Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Ngày có hiệu lực: 06/10/1988

THÔNG TƯ

Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách nhà nước năm 1989

__________________________

 Căn cứ chỉ thị số 192/CT ngày 21/6/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1988 và xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1989, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1989 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

Thông qua công tác lập kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách Nhà nước, xây dựng và thực hiện chính sách tài chính quốc gia, tích cực bảo đảm quan hệ đúng đắn giữa tích luỹ và tiêu dùng, với cơ cấu thu chi hợp lý, tích cực chống lạm phát. Ổn định sức mua đồng tiền và đời sống của cán bộ công nhân viên chức, nhất là khu vực hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.

Trong năm 1989, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11 NQ/TW ngày 2/5/1988 về các biện pháp cấp bách chống lạm phát, kết luận số 14 NQ/TW ngày 23/5/1988 về ngân sách Nhà nước năm 1988 của Bộ Chính trị và ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị toàn ngành tài chính tháng 8/1988.

Để thực hiện được mục tiêu và phương hướng trên, việc xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1989 phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Khai thác và sử dụng tốt những khả năng tiềm tàng về lao động, đất đai, tài nguyên, máy móc, thiết bị và huy động các nguồn vốn nhàn rỗi của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân và mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn vốn nước ngoài để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, từ đó tăng tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

- Tính đúng, tính đủ số thu theo chính sách, kiên quyết chống thất thu cả trong kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và cá thể, phấn đấu nâng mức động viên thu nhập quốc dân sản xuất vào ngân sách Nhà nước từ 16% hiện nay lên 20-22% năm 1989, để đạt 26-28% vào năm 1990.

- Trong hoàn cảnh nền tài chính quốc gia đang gặp nhiều khó khăn, phải lường thu mà chi, bố trí chi vào những nhiệm vụ thiết yếu nhất và phải tiết kiệm nghiêm ngặt theo tinh thần Quyết định số 140/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng để bảo đảm tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm 1989 thấp hơn năm 1988 và tiến tới thăng bằng thu chi ngân sách Nhà nước vào những năm tiếp theo.

- Đổi mới công tác lập kế hoạch, bảo đảm cân đối giữa kế hoạch hiện vật và giá trị ngay từ cơ sở, kế hoạch thu chi ngân sách phải được tổng hợp theo đúng chương, loại, khoản, hạng, mục của Mục lục ngân sách mới.

II. VỀ DỰ TOÁN CÁC KHOẢN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1989

1. Thu từ kinh tế quốc doanh:

Kinh tế quốc doanh đóng vài trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và nắm tuyệt đại bộ phận vật tư, hàng hoá, tiền vốn của Nhà nước, phải đưa lại nguồn thu lớn nhất cho Ngân sách Nhà nước, phải tăng tỷ lệ đóng góp vào ngân sách Nhà nước so với những năm trước đây.

Căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các quyết định về giá và tỷ giá, chế độ và quy định của Nhà nước đã ban hành, đánh giá khả năng trượt giá năm 1989, số tồn đọng từng khoản của 1988 chuyển sang 1989 để tính toán các chỉ tiêu thu nộp ngân sách. Cụ thể:

a) Thu quốc doanh: Thực hiện Quyết định số 188-CT ngày 21/6/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ thu quốc doanh và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính số 29-TC/TQD ngày 9/7/1988, các cơ sở, ngành, các cấp tính toán và tổng hợp đầy đủ doanh thu tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hoá và dịch vụ (kể cả sản xuất chính, sản xuất phụ, gia công, liên doanh, liên kết, tự cân đối vật tư...) và căn cứ vào mức thu quốc doanh đã được quy định để dự kiến kế hoạch nộp thu quốc doanh.

b) Kế hoạch nộp lợi nhuận: Các Bộ, các ngành, các địa phương cần tổ chức hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính theo đúng chế độ hiện hành của Nhà nước.

Trong kế hoạch phải thể hiện được yêu cầu hạ giá thành sản phẩm và phí lưu thông; tiết kiệm vật tư, năng lượng; tăng năng suất lao động; loại khỏi giá thành và phí lưu thông các chi phí bất hợp lý, bất hợp lệ.

Kế hoạch nộp lợi nhuận được tính trên cơ sở tổng số lợi nhuận và tỷ lệ nộp ngân sách Nhà nước quy định tại Thông tư số 12 TC/CN ngày 25/3/1988 của Bộ Tài chính; đồng thời cần tính đầy đủ số lợi nhuận nộp ngân sách do điều tiết một phần quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trong trường hợp 2 quỹ này vượt quá mức tối đa (6 tháng lương) và số lợi nhuận tồn đọng của năm trước.

c) Thu chênh lệch giá: Năm 1989, Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế bán 2 giá (ổn định và kinh doanh) một số vật tư chủ yếu. Vì vậy, các Bộ, các ngành, các địa phương cần tính toán đầy đủ số chênh lệch giá theo đúng các quy định tại Thông tư số 129 UB/TH ngày 02/7/1988 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về quy định việc bán vật tư theo giá ổn định và giá kinh doanh.

d) Thu thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch:

Các tổ chức kinh tế có hàng nhập khẩu mậu dịch thuộc loại chịu thuế hàng hoá quy định tại Pháp lệnh ngày 17/11/1987 của Hội đồng Nhà nước, phải lập kế hoạch nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch theo công thức tính:

Thuế hàng hoá bằng (=) lượng hàng hoá chịu thuế nhân (x) [giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp (hoặc giá bán buôn vật tư) do cac cơ quan có thẩm quyền quy định trừ (-) chiết khấu thương nghiệp (hoặc chiết khấu vật tư)] nhân (x) thuế suất (quy định tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính số 09/TC-TQD ngày 27/2/1988).

e) Thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch:

Các đơn vị có hàng xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch ngày 29/12/1987 và Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng số 08/HĐBT ngày 30/01/1988, phải lập kế hoạch nộp thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 11 TC/CTN ngày 14 tháng 4 năm 1988.

g) Thu khấu hao cơ bản: Tính thu của các xí nghiệp thuộc đối tượng phải nộp khấu hao cơ bản quy định tại Thông tư số 78 TC/CN ngày 31/12/1987 của Bộ Tài chính.

- Cơ quan tài vụ các ngành và các Vụ tài vụ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu quốc doanh của các ngành tài chính làm tham mưu cho cơ quan chủ quản tính toán đầy đủ các khoản thu nộp ngân sách từ kinh tế quốc doanh và tổng hợp số thu theo lãnh thổ.

2. Thu thuế từ khu vực kinh tế tập thể - cá thể:

a) Về thuế nông nghiệp: Việc tính toán xây dựng kế hoạch thu thuế nông nghiệp phải trên cơ sở thực hiện triệt để Pháp lệnh của Nhà nước kiểm tra và thu hết các khoản nợ thuế trong những năm trước, xác định đầy đủ sản lượng, tính sát với giá thị trường để thu thuế cây lâu năm và thuế đất vườn, bảo đảm động viên 10% sản lượng lương thực  chịu thuế và 20-25% giá trị sản lượng cây lâu năm.

b) Về thuế công thương nghiệp: Trên cơ sở thực hiện đúng Pháp lệnh về thuế công thương nghiệp, cần rà soát lại số hộ phải quản lý và thu thuế, bám sát giá thị trường để kịp thời điều chỉnh lại doanh thu và mức thuế cho đúng, tìm các biện pháp chống thất thu, lậu thuế. Trong dự liến kế hoạch thu về thuế công thương nghiệp cần phải tách rõ từngk hoản tăng thu do trượt giá, do tăng cường quản lý về hộ, do thực hiện các biện pháp chống thất thu, do thực hiện các chế độ thu mới... Bảo đảm động viên khoảng 20-30% thu nhập quốc dân sản xuất đối với khu vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải; động viên khoảng 30-40% thu nhập quốc dân sản xuất đối với các ngành thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ.

c) Về thu thuế xuất, nhập khẩu phi mậu dịch:

Cần tính toán trên cơ sở đánh giá khả năng hàng xuất, nhập phi mậu dịch trong năm 1989, tổ chức quản lý thu sát giá thị trường.

3. Các khoản thu khác:

Cần được dự kiến một cách tích cực nhất để khai thác nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Các địa phương có nợ thóc thu mua theo hợp đồng 2 chiều cần có biện pháp tích cực để trả nợ cho Trung ương.

III. VỀ DỰ TOÁN CÁC KHOẢN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1989

1. Về chi xây dựng cơ bản: Theo chỉ thị của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, căn cứ Thông tư hướng dẫn số 02 UB/TH ngày 23/6/1988 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, yêu cầu của việc kế hoạch hoá vốn đầu tư năm 1989 là: Tất cả các công trình đầu tư bằng mọi nguồn vốn của mọi cấp đều phải tổng hợp vào danh mục đầu tư theo kế hoạch Nhà nước. Ngân sách Nhà nước chỉ cấp vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm của Nhà nước, các công trình phúc lợi công cộng và các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó các công trình trọng điểm được ưu tiên cũng phải tính toán chặt chẽ, giảm bớt khối lượng và những hạng mục chưa thật cấp bách. Các công trình quy mô nhỏ, thu hồi vốn nhanh; các hạng mục đầu tư theo chiều sâu, đồng bộ hoá sản xuất ... đang được ngân sách đầu tư sẽ chuyển dần sang chế độ vay vốn đầu tư. Ngân sách Nhà nước không cấp vốn đầu tư trong nước cho các chương trình hợp tác sản xuất hoặc làm dịch vụ với nước ngoài.

Trên tinh thần đó, các Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch khối lượng đầu tư theo từng danh mục công trình, dự kiến phần ngân sách Nhà nước cấp, phần huy động vốn tự có, phần vay Ngân hàng. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ làm việc với các Bộ, địa phương về cân đối vật tư, tiền vốn theo từng nguồn, từng công trình.

2. Về vốn lưu động:

Thực hiện Nghị quyết số 11 NQ/TW ngày 2/5/1988 của Bộ Chính trị về các biện pháp cấp bách chống lạm phát, kết luận số 14 NQ/TW ngày 23/5/1988 của Bộ Chính trị về ngân sách Nhà nước năm 1988, từ năm 1989 ngân sách Nhà nước về cơ bản không cấp vốn lưu động cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh mà chỉ có một phần vốn lưu động cho một số xí nghiệp đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Xí nghiệp, đơn vị mới đưa vào hoạt động do hoàn thành xây dựng cơ bản;

- Xí nghiệp, đơn vị mới đưa vào hoạt động từng phần theo tiến độ xây dựng cơ bản;

- Xí nghiệp mới chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang hạch toán kinh doanh phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn;

- Một số đơn vị đặc biệt đang hoạt động nhưng thiếu vốn do phải mua cao bán thấp theo chính sách của Nhà nước sẽ được xem xét từng trường hợp cụ thể.

Trên cơ sở đó, các Bộ, các ngành, các địa phương phải tổng hợp các đơn vị dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản đưa vào hoạt động và xác định vốn lưu động định mức cho từng đơn vị, dự kiến số ngân sách cấp để lập dự toán ngân sách năm 1989.

3. Về bù lỗ xuất khẩu:

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW (2/5/1988) và kết luận số 14 NQ/TW (23/5/1988) của Bộ Chính trị và chỉ thị số 182-CT (14/6/1988) của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức và cơ chế xuất nhập khẩu, các ngành, các cấp cần chuyển hoạt động xuất, nhập khẩu sang kinh doanh không lỗ theo hướng gắn xuất với nhập, bỏ các khâu trung gian; rà soát lại các mặt hàng xuất nhập khẩu, không xuất những mặt hàng có tỷ giá xuất quá cao mà không nằm trong hiệp định đã ký giữa 2 Chính phủ; bảo đảm đủ và quản lý chặt chẽ qũy vật tư hàng hoá cho hợp đồng mua hàng xuất khẩu, chống việc tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao ... Trên cơ sở tỷ giá kết toán nội bộ Nhà nước ban hành, phải thực hiện tốt chế độ thu bù trong hoạt động xuất nhập khẩu sao cho xuất nhập khẩu không lỗ, ngân sách Nhà nước không bù lỗ xuất khẩu như cơ chế hiện nay.

4. Chi về các sự nghiệp:

Dự toán chi sự nghiệp phải quán triệt tinh thần chống bao cấp, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Cần phân loại để chuyển đại bộ phận hoạt động sự nghiệp sang hạch toán kinh tế, trong đó có bộ phận gán thu, bù chi; có bộ phận có thể thu để tự giải quyết chi tiêu, thậm chí nộp thêm cho ngân sách; còn lại ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ phần chi lương và phụ cấp lương.

Trong tính toán kế hoạch, cần ghi rõ các yếu tố:

- Những đơn vị sự nghiệp chuyển sang hạch toán kinh tế,

- Những đơn vị gán thu bù chi, giảm cấp phát của ngân sách, nhất là các ngành khoa học ứng dụng, y tế, văn hoá, giáo dục ....

- Chuyển dần hình thức đào tạo bao cấp của ngân sách sang hợp đồng đào tạo dưới mọi hình thức; Nhà nước chỉ cấp phát kinh phí đào tạo theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

5. Chi phí quản lý hành chính:

Việc xây dựng dự toán chi hành chính phải gắn với nhiệm vụ sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý hành chính, tinh giản biên chế. Thực hiện tiết kiệm triệt để theo quyết định số 140-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Hoãn chi mua sắm, hạn chế chi hội nghị, tiếp tân, khánh tiết..., cắt bỏ các khoản chi có tính chất phô trương hình thức, lãng phí.

Khi tính toán các khoản chi về hàng hoá cho năm 1989, có thể căn cứ vào mức chi quý IV/1988 (sau khi đã loại bỏ các yếu tố bất hợp lý và trừ phần tiết kiệm) và tính toán với mức trượt giá bình quân khoảng 3-5% tháng.

6. Chi bù giá hàng định lượng.

Năm 1989 vẫn tiếp tục thực hiện bù giá hàng bán theo định lượng với giá ổn định cho công nhân viên chức và lực lượng vũ trang.

Cơ sở tính toán:

- Tiêu chuẩn định lượng và đối tượng được hưởng theo quy định tại các quyết định số 122-HĐBT ngày 4/10/1986 và 209a-HĐBT ngày 18/11/1987, công văn 156-NT/CS ngày 22/9/1987 của Bộ Nội thương.

- Đơn giá bù và mức bù cho các đối tượng hưởng tính theo mức giá đã được Bộ Tài chính duyệt cho các địa phương ở thời điểm quý IV/1988, cộng thêm dự kiến trượt giá cho năm 1989 (khoảng 3-5% một tháng).

- Riêng lương thực: Năm 1989 Nhà nước thực hiện bán một giá đảm bảo kinh doanh không bù lỗ, ngân sách Nhà nước thực hiện bù giá vào lương cho khu vực hành chính sự nghiệp và các đối tượng chính sách.

IV. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Trong tháng 10 năm 1988, các Bộ, các ngành và địa phương cần hướng dẫn, chỉ đạo chặt chẽ, đôn đốc các đơn vị cơ sở và các huyện, quận xây dựng và bảo vệ kế hoạch tài chính và dự toán thu, chi ngân sách đồng thời với việc xây dựng và bảo vệ kế hoạch kinh tế - xã hội. Cơ quan tài chính các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổng hợp (Uỷ ban KHNN, VGNN) và các ngành chủ quản để có biện pháp giúp đỡ các đơn vị cơ sở quán triệt những đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế - tài chính trong tính toán kế hoạch, bàn bạc thống nhất những biện pháp đảm bảo các mặt cân đối ngay từ đơn vị cơ sở.

- Cuối tháng 10/1988 các Bộ và các địa phương tổng hợp kế hoạch tài chính và thu chi ngân sách theo hệ thống biểu mẫu kế hoạch (đính kèm) gửi Bộ Tài chính (hồ sơ kế hoạch phải bao gồm đầy đủ thuyết minh cơ sở tính toán).

- Tháng 11/1988 các Bộ và các tỉnh bảo vệ kế hoạch tại Bộ Tài chính (Lịch cụ thể kèm theo).

Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương căn cứ vào nội dung và tiến độ trên để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng, tổ chức bảo vệ kế hoạch tài chính, dự toán thu chi ngân sách năm 1989.

Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Ngày có hiệu lực: 06/10/1988
Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1989
Số kí hiệu 40 TC/NSNN Ngày ban hành 06/10/1988
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 06/10/1988
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Tài chính -Thuế - Ngân hàng Lĩnh vực Kinh tế, Xã hội
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Tài chính Bộ Trưởng Hoàng Quy
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Hiệu lực:

Hết hiệu lực toàn bộ

Ngày có hiệu lực:

06/10/1988

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 40 TC/NSNN

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
06/10/1988 Văn bản được ban hành 40 TC/NSNN
06/10/1988 Văn bản có hiệu lực 40 TC/NSNN
01/01/1999 Văn bản hết hiệu lực 40 TC/NSNN
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh