Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Ngày có hiệu lực: 20/10/1972

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn thi hành Thông tư số 234-TTg ngày 14-8-1972 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết một số vấn đề trước mắt về tiền lương và vốn sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp trong thời chiến

________________________

Thi hành Thông tư số 234-TTg ngày 14-8-1972 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết một số vấn đề trước mắt về tiền lương và vốn sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp trong thời chiến, Liên Bộ Ngân hàng Nhà nước - Bộ Tài chính ban hành thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn thêm một số điểm để ngành và các cáp thống nhất thi hành.

I. VỀ VIỆC CHI TRẢ TIỀN LƯƠNG

1. Lập, xét duyệt và đăng ký kế hoạch sản xuất, lao động và quỹ tiền lương.

Các xí nghiệp cần phải lập kế hoạch sản xuất, lao động và quỹ tiền lương từng quý có chia ra từng tháng và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước cơ sở chậm nhất là ngày 25 tháng cuối cùng của quý trước. Các kế hoạch này phải được cấp chủ quản xét duyệt và Ngân hàng Nhà nước cấp trên thông báo để làm căn cứ kiểm soát và chi trả tiền lương. Nếu xí nghiệp không chấp hành đúng quy định này thì Ngân hàng Nhà nước cơ sở không được phép để xí nghiệp rút tiền về chi lương.

Nếu hàng tháng có biến động, thì xí nghiệp cần bàn bạc với cơ quan ngân hàng, tài chính ở địa phương để giải quyết cho kịp thời. Nếu có biến động lớn, thì xí nghiệp cần báo cáo với cơ quan chủ quản xét duyệt và đăng ký lại với Ngân hàng Nhà nước.

Nội dung kế hoạch lao động và quỹ tiền lương của xí nghiệp gồm 2 phần, phải định rõ số lao động tham gia sản xuất kinh doanh cơ bản và số lao động làm các công việc khác. Khi tính toán số lao động làm nhiệm vụ sản xuất cũng như làm các công việc khác đều phải dựa vào định mức lao động và năng suất lao động trong điều kiện mới.

Đối với số lao đợng dôi ra làm các công việc không phải là sản xuất, kinh doanh cơ bản phải xác định số lao động cần thiết để làm những công việc như sơ tán, phân tán xí nghiệp, làm hầm hào phòng tránh cho người và bảo vệ máy móc, thu dọn và khắc phục hậu quả khi bị địch đánh phá, tổ chức sản xuất phụ như sản xuất gạch ngói, khai thác đá, cát, sỏi, gỗ, tre, nức hoặc sản xuất các mặt hàng tiêu dùng khác; làm nhiệm vụ trực chiến thường xuyên; làm các công việc khác ngoài xí nghiệp như nhận thầu, làm khoán các nhiệm vụ bảo đảm giao thông, phục vụ quốc phòng, đắp đê và hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, bốc xếp hàng hóa; số lao động chưa bố trí được công việc tạm thời được phép cho nghỉ hưởng 70% lương cấp bậc, số hưởng trợ cấp xã hội 20đ/tháng và số nghỉ không lương.

Kế hoạch lao động và quỹ tiền lương phải được xây dựng và phân tích riêng cho từng loại công việc nói trên.

Các kế hoạch này phải được cấp chủ quản phê chuẩn và phải gửi đến cơ quan Ngân hàng Nhà nước địa phương. Ngân hàng kiến thiết (phần xây dựng cơ bản) và cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm soát và cấp phát nguồn vốn, kinh phí trả lương cũng như tính toán chi trả tiền lương của từng thời kỳ kế hoạch.

2. Nguồn vốn (hoặc kinh phí) trả lương

Làm việc gì phải dùng nguồn vốn (hoặc kinh phí) của công việc ấy để trả lương. Tuyệt đối không được lấy vốn lưu động chi lương cho lao động ngoài sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là:

- Nguồn vốn lưu động dùng để trả lương cho số lao động làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cơ bản.

- Nguồn vốn dùng để trả lương cho số lao động làm các công việc khác gồm 2 phần: phần thứ nhất do Ngân sách Nhà nước cấp phát để đài thọ cho số lao động làm những việc sơ tán, phân tán, đào hầm hào, thu dọn hoặc khác phục hậu quả khi bị địch đánh phá, di chuyển máy móc, bảo quản kho tàng, trực chiến thường xuyên, nghỉ việc ngừng sản xuất hưởng lương 70% lương cấp bậc, trợ cấp xã hội 20đ/tháng và phần bù chênh lệch theo cấp bậc công việc cũ cao hơn lương cấp bậc công việc mới tính theo định mức cấp bậc công việc mới tính theo định mức được giao; phần thứ hai do xí nghiệp đi nhận thầu làm khoán được đơn vị giao thầu hoặc đặt khoán trả.

Về phần nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp phát, xí nghiệp phải kịp thời lập dự toán kinh phí và được cơ quan tài chính cấp theo kế hoạch. Nguồn vốn do đi nhận thầu, làm khoán mà có, xí nghiệp phải có trách nhiệm yêu cầu các đơn vị giao thầu, đặt khoán thanh toán kịp thời để có nguồn vốn trả lương.

Ngân hàng Nhà nước và cơ quan tài chính phải kiểm soát chặt chẽ theo dõi riêng từ loại nguồn vốn trên, đôn đốc, các xí nghiệp nộp đầy đủ vào tài khoản tiền gửi của xí nghiệp nộp đầy đủ vào tài khoản tiền gửi của xí nghiệp ở Ngân hàng giám đốc việc sử dụng các nguồn vốn đó bảo đảm chi trả đúng các nguyên tắc đã được quy định trong Thông tư số 234-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Cách trả lương

Đối với số lao động làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng cơ bản, các cơ quan Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng kiến thiết tiến hành việc chi trả tiền lương theo mức độ thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, theo khối lượng công trình hoàn thành. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, khối lượng công trình do nguyên nhân khách quan gây nên như ngừng sản xuất do báo động, do mất điện…thì được chiếu cố thích đáng, nhưng phải bảo đảm không được chi vượt mức quỹ tiền lương kế hoạch được duyệt.

Đối với số lao động làm các công việc khác, làm việc gì thì căn cứ vào mức thực hiện các chỉ tiêu định mức của công việc đó để kiểm soát và chi trả tiền lương.

Đối với số lao động thuộc các hoạt động khác trong xí nghiệp, Ngân hàng chi trả tiền lương theo thực tế trong phạm vi biên chế lao động và quỹ tiền lương được duyệt.

Trường hợp đến kỳ hạn trả lương, nếu xí nghiệp chưa có kế hoạch sản xuất, lao động và quỹ tiền lương, hoặc có kế hoạch nhưng chưa được duyệt, hoặc kế hoạch được duyệt nhưng chưa có nguồn vốn thích hợp, theo yêu cầu bằng văn bản của giám đốc xí nghiệp, có chữ ký xác nhận của kế toán trưởng xí nghiệp, thì ngân hàng có thể tạm ứng cho xí nghiệp 70% số tiền lương xin rút từng kỳ bằng cách: cho xí nghiệp rút vốn lưu động từ tài khoản tiền gửi thanh toán của xí nghiệp ở Ngân hàng (nếu có) hoặc bằng cách ngân hàng cho vay tiền lương với lợi suất 0,12% một tháng. Sau đó xí nghiệp phải khẩn trương làm đầy đủ các thủ tục để xin nguồn vốn thích hợp hoàn lại vốn lưu động hoặc trả nợ ngân hàng.

Nếu sang tháng thứ hai xí nghiệp chưa trả hết nợ tạm ứng hoặc chưa lập kế hoạch sản xuất, lao động và tiền lương thì ngân hàng không cho rút tiền gửi và không cho vay về tiền lương.

Đối với các xí nghiệp trong những tháng trước đây đã dùng vốn lưu động hoặc được vay tiền lương trả cho số lao động làm các công việc ngoài sản xuất và kinh doanh cơ bản đến nay vẫn chưa hoàn lại đủ thì Ngân hàng không tiếp tục cho rút tiền gửi hoặc cho vay để trả lương nữa.

Cách quản lý chi trả tiền lương này có tác dụng tích cực thúc đẩy xí nghiệp có kế hoạch sử dụng chặt chẽ số lao động sản xuất và số lao động làm các công việc khác.

4. Trách nhiệm thi hành

Việc giải quyết tiền lương theo nội dung Thông tư số 234-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tác dụng tích cực đối với việc quản lý và sử dụng lao động thúc đẩy việc thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước, nhưng đồng thời đây là một vấn đè phức tạp có liên quan đến nhiều chính sách, chế độc và có quan hệ trực tiếp đối với đời sống của người lao động, do đó, các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở cần tăng cường đầy đủ ý thức trách nhiệm để làm tốt các chức trách của mình.

Giám đốc xí nghiệp chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc tổ chức quản lý, sử dụng và điều phối lao động trong xí nghiệp sao cho hợp lý nhất, bảo đảm cho mọi người lao động đều có việc làm, làm việc phải có năng suất lao động và hiệu suất công tác nhất định, lãnh đạo xí nghiệp và công nhân làm ra sản phẩm, hoặc hoàn thành các khối lượng công tác, tạo ra các nguồn vốn để trả lương cho công nhân, chấp hành đầy đủ các nguyên tắc sử dụng nguồn vốn thực hiện nghiêm ngặt kỷ luật tài chính bảo đảm nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước, quan tâm thường xuyên đến hiệu quả của các hoạt động kinh tế trong xí nghiệp. Nếu vì thiếu sót của giám đốc xí nghiệp trong việc thực hiện các nội dung trên đây, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chi trả tiền lương cho cán bộ công nhân viên thì giám đốc xí nghiệp là người chịu trách nhiệm trước hết.

Để giúp xí nghiệp trong việc quản lý và sử dụng lao động, quỹ tiền lương được tốt, các cơ quan chủ quản của xí nghiệp phải tăng cường trách nhiệm về phần mình để chỉ đạo việc xây dựng, xét duyệt và đăng ký kế hoạch với cơ quan ngân hàng và tài chính giải quyết kịp thời những khó khăn cho xí nghiệp và tăng cường kiểm tra xí nghiệp.

Cơ quan tài chính khi nhận được kế hoạch xin cấp kinh phí của xí nghiệp được cấp chủ quản duyệt, không chờ tập hợp xong toàn ngành mới cấp, mà thông qua cấp chủ quản để cấp ngay cho xí nghiệp, tạo điều kiện giúp xí nghiệp có nguồn vốn chi trả tiền lương chưa được kịp thời, Mặt khác phải tăng cường kiểm tra xí nghiệp sử dụng đúng đắn các nguồn vốn và kinh phí trả lương.

Các cơ quan, ngân hàng nhận được các kế hoạch sản xuất lao động, tiền lương của các xí nghiệp phải kiểm soát, đối chiếu khớp đúng với các chỉ tiêu kế hoạch được cấp chủ quản xét duyệt, đôn đốc các xí nghiệp sử dụng đúng kế hoạch lao động, hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất để có nguồn vốn chi lương. Cần đề cao ý thức chấp hành nghiêm ngặt các nguyên tắc chế độ về chi trả tiền lương. Nghiêm cấm việc để xí nghiệp sử dụng lẫn lộn các nguồn vốn và kinh phí được cấp. Cần đi sâu, đi sát xí nghiệp để nắm được tình hình khó khăn trong việc chi trả tiền lương, nếu có những vấn đề mới phát sinh ngoài phạm vi trách nhiệm của mình thì phải nắm cụ thể để báo cáo cho ngân hàng cấp trên.

II. VỀ VỐN DỰ TRỮ VẬT TƯ HÀNG HÓA VƯỢT ĐỊNH MỨC Ở XÍ NGHIỆP.

Thông tư số 234-TTg ngày 14-8-1972 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ trách nhiệm của xí nghiệp, cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp phải quản lý chặt chẽ vốn sản xuất và kinh doanh, không được dùng vốn lưu động để chi vào các công việc khác và phải cùng các cơ quan Nhà nước có liên quan lo tổ chức việc tiêu thụ vật tư, hàng hóa; đồng thời giao nhiệm vụ cho cơ quan tài chính và Ngân hàng Nhà nước giải quyết những khó khăn về vốn dự trữ vật tư, hàng hóa vượt định mức của xí nghiệp.

Quán triệt tinh thần, và nội dung trên đây, cơ quan tài chính và ngân hàng sẽ cải tiến việc cấp phát và mở rộng hoạt động tín dụng để bảo đảm kịp thời nhu cầu vốn lưu động cho xí nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời phát huy vai trò tích cực trong việc phục vụ và quản lý, tác động, thúc đẩy các xí nghiệp tìm mọi biện pháp tích cực sử dụng tốt vật tư, lao động và tiền vốn vào sản xuất, kinh doanh, tổ chức tốt việc tiêu thụ, bảo quản chu đáo vật tư hàng hóa để tránh lãng phí và hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất.

Theo phương hướng và tư tưởng chỉ đạo nói trên, trước mắt, một số trường hợp dự trữ vật tư hàng hóa định mức ở xí nghiệp cần được giải quyết như sau:

a) Trường hợp xí nghiệp sản xuất có hợp đồng tiêu thụ nhưng bên đặt hàng không thi hành hợp đồng kinh tế đã ký kết, chậm hoặc từ chối nhận hàng làm cho thành phẩm dự trữ ở xí nghiệp tạm thời vượt định mức, thì trước hết xí nghiệp phải đưa ra hội đồng trọng tài kinh tế xử lý, buộc bên đặt hàng phải nhận và thanh toán tiền sòng phẳng theo đúng các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Trong khi chờ đợi giải quyết, ngân hàng cho xí nghiệp vay vốn dự trữ số thành phẩm trên định mức ngoài kế hoạch với thời hạn tối đa 45 ngày. Quá thời hạn đó chưa trả được nợ, xí nghiệp phải trình bày rõ nguyên nhân, ngân hàng xét và giải quyết như sau:

- Nếu do khuyết điểm chủ quan của xí nghiệp, không tích cực đưa ra hội đồng trọn tài kinh tế xử lý kịp thời, hoặc hội đồng trọng tài kinh tế đã xử lý do lỗi của xí nghiệp bên bán sản xuất không đúng hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm tiêu thụ số sản phẩm đó, thì ngân hàng chuyển qua nợ quá hạn.

- Nếu hội đồng trọng tài kinh tế xử lý buộc xí nghiệp bên mua phải nhận hàng và thanh toán, nhưng xí nghiệp bên bán không tích cực đôn đốc thi hàng, thì ngân hàng chuyển qua nợ quá hạn để tác động thúc đẩy xí nghiệp có biện pháp giải quyết tích cực hơn và buộc bên mua phải bồi hoàn những thiệt hại do việc thanh toán chậm trễ gây ra.

- Nếu do hội đồng trọng tài chưa xử lý xong, thì trưởng Chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố cho gia hạn nợ thêm một thời gian nữa phù hợp với thời gian do hội đồng trọng tài kinh tế đề nghị.

b) Trường hợp xí nghiệp sản xuất các mặt hàng theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước hoặc theo lệnh của Chính phủ (đối với xí nghiệp trung ương) và theo lệnh của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp địa phương ) nhưng chưa ký được hợp đồng tiêu thụ, thành phẩm tồn kho dự trữ vượt định mức thì cũng được ngân hàng cho vay dự trự số thành phẩm trên định mức ngoài kế hoạch với điều kiện xí nghiệp và cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp phải trình bày rõ với ngân hàng những biện pháp cụ thể cùng các cơ quan Nhà nước có liên quan tổ chức ngay việc tiêu thụ. Thời hạn cho vay dự trữ số thành phẩm vượt định mức trong trường hợp này tùy tình hình cụ thể từng mặt hàng có thể bảo quản và có khả năng bảo quản được mà quy định cho sát, trên tinh thần vừa giúp đỡ xí nghiệp giải quyết được khó khăn, đồng thời phải thúc đẩy việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nhanh chóng. Trưởng Chi nhánh ngân hàng nghiệp vụ và trưởng Chi điểm được giải quyết cho vay tối đa 45 ngày. Trưởng chi nhánh ngân hàng tỉnh và thành phố được quyền gia hạn thêm tối đa 45 ngày nữa. Hết thời hạn đó mà vẫn không giải quyết được thì chi nhánh phải báo cáo lên Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính cùng các ngành hữu quan bàn bạc giải quyết.

c) Trong khi chờ đợi giải quyết việc tiêu thục, cả hai trường hợp nói trên, nếu xét những sản phẩm đó có thể bảo quản và tiêu thụ được thì ngân hàng tiếp tục cho xí nghiệp vay vốn lưu động trong định mức và trên định mức theo như thể lệ biện pháp hiện hành để tiếp tục sản xuất. Quá trình cho vay, ngân hàng theo dõi, đôn đốc việc tiêu thụ chặt chẽ. Nếu sau một thời gian tối đa 90 ngày kể từ khi cho vay sản xuất tiếp mà vẫn chưa tiêu thụ được số sản phẩm đã sản xuất ra thì ngân hàng phải kịp thời có văn bản kiến nghị với Bộ chủ quản (đối với xí nghiệp trung ương) và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp địa phương) giải quyết theo hai hướng sau đây:

Đối với sản phẩm thuộc loại khó bảo quản hoặc xí nghiệp không có điều kiện bảo quản, nếu tiếp tục sản xuất và tăng tồn kho dự trữ, sẽ gây lãng phí, thì yêu cầu cơ quan chủ quản điều chỉnh chi tiêu kế hoạch, thu hẹp hoặc đình chỉ sản xuất. Bộ chủ quản và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có những xí nghiệp trên cần phải giải quyết ngay, nếu sau một tuần lễ nhận được kiến nghị của ngân hàng mà không giải quyết, thì ngân hàng có thể tạm thời không cho vay sản xuất tiếp; đối với số sản phẩm đã sản xuất ra, ngân hàng vẫn cho vay dự trữ trên định mức ngoài kế hoạch theo thời hạn quy định ở điểm b.

Đối với sản phẩm có thể bảo quản đựơc và có điều kiện bảo quản mà xí nghiệp có nhiệm vụ tiếp tục sản xuất để dự trữ theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc theo lệnh của Chính phủ (đối với xí nghiệp trung ương ) và của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp địa phương) như: than, gỗ, cơ-rô-mít, máy móc cơ khí, apatit, lăng-ti-moan, thiếc, gang v .v… thì ngân hàng tiếp tục cho vay vốn lưu động theo thể lệ biện pháp hiện hành để sản xuất và ngân sách chuyển vốn sang ngân hàng cho vay đặc biệt để xí nghiệp dự trữ số thành phẩm tồn kho vượt định mức từ trước cho đến ngày 30-9-1972. Trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất các quý sau, nếu tồn kho thành phẩm vẫn tiếp tục tăng lên thì ngân hàng giải quyết cho vay trên định mức ngoài kế hoạch bình thường. Cứ cuối mỗi quý, căn cứ vào số thành phẩm tồn kho vượt định mức tăng thêm, ngân sách chuyển thêm vốn qua ngân hàng tiếp tục cho vay đặc biệt để hoàn trả số nợ đã cho vay trên định mức ngoài kế hoạch về thành phẩm đó. Giá cả cho vay đặc biệt để dự trữ thành phẩm được tính theo giá thành công xưởng kế hoạch. Để thực hiện tốt chủ trương này, cơ quan tài chính và ngân hàng cần chú ý thực hiện đúng mấy điểm quy định sau đây:

- Cơ quan tài chính các cấp phối hợp với ngân hàng làm dự toán nhu cần vốn cần thiết chuyển qua ngân hàng theo kế hoạch để kịp thời giải quyết cho vay đặc biệt đối với những sản phẩm nói trên. Vốn để vay đặc biệt đối với xí nghiệp trung ương do ngân sách trung ương chuyển, vốn cho vay đặc biệt đối với xí nghiệp địa phương do ngân sách địa phương chuyển. Tuyệt đối không được dùng vốn của ngân sách trung ương chuyển qua để cho vay dự trữ đặc biệt xí nghiệp địa phương.

- Ngân hàng phải theo dõi sát tình hình tiêu thụ, nếu tồn kho giảm thấp thì ngân hàng phải tiến hành thu nợ loại cho vay đặc biệt cũng như loại cho vay thông thường theo thể lệ cho vay tiến hành để bảo đảm thu hồi vốn kịp thời, ngăn chặn xí nghiệp sử dụng nhập nhằng vốn nọ sang vốn kia.

d) Trường hợp xí nghiệp chuyển hướng hoặc thu hẹp sản xuất làm cho vốn lưu động thay đổi, cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp phải cùng với cơ quan tài chính, Ngân hnàg kiểm tra lại tình hình tài chính xí nghiệp, tính toán, xác định lại nhu cầu vốn lưu động định mức cho phù hợp với kế hoạch sản xuất mới; trên cơ sở đó ngân sách và ngân hàng thực hiện chế độ cấp phát và cho vay theo đúng chế độ hiện hành.

Trong khi chờ đợi làm các việc trên đây, gặp trườn hợp xí nghiệp đã sử dụng hết vốn lưu động định mức và đã vay trên định mức để dự trự vật tư theo kế hoạch sản xuất cũ, nay xí nghiệp bị thiếu vốn dự trự vật tư cần thiết để sản xuất mặt hàng theo chỉ tiêu kế hoạch mới, nếu sản phẩm đó đảm bảo tiêu thụ được thì ngân hàng cho xí nghiệp vay vốn trên định mức ngoài kế hoạch. Thời hạn cho vay tối đa không được quá 90 ngày. Nếu thời hạn trên vẫn chưa được giải quyết, chi nhánh báo cáo lên Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính xét và quyết định.

e) Đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản phẩm dở dang và bán thành phẩm (kể cả bán thành phẩm mua ngoài) dự trữ theo kế hoạch sản xuất cũ vượt mức do chuyển hướng, thu hẹp hoặc tạm đình sản xuất, thì trước hết xí nghiệp và cơ quan quản lý cấp trên xí nghiệp phải tìm mọi cách tận dụng những vật tư đó vào sản xuất mặt hàng mới hoặc tổ chức đẩy mạnh việc tiêu thụ, tránh sự thiệt hại cho Nhà nước. Nhưng nếu xí nghiệp đã cố gắng mà vẫn không giải quyết được thì tùy theo tình hình cụ thể ngân hàng cho xí nghiệp được gia hạn thêm số dư nợ trong một thời gian nữa.

Riêng các loại vật tư đã dự trữ tại xí nghiệp nhưng chưa được vay vốn cũng như những vật tư tiếp tục nhập về theo hợp đồng đã ký kết của kế hoạch sản xuất năm 1972 thì được giải quyết như sau:

- Vật tư, sản phẩm dở dang và bán thành phẩm sản xuất trong nước thì Ngân hnàg cho vay dự trữ trên định mức trong kế hoạch, thời hạn tối đa hết quý I năm 1973.

- Vật tư nhập từ nước ngoài về, xí nghiệp được vay vốn đặc biệt.

g) Trường hợp các tổ chức thương nghiệp hoặc cung ứng vật tư phải nhận hàng của các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã cũng như nhận vật tư, hàng hóa nhập từ nước ngoài về theo hợp đồng kinh tế đã ký kết, theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước theo lệnh của Chính phủ, làm cho tồn kho dự trữ vượt định mức thì nói chung, ngân hàng cho các tổ chức nói trên vay vốn để thanh toán cho đơn vị bán. Tuy nhiên, do tính chất kinh doanh của từng ngành và đặc điểm từng loại vật tư, hàng hóa khác nhau, việc cấp phát và cho vay cần có biện pháp thích hợp:

Đối với các tổ chức kinh doanh thương nghiệp, cần phân biệt để giải quyết:

- Đối với các mặt hàng tạm thời dự trữ vượt định mức nhưng đến cuối quý có khả năng rút xuống ngang định mức thì ngân hàng vẫn cho vay luân chuyển bình thường.

- Đối với các mặt hàng mà xí nghiệp hiện đang vay đặc biệt thì tiếp tục cho vay đặc biệt.

- Đối với những mặt hàng khác nếu dự trự vượt định mức mà phải tiêu thụ trong một thời gian dài mới hết, có thể bảo quản được, thì có thể xét để cho vay đặc biệt ngay, hoặc cho vay luân chuyển bình thường và sau đó tiếp tục bàn bạc xác định để giải quyết cho vay đặc biệt.

- Đối với các mặt hàng khó tiêu thụ và cũng khó bảo quản dễ phát sinh kém, mất phẩm chất, thì giải quyết cho vay nhu cầu tạm thời. Thời hạn cho vay không được quá thời hạn có thể bảo quản, nhưng tối đa không quá 90 ngày.

Đối với tổ chức cung ứng vật tư, ngân hàng căn cứ vào kế hoạch luân chuyển vật tư hàng hóa từng quý, đã được cơ quan chủ quản xét duyệt để tính toán cho vay vốn luân chuyển trong phạm vi tỷ lệ tham gia vào định mức vốn luân chuyển bình quân cả năm. Nếu tồn kho thực tế dự trữ vượt quá định mức vốn luân chuyển thì ngân hàng xét và giải quyết phần vốn vượt mức đó như sau:

- Do xí nghiệp thực hiện vượt định mức kế hoạch mua vào và những mặt hàng đó phải tiêu thụ trong một thời gian dài mới hết thì ngân hàng cho vay đặc biệt, hoặc cho vay nhu cầu tạm thời đối với những mặt hàng xét có thể chắc chắn tiêu thụ và hạ thấp tồn kho ngay trong quý hoặc chậm nhất là trong quý kế tiếp.

- Do nguyên nhân khách quan xí nghiệp không thực hiện được kế hoạch bán ra, ngân hàng xét có lý do chính đáng thì cho vay nhu cầu tạm thời.

Thời hạn cho vay nhu cầu tạm thời tối đa không quá 90 ngày.

- Do nguyên nhân chủ quan gây nên làm cho tồn kho vượt quá định mức luân chuyển thì ngân hàng không giải quyết cho vay thêm hoặc chuyển số nợ đã vay vượt mức sang nợ quá hạn.

Trong quá trình cho vay đối với các tổ chức thương nghiệp cũng như các tổ chức cung ứng vật tư, Ngân hàng cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ và tồn kho, nếu thấy trong việc dự trự này có chỗ không hợp lý hoặc có loại vật tư hàng hóa để lâu khó bảo quản dễ hư hỏng thì ngân hàng phải kịp thời có văn bản kiến nghị với xí nghiệp, cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan Nhà nước có liên quan có biện pháp giải quyết nhằm tránh tổn thất tài sản của Nhà nước.

Nếu sau một tuần lễ nhận được kiến nghị của Ngân hàng mà không giải quyết thì ngân hàng không tiếp tục cho vay mua thêm vào những mặt hàng ấy nữa.

Liên Bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính yêu cầu các Bộ, các Tổng cụ, các Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố cần trực tiếp chỉ đạo các xí nghiệp thuộc quyền quản lý của mình xây dựng các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch lao động, quỹ lương và kế hoạch thu chi tài vụ hàng quý, hàng tháng, tổ chức việc xét duyệt kịp thời và chặt chẽ; đồng thời phải đăng ký và báo cáo thường kỳ các kế hoạch ấy cho cơ quan tài chính và Ngân hàng để thẩm tra và giải quyết vốn kịp thời.

Cán bộ tài chính, ngân hàng Nhà nước các cấp phải đề cao tinh thần trách nhiệm, đi sâu, đi sát xí nghiệp, phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời các nhu cầu vốn cho xí nghiệp, đồng thời phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định trong thông tư này.

Quá trình thi hành, gặp khó khăn gì phải kịp thời phản ánh lên liên Bộ nghiên cứu giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Tải file đính kèm
Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Ngày có hiệu lực: 20/10/1972
Hướng dẫn thi hành Thông tư số 234-TTg ngày 14-8-1972 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết một số vấn đề trước mắt về tiền lương và vốn sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp trong thời chiến
Số kí hiệu 09-TT/LB Ngày ban hành 20/10/1972
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày có hiệu lực 20/10/1972
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Tài chính -Thuế - Ngân hàng Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Y tế Thứ trưởng Lê Duy Đồng
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Hiệu lực:

Hết hiệu lực toàn bộ

Ngày có hiệu lực:

20/10/1972

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư liên tịch 09-TT/LB

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
20/10/1972 Văn bản được ban hành 09-TT/LB
20/10/1972 Văn bản có hiệu lực 09-TT/LB
01/08/2013 Văn bản hết hiệu lực 09-TT/LB
Văn bản liên quan
Văn bản căn cứ

Lao động

  • Ngày ban hành: 23/06/1994
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1995
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản tiếng anh