức các cuộc họp, thảo luận xây dựng đề cương, xây dựng kế hoạch thực hiện.

b) Khảo sát, đánh giá về định mức kinh tế - kỹ thuật

Tổ soạn thảo tổ chức khảo sát tại các đơn vị sự nghiệp; đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

c) Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, quy trình cung cấp dịch vụ cho từng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, nhóm ngành được giao và thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị; Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

d) Lấy ý kiến cho dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật

- Tổ chức hội thảo để hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Lấy ý kiến chuyên gia độc lập về định mức kinh tế - kỹ thuật.

đ) Hoàn thiện dự thảo trình Hội đồng thẩm định

Trên cơ sở ý kiến chuyên gia và kết quả khảo sát, đánh giá thực tiễn, Tổ soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật theo mẫu tại Phụ lục II, III ban hành kèm theo Thông tư này, trình Hội đồng thẩm định.

- Nội dung thẩm định: Thẩm định về quy trình ban hành định mức, quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng định mức được xây dựng.

- Đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức việc thẩm định dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật

- Lập kế hoạch thẩm định và gửi tài liệu đến các thành viên Hội đồng thẩm định.

- Các thành viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật và các tài liệu liên quan để chuẩn bị ý kiến nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) đối với dự thảo Quyết định và báo cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

- Họp thẩm định

+ Tổ soạn thảo báo cáo dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật;

+ Tổ soạn thảo giải đáp các câu hỏi của Hội đồng thẩm định;

+ Các thành viên Hội đồng thẩm định thảo luận, đánh giá công khai về dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật;

+ Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng của dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật bằng phương pháp bỏ phiếu kín theo các mức sau:

Mức 1: Đạt yêu cầu đề nghị ban hành;

Mức 2: Đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa trước khi đề nghị ban hành;

Mức 3: Không đạt yêu cầu phải xây dựng lại.

- Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến đánh giá của các thành viên Hội đồng và kết luận về chất lượng của dự thảo Quyết định trên cơ sở đồng thuận của đa số thành viên Hội đồng thẩm định tham gia cuộc họp (theo một trong ba mức quy định trên). Nếu dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật phải chỉnh sửa thì Chủ tịch Hội đồng sẽ yêu cầu chi tiết việc chỉnh sửa. Trường hợp dự thảo Quyết định không đạt yêu cầu phải xây dựng lại thì Chủ tịch Hội đồng sẽ quyết định phương án tổ chức thẩm định lại để Tổ soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định;

- Hội đồng thẩm định tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả thẩm định việc ban hành Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

e) Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

Căn cứ biên bản thẩm định, kết luận thẩm định và báo cáo chỉnh sửa (nếu có), Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật theo thẩm quyền tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Điều chỉnh, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Việc điều chỉnh, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật được thực hiện trong trường hợp định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành không còn phù hợp với điều kiện mới về tổ chức thực hiện và tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Khi có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn vị chủ trì triển khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định của Thông tư này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp là đơn vị đầu mối tổng hợp, đôn đốc các đơn vị thực hiện xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Thông tư này.

2. Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, nhóm ngành quy định tại Mục III - Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 573/QĐ-TTg thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị.

Điều 12. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành Công Thương được bố trí trong định mức chi thường xuyên đối với các đơn vị hành chính và tự cân đối trong nguồn thu của đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

2. Kinh phí xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cơ sở được bố trí trong kinh phí tự đảm bảo của đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Việc ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương phải hoàn thành chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công Thương để hướng dẫn, phối hợp giải quyết./.

Tải file đính kèm
Bản PDF
File đính kèm:
47_2018_tt-bct_400329-doc-13081084279996001.doc
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 01/01/2019
quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương
Số kí hiệu 47/2018/TT-BCT Ngày ban hành 15/11/2018
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Công thương Tài chính -Thuế - Ngân hàng Lĩnh vực Kinh tế, Xã hội
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Công Thương Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

01/01/2019

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 47/2018/TT-BCT

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
15/11/2018 Văn bản được ban hành 47/2018/TT-BCT
01/01/2019 Văn bản có hiệu lực 47/2018/TT-BCT
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản tiếng anh