Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 10/02/1983

 

 

 

Thông tư

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 34/NH-TT
NGÀY 10 THÁNG 2 NĂM 1983 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH
SỐ 151/HĐBT NGÀY 31-8-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC
CÁC GIA ĐÌNH CÓ THÂN NHÂN ĐỊNH CƯ Ở CÁC NƯỚC NGOÀI
HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NHẬN TIỀN, NHẬN HÀNG DO
THÂN NHÂN CỦA HỌ GỬI VỀ

 

I. CHỦ TRƯƠNG CỦA NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC GỬI TIỀN VÀ
NHẬN TIỀN TỪ NƯỚC NGOÀI CHUYỂN VỀ

Xét nguyện vọng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và gia đình của họ ở trong nước, Nhà nước ta cho phép các gia đình có thân nhân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa (sau đây gọi tắt là nước ngoài) được nhận tiền của họ gửi về.

Mục đích của việc cho gửi và nhận tiền là để góp phần xây dựng đất nước; góp vốn cùng Nhà nước hoặc các tổ chức tập thể sản xuất theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ gia đình được nhận tiền duy trì cuộc sống bình thường.

Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi tiền về không hạn chế và hướng vào việc sử dụng có lợi cho đất nước, đồng thời giúp đỡ các gia đình được nhận tiền của thân nhân họ gửi về vừa phù hợp với luật lệ ngoại hối hiện hành ở nước sở tại cũng như của nước ta, vừa thích hợp với mức tiêu dùng trong sinh hoạt, tránh tình trạng để họ lợi dụng việc nhận tiền làm phương tiện đầu cơ, gây rối loạn thị trường, trật tự an ninh quốc gia.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở CÁC NƯỚC NGOÀI HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CHUYỂN NGOẠI TỆ VỀ NƯỚC

Theo quyết định số 151-HĐBT ngày 31-8-1982 của Hội đồng bộ trưởng và quyết định số 32-CP ngày 31-1-1980, số 291-CP ngày 4-7-1981 của Hội đồng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định:

Người Việt Nam hiện đang làm ăn sinh sống ơ nước ngoài có các loại ngoại tệ tư bản chuyển đổi: đô la Mỹ, bảng Anh, phơ răng Pháp, phơ răng Thuỵ Sỹ, yên Nhật, đô la Hồng Kông, đô la Canađa, mác Tây Đức chuyển về, bán cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, được hưởng chính sách ưu đãi như sau:

1. Nếu bán ngoại tệ lấy đồng Việt Nam để chi tiêu hoặc chuyển cho gia đình ở trong nước được hưởng theo tỷ giá chính thức hiện hành do Ngân hàng Nhà nước công bố cộng với tỷ lệ tiền thưởng thích hợp.

Các loại ngoại tệ trên đây và tỷ lệ tiền thưởng do tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

2. Nếu gửi vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam các cấp mua theo tỷ giá có thưởng quy định ở điểm 1 và được hưởng lãi suất hiện hành. (Mức khuyến khích cộng thêm năm mươi phần trăm (50%) vào lãi suất tiết kiệm quy định tại thông tư số 114-NH/TT ngày 1-12-1981 chỉ có hiệu lực đến ngày 30-9-1982).

Người gửi tiết kiệm có thể rút dần vốn và lãi để chi dùng hoặc chuyển cho người thụ hưởng trong nước, nhưng không được chuyển ra nước ngoài.

3. Nếu ký gửi bằng ngoại tệ tại ngân hàng các cấp, được mở tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ theo chế độ mở tài khoản của người không cư trú. Người gửi được miễn lệ phí mở tài khoản, được hưởng lãi suất bằng ngoại tệ do ngân hàng công bố và được phép chuyển cả vốn lẫn lãi ra nước ngoài hoặc có thể chuyển cả vốn lẫn lãi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá có thưởng quy định ở điểm 1, mục II để chuyển cho người thụ hưởng ở trong nước.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước ngoài được mua hoặc thuê các căn hộ trả bằng ngoại tệ cho bản thân hoặc người thân trong nước; góp vốn cùng với các tổ chức trong nước sản xuất, kinh doanh (có văn bản hướng dẫn riêng).

 

III. QUY ĐỊNH VỀ NHẬN VÀ GỬI TIỀN ĐỐI VỚI NGƯỜI
TRONG NƯỚC

1. Phù hợp với thời gian ấn định tại thông tư số 370-CT ngày 31-12-1982 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, kể từ ngày 15 tháng 3 năm 1983 trở đi ngân hàng trả tiền cho người Việt Nam cư trú trong nước có tiền của thân nhân định cư ở nước ngoài chuyển về khi họ xuất trình SỔ NHẬN TIỀN (từ nước ngoài chuyển về) hoặc đơn xin nhận tiền, được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh) cấp.

Căn cứ vào số nhân khẩu ghi trong SỔ NHẬN TIỀN hoặc đơn xin nhận tiền và số tiền thực tế trong chuyển tiền phải trả về kiều hối của hệ thống Ngân hàng Ngoại thương chuyển đến ngân hàng cơ sở được phép trả cho người có sổ hoặc đơn xin nhận tiền bình quân mỗi người trong hộ mỗi quý (quy theo lịch) không quá 6000 đồng đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không quá 4500 đồng đối với các tỉnh, thành phố khác để chi dùng cho sinh hoạt gia đình.

Riêng tháng 3 năm 1983 hạn mức trả tiền được tính theo cả quý.

Trường hợp nhiều người có tên trong cùng một SỔ NHẬN TIỀN hoặc đơn xin nhận tiền, có tiền từ nước ngoài chuyển về, ngân hàng cơ sở cũng chỉ trả theo hạn mức cho từng người nói trên.

Nếu trong một lần số tiền nhận của người có sổ hoặc đơn chưa đạt tới hạn mức trong quý thì được phép tiếp tục nhận cho đến khi tổng số tiền của nhiều lần trong quý bằng hạn mức quy định.

Trong mỗi quý, nếu tổng số tiền ghi trên các giấy chuyển tiền vượt hạn mức được trả dưới 1000 đồng Việt Nam tính chung cho cả hộ nhận tiền, Ngân hàng được phép trả luôn; nếu số tiền còn lại vượt hạn mức được trả tính chung cho cả hộ từ 1000 đồng trở lên thì Ngân hàng cơ sở phải chuyển qua tài khoản tiền gửi.

Khi hộ nhận tiền đã có tài khoản tại ngân hàng (còn số dư), ngân hàng căn cứ hạn mức hàng quý và số tiền chuyển về để chi trả, số vượt hạn mức được chuyển qua tài khoản tiền gửi.

Tài khoản này gọi là tài khoản Tiền gửi từ nước ngoài chuyển về mang số 656, mở tại ngân hàng trả tiền. Số dư trên tài khoản này được hưởng lãi suất sáu phần trăm (6%) năm. Phần lãi được rút ra không hạn chế.

2. Đối với những khoản tiền vượt hạn mức được trả trong quý từ 50000 đồng Việt Nam trở lên, nếu người nhận không muốn chuyển qua tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam thì được phép mở tài khoản bằng ngoại tệ tại ngân hàng thị xã hoặc ngân hàng quận, đối với các địa phương không có Ngân hàng Ngoại thương được hưởng lãi bằng ngoại tệ, được rút vốn và lãi ra bằng đồng Việt Nam theo hạn mức quy định, nhưng không được chuyển ra nước ngoài.

3. Trường hợp người gửi có nhu cầu đột xuất cần lĩnh tiền để chi dùng khi ốm đau, ma chay, cưới xin, sửa chữa hoặc mua nhà...thì phải xuất trình cho ngân hàng trả tiền giấy chứng nhận của cơ quan công tác hoặc chính quyền phường, xã. Ngân hàng trả tiền sẽ căn cứ vào số dư thực tế bằng đồng Việt Nam trên tài khoản Tiền gửi từ nước ngoài chuyển về để giải quyết cho người gửi được lĩnh tiền chi dùng cho nhu cầu đó. Trưởng ngân hàng quận, huyện được phép cho rút ra mỗi lần không quá 10000 đồng và không quá hai lần trong một năm. Vượt mức và vượt số lần trên do giám đốc ngân hàng Nhà nước tỉnh quyết định.

4. Nếu người gửi muốn rút tiền ra để xây dựng đất nước, góp vốn cùng Nhà nước sản xuất kinh doanh hoặc hùn vốn với những người khác thành lập hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì không hạn chế mức. Người gửi cần xuất trình cho ngân hàng trả tiền những giấy tờ cần thiết (quyết định của chính quyền phường, xã, giấy phép đăng ký kinh doanh, số hiệu tài khoản tiền gửi của tổ chức nhận vốn) chứng minh cho việc tham gia vào các tổ chức trên là đúng. Ngân hàng giữ tài khoản sẽ chuyển vốn cho tổ chức tiếp nhận nguồn vốn đó, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương biết.

5. Mỗi lần chi trả tiền cho người có sổ hoặc đơn xin nhận tiền, ngân hàng cơ sở phải ghi vào sổ nhận tiền theo những nội dung đã được quy định trong sổ nhận tiền. Trong phần diễn giải cần ghi rõ từng chuyến tiền, số tiền đã trả theo định mức cho sinh hoạt, nhu cầu đột xuất hoặc cho sản xuất, số tiền chưa được nhận còn ký gửi ở ngân hàng. Trưởng kế toán ngân hàng cơ sở phải kiểm soát và ký vào cột quy định trong sổ nhận tiền hoặc sổ theo dõi.

6. Đối với các trí thức, nhân sĩ là Việt kiều theo danh sách do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh gửi cho ngân hàng thì việc nhận tiền không hạn chế mức.

 

IV. THỦ TỤC LẬP VÀ CẤP SỔ NHẬN TIỀN

Căn cứ thông tư số 370-CT ngày 31-12-1982 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và thông tư liên bộ Ngoại thương - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 9-TTLB/NgT/NH ngày 31-1-1983:

1. Kể từ ngày 15 tháng 3 năm 1983 sau khi nhận được danh sách và giấy phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp cho các hộ gia đình được nhận tiền thường xuyên của thân nhân định cư ở nước ngoài chuyển đến, Ngân hàng Nhà nước tỉnh phân loại theo từng quận, huyện, rồi chuyển toàn bộ danh sách, giấy phép kèm theo sổ nhận tiền về ngân hàng quận, huyện, thị (gọi tắt là ngân hàng cơ sở) để ngân hàng cơ sở lập sổ và cấp sổ cho các hộ gia đình. SỔ NHẬN TIỀN (từ nước ngoài chuyển về) do ngân hàng cấp được xem như giấy phép thường xuyên để nhận tiền tại ngân hàng.

2. Khi lập SỔ NHẬN TIỀN, ngân hàng cơ sở cần làm đầy đủ các thủ tục sau:

Ghi số sổ, họ và tên, địa chỉ của người được cấp sổ, các người trong hộ và thân nhân ở nước ngoài, số giấy phép và ngày, tháng, năm của cơ quan cấp giấy phép, ngày, tháng, năm, dấu và chữ ký của ngân hàng cấp sổ.

Các yếu tố ghi trong SỔ NHẬN TIỀN phải phù hợp với giấy phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Phải bảo quản vào hồ sơ riêng các SỔ NHẬN TIỀN, giấy phép và đơn xin phép của các hộ để theo dõi và sử dụng khi khách hàng đến nhận sổ hoặc điều chỉnh sau này.

3. Lập giấy báo mời các hộ (người có tên trong giấy phép) đến nhận SỔ NHẬN TIỀN.

Khi khách hàng đến nhận SỔ NHẬN TIỀN, ngân hàng cơ sở phải kiểm soát và đối chiếu họ tên, địa chỉ, danh sách người trong gia đình ghi trong giấy phép với sổ hộ tịch (nếu ở thành phố) hoặc giấy chứng nhận của chính quyền xã (nếu ở nông thôn) và giấy chứng minh nhân dân của người nhận sổ.

Nếu người được cấp giấy phép không thể đến nhận SỔ NHẬN TIỀN mà uỷ nhiệm cho người khác nhận thay, thì người đó dù có tên trong SỔ NHẬN TIỀN hay không đều phải có giấy uỷ nhiệm của người được cấp giấy phép, có xác nhận của chính quyền phường, xã.

Khi đối chiếu danh sách người trong hộ ghi trong giấy phép với sổ hộ tịch hoặc giấy chứng nhận của chính quyền phường, xã, nếu có những điểm nào không khớp thì ngân hàng chưa cấp SỔ NHẬN TIỀN và yêu cầu khách hàng lấy xác nhận của cơ quan cấp giấy phép.

Khi nhận sổ, khách hàng phải ký nhận vào sổ theo dõi của ngân hàng và nộp lệ phí là 50 đồng.

 

V. CÁCH GIẢI QUYẾT ĐỐI VỚI CÁC CHUYỂN TIỀN MUA HÀNG VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN THU ĐỔI NGOẠI TỆ

1. Chủ trương tăng mức tiền thưởng đối với các khoản ngoại tệ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển về nhằm để cho người nhận tiền dùng số tiền Việt Nam mua sắm hàng hoá trên thị trường. Nhà nước không tổ chức cửa hàng đặc biệt bán theo giá ưu đãi nữa. Vì vậy kể từ ngày 1 tháng 3 năm 1983 đình chỉ việc cấp giấy chứng nhận thu đổi ngoại tệ tại các cơ sở ngân hàng ngoại thương Việt Nam. Mọi chuyển tiền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển về nước để mua hàng cho gia đình ở trong nước, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam các cấp chỉ được tính đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá có thưởng quy định ở điểm 1, phần II của thông tư này để trả cho người nhận theo hạn mức được nhận hàng quý quy định ở phần III thông tư này.

2. Đối với những người đã được Ngân hàng ngoại thương cấp giấy chứng nhận thu đổi ngoại tệ trước ngày 1 tháng 3 năm 1983 còn giá trị được tiếp tục mua hàng đến hết ngày 15 tháng 3 năm 1983. Sau ngày 15 tháng 3 năm 1983 người còn giấy chứng nhận thu đổi ngoại tệ còn giá trị thì đem đến ngân hàng trước đây đã trả tiền để nhờ thu hộ khoản chênh lệch giữa tỷ giá có thưởng mới và cũ, hoặc đến ngân hàng được giao trách nhiệm xác nhận giấy chứng nhận thu đổi ngoại tệ để nhận khoản chênh lệch trên.

VI. TỔ CHỨC THI HÀNH

Giám đốc Ngân hàng ngoại thương trung ương tổ chức phổ biến các quyết định thông tư của Hội đồng bộ trưởng và thông tư này cho các giám đốc ngân hàng Nhà nước và ngân hàng ngoại thương trong toàn quốc và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ở các ngân hàng cơ sở, báo cáo kịp thời lên tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước về những sai sót, lệch lạc cần uốn nắn bổ khuyết.

Vụ trưởng vụ kế toán và quản lý quỹ ngân sách Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể chế độ hạch toán đến kế toán trưởng toàn ngành.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng giám đốc ngân hàng ngoại thương cơ sở tranh thủ sự lãnh đạo của chính quyền các cấp phổ biến và chỉ đạo thực hiện thông tư này. Tại các thành phố lớn và các tỉnh trọng điểm ở miền Nam cần tổ chức phổ biến đến các quận, huyện, phường, xã và nhân dân các địa phương thường nhận kiều hối.

Trưởng ngân hàng cơ sở cần tổ chức học tập kỹ thông tư này, bố trí cán bộ có năng lực bảo đảm tốt công tác kiều hối. Việc chi trả kiều hối phải thực hiện đúng chế độ, phải giải quyết nhanh chóng không để tình trạng chậm trễ ảnh hưởng không tốt đến chính sách. Mọi trường hợp thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho nhân dân hoặc lợi dụng của cán bộ, nhân viên ngân hàng trong việc trả tiền cho người nhận đều bị xử lý nghiêm minh.

Khoản tiền chênh lệch giữa tỷ giá kết toán nội bộ và tỷ giá có thưởng phát sinh kể từ ngày 1-3-1983 trở đi phải được hạch toán vào tài khoản riêng để thanh toán với ngân sách Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện thông tư này, nếu có khó khăn trở ngại, đề nghị các ngành và các đơn vị phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trung ương để kịp thời giải quyết.

 

Tải file đính kèm
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 10/02/1983
Hướng dẫn thi hành Quyết định số 151-HĐBT ngày 31/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc các gia đình có thân nhân định cư ở các nước ngoài hệ thống XHCN nhận tiền, nhận hàng do thân nhân họ gửi về
Số kí hiệu 34/NH-TT Ngày ban hành 10/02/1983
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 10/02/1983
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Tài chính -Thuế - Ngân hàng Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Ngân hàng nhà nước Chưa xác định Lê Hoàng
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

10/02/1983

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 34/NH-TT

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
10/02/1983 Văn bản được ban hành 34/NH-TT
10/02/1983 Văn bản có hiệu lực 34/NH-TT
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh