Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 11/08/1986

 

 

 

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - NÔNG NGHIỆP SỐ 16-TT/LB NGÀY 11-8-1986

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG CÁC HỢP TÁC XÃ VÀ TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

VÀ NÔNG - LÂM NGHIỆP

(dưới đây gọi chung là hợp tác xã).

Thực hiện Nghị quyết 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 5) và Chỉ thị 67-CT/TƯ của Ban bí thư Trung ương về việc cải tiến quản lý kinh tế và hoàn chỉnh cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng tới nhóm và người lao động; xoá bỏ lối quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa trong các hợp tác xã.

Để tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát huy mạnh mẽ quyền chủ động sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt cho việc hoàn thiện cơ chế quản lý mới, sau khi đã trao đổi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước, liên Bộ Tài chính-Nông nghiệp hướng dẫn một số nội dung về quyền tự chủ tài chính trong các hợp tác xã như sau:

A. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG

HỢP TÁC XÃ.

1. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước (kể cả kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm), hợp tác xã được quyền tự quyết định phương hướng sản xuất kinh doanh và xây dựng các kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính trong từng thời gian cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội trong vùng nhằm khai thác tới mức cao nhất tiềm năng về đất đai, lao động, tiền vốn và cơ sở vật chất hiện có để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho hợp tác xã, cải thiện đời sống xã viên và nộp bán nông sản phẩm ngày càng nhiều cho Nhà nước.

2. Hợp tác xã được quyền sử dụng linh hoạt mọi nguồn vốn của mình và vốn vay của ngân hàng, của xã viên vào mục đích phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

3. Ngoài tiền vay Ngân hàng, hợp tác xã được quyền huy động vốn nhàn rỗi của xã viên; được liên doanh liên kết với các đơn vị kinh tế khác để có thêm vốn đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao phúc lợi của mình.

4. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và thanh toán theo hợp đồng kinh tế hai chiều, hợp tác xã được quyền phân phối và tiêu thụ sản phẩm còn lại của mình một cách hợp lý, đúng chính sách; bảo đảm vừa tăng cường kinh tế tập thể, vừa cải thiện đời sống xã viên.

B. MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU VỀ QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG

HỢP TÁC XÃ.

I. Hoàn chỉnh phương hướng và kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, hợp tác xã tự soát xét lại phương hướng sản xuất kinh doanh của mình, chủ động tính toán, lựa chọn phương án kinh tế thích hợp và có hiệu quả; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn và hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của mình, tập trung phát triển và mở rộng những cây trồng, con nuôi, ngành nghề cần thiết và có lãi; thu hẹp hoặc hủy bỏ những cây trồng, con nuôi, ngành nghề bị thua lỗ và không thiết thực.

II. Sử dụng vốn

Yêu cầu chung của việc sử dụng vốn trong hợp tác xã là phải theo kế hoạch, theo định mức, tiết kiệm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời phải gắn trách nhiệm cá nhân với lợi ích vật chất, có thưởng có phạt công minh.

1. Việc sử dụng ruộng đất:

Hợp tác xã phải thực hiện kiểm kê và hạch toán chặt chẽ quỹ đất đai hiện có, sử dụng hết diện tích đất canh tác vào sản xuất, không để ruộng đất hoang hóa. Thu hồi ruộng đất bị lấn chiếm trái phép và sử dụng sai chính sách. Bồi dưỡng, cải tạo đất và nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất, bảo đảm trên một đơn vị diện tích đạt nhiều sản lượng với giá thành hạ.

Nếu hợp tác xã chưa đủ điều kiện sử dụng hết ruộng đất vào kinh tế tập thể thì tạm thời cho gia đình xã viên hoặc cơ quan, đơn vị bộ đội mượn để tăng gia sản xuất theo đúng tinh thần Quyết định số 318-CP ngày 10-9-1979 của Hội đồng Chính phủ về việc khuyến khích tận dụng ruộng đất nông nghiệp.

2. Việc sử dụng tài sản cố định:

Tất cả tài sản cố định của hợp tác xã phải được ghi chép, theo dõi vào sổ sách kế toán; có phân nhóm, định loại và có chế độ quản lý và sử dụng hợp lý.

a. Đối với tài sản cố định đang dùng thì hợp tác xã phải tận dụng triệt để công suất. Trường hợp không sử dụng hết công suất thì hợp tác xã được liên doanh, liên kết với đơn vị kinh tế khác; cho các đơn vị khác thuê hoặc nhận làm thuê một số việc nào đó có sử dụng đến những tài sản cố định ấy.

b. Đối với tài sản cố định chưa dùng hoặc không cần dùng thì hợp tác xã phải sắp xếp lại và tùy theo tình hình thực tế mà niêm cất, bảo quản hoặc nhượng bán cho đơn vị khác, thu hồi vốn để xây dựng và mua sắm tài sản cố định mới.

c. Đối với tài sản cố định đã hư hỏng, không còn khả năng phục hồi thì hợp tác xã phải thanh lý để thu hồi vốn.

d. Việc xây dựng, mua sắm tài sản cố định.

Mọi việc xây dựng, mua sắm tài sản cố định của hợp tác xã phải được tính toán; cân nhắc theo đúng quy hoạch kế hoạch. Phải tập trung vốn xây dựng mua sắm những tài sản cố định chủ yếu, có tác động tích cực đến quá trình sản xuất kinh doanh; trước hết là những tài sản cố định trực tiếp tạo ra sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cải thiện điều kiện làm việc cho xã viên.

3. Việc sử dụng vật tư, sản phẩm:

Để sử dụng vật tư, sản phẩm tiết kiệm và có hiệu quả kinh tế cao, hợp tác xã phải xây dựng chế độ bảo quản và sử dụng riêng cho từng loại vật tư, sản phẩm trên nguyên tắc bảo đảm những yêu cầu chung về quản lý và hạch toán. Cụ thể là:

- Phải có nội quy kho tàng, bố trí thủ kho đủ tiêu chuẩn về chuyên môn và trách nhiệm.

- Phải thực hiện cân, đong, đếm khi giao nhận, nhập xuất vật tư, sản phẩm.

- Xuất dùng vật tư, sản phẩm phải đúng mục đích, đúng đối tượng và phù hợp với định mức sử dụng đã được xây dựng.

- Định kỳ kiểm kê vật tư, sản phẩm và xử lý kịp thời những trường hợp để vật tư, sản phẩm kém, mất phẩm chất hoặc làm hư hao, mất mát vật tư, sản phẩm.

- Phải tổ chức hệ thống sổ sách để ghi chép, theo dõi tình hình biến động vật tư, sản phẩm và hạch toán giá thành thực tế vật tư, sản phẩm được đầy đủ, chính xác.

4. Sử dụng vốn bằng tiền:

- Hợp tác xã phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng và gửi các loại vốn bằng tiền vào ngân hàng.

- Trên cơ sở kế hoạch năm về sản xuất kinh doanh, hàng quý, hợp tác xã lập và gửi đến Ngân hàng phục vụ mình kế hoạch thu chi tiền mặt, trong đó xác định rõ số tiền mặt nộp vào, số tiền mặt rút ra và số tiền mặt tồn quỹ cần thiết, sát với thực tế sản xuất kinh doanh. Khi kế hoạch đã được bàn bạc thống nhất với Ngân hàng thì cả Ngân hàng và hợp tác xã cùng có trách nhiệm thực hiệt tốt. Trường hợp mà hợp tác xã có nhu cầu rút tiền mặt vượt quá mức kế hoạch với số tiền lớn thì phải bàn với Ngân hàng trước 3 ngày.

Những thiệt hại do Ngân hàng gây ra cho hợp tác xác trong việc nộp hoặc lĩnh tiền mặt, được xử lý theo chế độ quản lý tiền mặt của Nhà nước.

- Ngân hàng phải tổ chức thu nhận, chi trả kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã trong việc nộp tiền mặt vào quỹ Ngân hàng và rút tiền mặt từ quỹ ngân hàng để chi tiêu.

- Hợp tã xã được dùng tiền mặt để chi cho các việc như trả công lao động (ngoài thóc) cho xã viên, trả công lao động và thuê mướn dịch vụ cho bên ngoài, mua vật tư sản phẩm và tư liệu sản xuất của xã viên hoặc bên ngoài, tạm ứng và thanh toán công tác phí trong nội bộ v.v...

- Hợp tác xã phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quản lý tiền mặt của Nhà nước. Hàng tháng, hợp tác xã phải tự kiểm tra tình hình thu, chi tiền mặt của mình và gửi báo cáo này cho ngân hàng và các cơ quan liên quan.

5. Sử dụng vốn xây dựng cơ bản:

Mọi khoản chi tiêu xây dựng cơ bản phải tuân theo các nguyên tắc và thủ tục quy định như có quy hoạch, kế hoạch, có thiết kế kỹ thuật, có bản vẽ thi công, có tiền lương dự toán..., bảo đảm thi công đúng quy trình kỹ thuật, đúng tiến độ, sát dự toán. Sau khi công trình hoàn thành, phải kiểm tra đánh giá chất lượng, nghiệm thu thanh quyết toán và sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Phải tập trung vốn cho những công trình trọng điểm, thiết yếu đối với sản xuất và đời sống. Đối với những công trình đầu tư cho phúc lợi tập thể, hợp tác xã phải tính toán chặt chẽ sao cho phù hợp với khả năng quỹ công ích.

6. Hạch toán giá thành sản phẩm:

Để hạch toán đầy đủ chi phí sản xuất và tính đúng giá thành sản phẩm của từng cây, con, ngành nghề hợp tác xã phải đưa mọi chi phí sản xuất, nhất là chi phí vật chất, lao động v.v... vào kế hoạch giao khoán. Hết sức tiết kiệm chi phí quản lý hành chính (chi phí hội nghị, chi tiếp khách, giao dịch v.v...); cắt bỏ các khoản chi có tính chất bao cấp tràn lan (dùng vốn của hợp tác xã chi cho những công việc của huyện, xã và các đoàn thể...); cắt giảm các khoản chi có tính chất phô trương, hình thức, không phù hợp với khả năng của hợp tác xã; tập trung mọi nguồn vốn để chi cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, hạ giá thành sản phẩm.

III. Huy động vốn

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã cần thực hiện những biện pháp chủ yếu sau:

1. Việc giải quyết công nợ.

a. Đối với nợ trong nội bộ hợp tác xã:

Hợp tác xã phải thanh toán sòng phẳng, kịp thời mọi khoản nợ phải trả và thu hồi đầy đủ, kịp thời mọi khoản nợ phải thu.

Riêng đối với sản phẩm còn đọng trong xã viên, hợp tác xã phải phân loại, xác định rõ nguyên nhân và tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có biện pháp giải quyết thích hợp.

Nếu do việc tính toán chưa hợp lý (như tính lãi các khoản xã viên nợ không đúng, hợp tác xã không cung cấp đủ lượng vật tư chi phí và không làm đủ các khâu canh tác mà vẫn không giảm sản lượng khoán, hợp tác xã giao khoán diện tích thiếu cho xã viên,v.v...) thì phải tính lại và điều chỉnh cho đúng với thực tế. Khi đã điều chỉnh đúng thực tế thì tùy từng trường hợp mà có biện pháp giải quyết thỏa đáng:

- Đối với những người cố ý dây dưa trong việc giao nộp sản phẩm thì có biện pháp kiên quyết, buộc họ phải thanh toán đầy đủ cho hợp tác xã.

- Đối với những người có khó khăn, tạm thời chưa có điều kiện trả đủ nợ thì hợp tác xã có kế hoạch thu hồi dần và thông báo cho họ biết để họ chủ động thực hiện kế hoạch ấy trong một thời gian nhất định.

- Đối với những người quá khó khăn, và thực tế đã cố gắng sản xuất, nhưng vẫn không đạt sản lượng khoán thì phải đưa ra đại hội xã viên bàn bạc và quyết định cho giảm nợ hoặc xoá nợ.

Để khắc phục tình trạng phát sinh công nợ dây dưa, hợp tác xã phải tính đúng, đủ diện tích giao khoán; phải xác định sản lượng khoán tương ứng với chi phí vật tư, lao động khoán cho xã viên; phải làm tốt những khâu canh tác thuộc trách nhiệm của hợp tác xã; phải cung cấp cho người nhận khoán đủ số lượng, đúng chất lượng và kịp thời vụ những vật tư, chi phí theo kế hoạch giao khoán; đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ người nhận khoán để họ làm tốt những khâu còn lại, bảo đảm cho mọi người lao động đều đạt được sản lượng cao trên diện tích ruộng đất họ đã nhận khoán.

Đối với những gia đình xã viên có khó khăn thì hợp tác xã phải xem xét khả năng lao động, khả năng nghề nghiệp của họ để bố trí công việc thích hợp, tạo điều kiện cho họ có thu nhập và ổn định đời sống.

b. Đối với nợ bên ngoài hợp tác xã:

Nếu hợp tác xã nợ các đơn vị hoặc cá nhân bên ngoài thì hợp tác xã phải chủ động thanh toán dứt điểm với họ các khoản nợ ấy.

Nếu các đơn vị và cá nhân bên ngoài nợ hợp tác xã thì sau khi đã xác minh, hợp tác xã phải thông báo cho chủ nợ biết mức nợ, trường hợp nợ, thời gian nợ và yêu cầu họ thanh toán cho hợp tác xã trong một thời gian nhất định. Nếu quá thời hạn đó thì họ phải trả lãi cho hợp tác xã như tiền vay quá hạn của Ngân hàng Nhà nước.

Để khắc phục việc phát sinh công nợ dây dưa trong quan hệ mua bán vật tư, sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật phải dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế. Phải sòng phẳng trong việc giao nhận sản phẩm vật tư, dịch vụ kỹ thuật và thanh toán tiền hàng theo đúng số lượng, chất lượng sản phẩm, vật tư, dịch vụ kỹ thuật đã giao nhận.

Trường hợp các đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết (không cung cấp đủ số lượng, đúng chất lượng, đúng thời gian các loại vật tư, dịch vụ; không thanh toán đủ tiền mua sản phẩm...) thì hợp tác xã được quyền nhờ Trọng tài kinh tế Nhà nước can thiệp giải quyết.

2. Huy động vốn trong nội bộ hợp tác xã:

Để có thêm vốn sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã được quyền huy động vốn nhàn rỗi của xã viên với lãi suất hợp lý (do đại hội xã viên quyết định), dưới các hình thức sau:

- Vay vốn nhàn rỗi của xã viên (cả tiền và hiện vật).

- Nhận vốn ứng trước của xã viên mua vật tư sản phẩm của hợp tác xã.

- Nhận sản phẩm từ kinh tế gia đình xã viên để gia công chế biến hoặc tiêu thụ.

- Huy động thêm vốn cổ phần của xã viên cùng sản xuất kinh doanh chia lãi.

Trong việc huy động và sử dụng vốn của xã viên, hợp tác xã cần có biện pháp linh hoạt, hình thức thích hợp, có chế độ khuyến khích thỏa đáng và bảo đảm quyền lợi của người cho vay vốn. Vốn vay phải được sử dụng vào mục đích trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh và phải được thanh toán sòng phẳng, đúng kỳ hạn.

3. Thực hiện liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế khác:

Đây là một hình thức hợp tác xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm cho các đơn vị có thêm tiền vốn và có đủ điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh và khai thác đến mức cao nhất mọi tiềm năng sẵn có của mình. Hợp tác xã có thể nhận tiền ứng trước của các đơn vị liên kết kinh tế để mua vật tư, sản phẩm phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc có thể góp cổ phần cùng các đơn vị tổ chức liên doanh một mặt hàng nào đó.

Việc liên doanh, liên kết kinh tế phải thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi. Cấp huyện là đơn vị trực tiếp quản lý hợp tác xã có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã trong việc liên doanh, liên kết kinh tế.

4. Trường hợp thiếu vốn, hợp tác xã được vay vốn Ngân hàng để sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trên nguyên tắc có vay có trả và chịu sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng trong quá trình sử dụng vốn vay đó.

Thông tư này được thi hành kể từ ngày ký. Các Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp có trách nhiệm giúp Uỷ ban Nhân dân địa phương hướng dẫn và vận dụng cho phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt Thông tư này. Quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc, các địa phương kịp thời báo cáo về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết.

 

Tải file đính kèm
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 11/08/1986
Hướng dẫn một số nội dung về quyền tự chủ tài chính trong các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp và nông - lâm nghiệp (dưới đây gọi chung là hợp tác xã)
Số kí hiệu 16-TT/LB Ngày ban hành 11/08/1986
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày có hiệu lực 11/08/1986
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Tài chính -Thuế - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Tài chính Bộ Trưởng Hồ Tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Trường
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

11/08/1986

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư liên tịch 16-TT/LB

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
11/08/1986 Văn bản được ban hành 16-TT/LB
11/08/1986 Văn bản có hiệu lực 16-TT/LB
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh