Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 15/07/2020

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong thực hiện các hoạt động sau đây theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự:

1. Quản lý, giải quyết vụ việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sau đây viết tắt là vụ việc tạm đình chỉ);

2. Quản lý, giải quyết vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án (sau đây viết tắt là vụ án tạm đình chỉ);

3. Quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ;

4. Áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ;

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan điều tra các cấp của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Cơ quan điều tra).

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Viện kiểm sát nhân dân, Việt kiểm sát quân sự các cấp (sau đây viết tắt là Viện kiểm sát).

4. Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp (sau đây viết tắt là Tòa án).

5. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp.

6. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Quản lý vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

Quản lý vụ án, vụ việc tạm đình chỉ gồm các hoạt động sau đây:

1. Lập hồ sơ, giao nhận hồ sơ, lưu trữ, bảo quản, bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án, vụ việc tạm đình chỉ;

2. Kiểm tra, báo cáo, thống kê tình hình, kết quả xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Điều 4. Nguyên tắc phối hợp

1. Bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

2. Được thực hiện thường xuyên, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

3. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi ngành.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 5. Quản lý, giải quyết vụ việc tạm đình chỉ

1. Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (sau đây gọi chung là cơ quan có thẩm quyền điều tra), Viện kiểm sát thực hiện việc tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo các căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 147, 148 và 149 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 9 và Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Khi có một trong các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra và Kiểm sát viên phối hợp rà soát tài liệu, chứng cứ, bảo đảm việc tạm đình chỉ giải quyết vụ việc có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; việc phối hợp rà soát, đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên phải được lập biên bản, lưu hồ sơ vụ việc, hồ sơ kiểm sát. Trường hợp không thống nhất được thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phối hợp với Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát tổ chức họp hoặc trao đổi bằng văn bản để giải quyết những vấn đề chưa thống nhất.

3. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc được thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

4. Cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát có trách nhiệm phân công đầu mối theo dõi, quản lý hồ sơ vụ việc tạm đình chỉ; định kỳ (hàng tháng, 06 tháng, 01 năm) phối hợp rà soát các vụ việc tạm đình chỉ để đôn đốc phục hồi giải quyết khi không còn lý do tạm đình chỉ.

5. Khi vụ việc tạm đình chỉ thì cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ.

Đối với những vụ việc tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này căn cứ vào nội dung tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về loại tội theo khoản của điều luật trong Bộ luật Hình sự đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, xác minh làm rõ; trường hợp không làm rõ được khoản nào của điều luật thì việc xác định thời hiệu căn cứ vào khung hình phạt trong cấu thành cơ bản của điều luật đó.

6. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tạm dừng giải quyết trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền điều tra chủ động trao đổi, thống nhất bằng văn bản với Viện kiểm sát rà soát, phân loại và xử lý như sau:

a) Đối với những vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

b) Đối với những vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Điều 6. Tạm đình chỉ điều tra

1. Việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát về tạm đình chỉ điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 32 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp tạm đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định tạm đình chỉ khi Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần hoặc khi cơ quan có thẩm quyền kết luận tình trạng bệnh hiểm nghèo của bị can.

3. Khi có căn cứ tạm đình chỉ điều tra quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp cần phối hợp về việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ; việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (nếu có) và biện pháp giải quyết lý do tạm đình chỉ thì chậm nhất 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.

4. Trường hợp tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can theo quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện như sau:

a) Ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can;

b) Lập hồ sơ tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can; hồ sơ gồm các quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có liên quan đến bị can tạm đình chỉ. Quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ phải là bản gốc hoặc bản sao y bản chính. Việc sao y thực hiện theo quy định của các bộ, ngành có liên quan.

5. Quyết định tạm đình chỉ điều tra được thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Việc gửi, thông báo quyết định tạm đình chỉ điều tra thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp vụ án do Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố sau đó chuyển cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền, thì khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

6. Việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án tạm đình chỉ điều tra thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch này và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

7. Khi vụ án tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ.

Điều 7. Phục hồi, đình chỉ điều tra đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn điều tra

Định kỳ (hằng tháng, 06 tháng, 01 năm) cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát phối hợp rà soát, đối chiếu, phân loại các vụ án tạm đình chỉ điều tra và tùy từng trường hợp xử lý như sau:

1. Đối với vụ án có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra và vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định phục hồi điều tra được thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

2. Đối với vụ án tạm đình chỉ điều tra nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định đình chỉ điều tra mà không phải tra quyết định phục hồi điều tra;

3. Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này căn cứ vào quy định tại Điều 27, Điều 38 Bộ luật Hình sự và phân loại tội theo khoản, điều của Bộ luật Hình sự ghi trong quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can. Trường hợp quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can chỉ ghi điều luật, không ghi khoản và quá trình điều tra chưa chứng minh làm rõ được hành vi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật đó thì việc xác định thời hiệu căn cứ vào khung hình phạt trong cấu thành cơ bản của điều luật đó;

4. Đối với vụ án đang tạm đình chỉ điều tra có một trong các căn cứ đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 32/1999/NQ-QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 32/1999), Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 33/2009), Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc hình hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 41/2017) mà còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định các căn cứ đình chỉ ra kết luật điều tra và ra quyết định đình chỉ điều tra;

5. Việc giao, gửi, thông báo quyết định đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 232 và khoản 2 Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp vụ án do Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố sau đó chuyển cho Cơ quan điều tra để điều tra theo thẩm quyền thì khi Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, quyết định đình chỉ điều tra phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Chậm nhất 02 ngày kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra gửi quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát để kiểm sát theo quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 8. Tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố

1. Trường hợp có căn cứ tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án cùng với quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần hoặc khi cơ quan có thẩm quyền kết luật tình trạng bệnh hiểm nghèo của bị can.

2. Trường hợp có căn cứ tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trước khi hết thời hạn quyết định việc truy tố, Viện kiểm sát xem xét việc quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố.

3. Trường hợp quyết định tạm đình chỉ vụ án theo khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Viện kiểm sát phải xem xét quyết định việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ; việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (nếu có) và việc đôn đốc khắc phục lý do tạm đình chỉ.

4. Trước khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, Viện kiểm sát phải xem xét, đánh giá toàn bộ chứng cứ để quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can. Trường hợp Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can theo quy định tại khoản 2 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự thực hiện như sau:

a) Ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can;

b) Lập hồ sơ vụ án tạm đình chỉ ở giai đoạn truy tố đối với từng bị can; hồ sơ gồm các quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có liên quan đến bị can tạm đình chỉ. Quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ phải là bản gốc hoặc bản sao y bản chính. Việc sao y thực hiện theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Quyết định tạm đình chỉ vụ án thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự và theo mẫu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

Việc giao, gửi, thông báo quyết định tạm đình chỉ vụ án thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự.

6. Việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án tạm đình chỉ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch này và quy định của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao.

7. Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, Viện kiểm sát chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ.

8. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án do bị can bỏ trốn thì sau khi truy nã bắt được bị can, Cơ quan điều tra thụ lý vụ án kịp thời thông báo cho Viện kiểm sát để xem xét phục hồi vụ án.

Điều 9. Phục hồi, đình chỉ đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn truy tố

1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án và vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Đối với vụ án tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát ra ngay quyết định đình chỉ vụ án mà không phải ra quyết định phục hồi vụ án.

3. Đối với vụ án đang tạm đình chỉ mà có một trong các căn cứ đình chỉ quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 32/1999, Nghị quyết số 33/2009, Nghị quyết số 41/2017 mà còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát phải ra quyết định phục hồi vụ án, tiến hành ngay các hoạt động tố tụng để điều tra, xác minh các căn cứ đình chỉ và ra quyết định đình chỉ vụ án.

4. Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch này. Trường hợp kết luật điều tra xác định bị can phạm tội thuộc khoản của điều luật trong Bộ luật Hình sự khác với khoản của điều luật ghi trong quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can thì việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào khoản của điều luật ghi trong kết luận điều tra.

5. Việc giao, gửi, thông báo quyết định phục hồi vụ án, quyết định đình chỉ vụ án thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 và khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 10. Tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử

1. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự mà phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ cùng với quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trường hợp tại phiên tòa, việc tạm đình chỉ vụ án do Hội đồng xét xử quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 290, khoản 4 và điểm d khoản 6 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trước khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án xem xét quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

3. Khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án theo khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án phải xem xét quyết định việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ; việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (nếu có) và việc đôn đốc khắc phục lý do tạm đình chỉ.

4. Trước khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, Tòa án phải xem xét, đánh giá toàn bộ chứng cứ để quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Tòa án thực hiện như sau:

a) Ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo;

b) Lập hồ sơ vụ án tạm đình chỉ ở giai đoạn xét xử đối với từng bị can, bị cáo; hồ sơ gồm các quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo tạm đình chỉ. Quyết định tố tụng, tài liệu,chứng cứ phải là bản gốc hoặc bản sao y bản chính. Việc sao y thực hiện theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao.

5. Việc giao, gửi quyết định tạm đình chỉ vụ án thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự.

6. Việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án tạm đình chỉ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch này và quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

7. Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, Tòa án chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ.

8. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án do bị can, bị cáo bỏ trốn thì sau khi truy nã bắt được bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra đã thụ lý vụ án kịp thời thông báo cho Tòa án để Tòa án xem xét phục hồi vụ án.

Điều 11. Phục hồi, đình chỉ đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn xét xử

1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án và vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 283 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Đối với vụ án tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Tòa án ra ngay quyết định đình chỉ vụ án mà không phải ra quyết định phục hồi vụ án.

3. Đối với vụ án đang tạm đình chỉ mà có một trong các căn cứ đình chỉ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự (trừ trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự), Nghị quyết số 32/1999, Nghị quyết số 33/2009, Nghị quyết số 41/2017 mà còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án phải ra quyết định phục hồi vụ án, tiến hành ngày các hoạt động tố tụng để xác minh các căn cứ đình chỉ, ra quyết định đình chỉ vụ án.

4. Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch này. Trường hợp Cáo trạng truy tố bị can phạm tội thuộc khoản, điều của Bộ luật Hình sự khác với khoản, điều ghi trong quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can thì việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo khoản, điều của Bộ luật Hình sự ghi trong Cáo trạng.

Điều 12. Áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

1. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án, vụ việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, quyết định hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng.

2. Khi quyết định tạm đình chỉ vụ án, vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thống nhất bằng văn bản xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc.

Điều 13. Quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

1. Việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 và khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ có tính chất phức tạp thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi, thống nhất bằng văn bản biện pháp xử lý trước khi ra quyết định xử lý.

2. Quyết định xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ được gửi ngay cho cơ quan quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ, người có liên quan để thực hiện. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án, vụ việc nhưng không xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ thì cơ quan ra quyết định thông báo cho cơ quan quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ để tiếp tục bảo quản. Trong quá trình quản lý, nếu phát hiện vật chứng, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, biến chất hoặc có thể gây mất an toàn thì cơ quan, người quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ kịp thời thông báo cho cơ quan ra quyết định tạm đình chỉ để có biện pháp xử lý.

Điều 14. Lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

1. Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp trong việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc tạm đình chỉ như sau:

a) Phân công đầu mối theo dõi, thường xuyên trao đổi các vấn đề phát sinh liên quan đến vụ án, vụ việc tạm đình chỉ;

b) Thống kê đầy đủ, chính xác số lượng vụ án, vụ việc tạm đình chỉ phát sinh trong tuần, tháng; tổng số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ do cơ quan mình theo dõi;

c) Theo dõi, quản lý chặt chẽ hồ sơ vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của mỗi vụ án; việc bổ sung tài liệu, chứng cứ vào hồ sơ vụ án, vụ việc (nếu có); việc khắc phục lý do tạm đình chỉ; kịp thời ra các quyết định giải quyết vụ án, vụ việc khi đủ điều kiện.

2. Định kỳ (hằng tháng, 06 tháng, 01 năm), Viện kiểm sát chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng rà soát, đối chiếu, phân loại, thống nhất xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ như sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền điều tra phối hợp với Viện kiểm sát đưa ra khỏi danh sách vụ việc tạm đình chỉ đối với những vụ việc đã có quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan có thẩm quyền điều tra phối hợp với Viện kiểm sát đưa ra khỏi danh sách vụ án tạm đình chỉ điều tra đối với những trường hợp đã có quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định phục hồi điều tra;

c) Viện kiểm sát, Tòa án chủ động đưa ra khỏi danh sách vụ án tạm đình chỉ đối với những trường hợp đã có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định phục hồi vụ án.

Điều 15. Chế độ thông tin, thống kê, báo cáo

1. Trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án kịp thời thống nhất quan điểm, biện pháp xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; trường hợp không thống nhất thì cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp trên trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

2. Định kỳ (hằng tháng, 06 tháng, 01 năm) Viện kiểm sát chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, Tòa án tổ chức rà soát, phân loại vụ án, vụ việc tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý để xây dựng báo cáo thống kê. Báo cáo thống kê vụ án, vụ việc tạm đình chỉ của liên ngành gồm các nội dung: số liệu thống kê kèm theo phân tích, đánh giá chi tiết, phân loại và xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

3. Việc thống kê số vụ án đình chỉ vì lý do vụ án đang tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, số vụ không khởi tố vụ án hình sự do vụ việc đang tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được lập thành một mục riêng trong báo cáo thống kê chung.

4. Việc lập, đối chiếu, gửi báo cáo thống kê vụ án, vụ việc tạm đình chỉ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 12/11/2018 của Việc kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện thống kê hình sự.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2020.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Kể từ ngày ký Thông tư liên tịch này, các cơ quan nêu tại khoản 1 Điều này phải rà soát các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý của mình; khi Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành thì ra quyết định đình chỉ đối với vụ án tạm đình chỉ, quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với những trường hợp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ bị thiếu hoặc hư hỏng thì phải kịp thời khắc phục, hoàn thiện hồ sơ để xem xét giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch này.

Điều 18. Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch

Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc, hoặc phát sinh những vấn đề cần phải bổ sung thì kịp thời phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
(Đã ký)
Nguyễn Trí Tuệ

 

KT. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
(Đã ký)
Nguyễn Huy Tiến

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Thượng tướng Lê Quý Vương

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Thượng tướng Lê Chiêm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Hà Công Tuấn

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)

Vũ Thị Mai

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Đặng Hoàng Oanh

Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 15/07/2020
Quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ
Số kí hiệu 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP Ngày ban hành 01/06/2020
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày có hiệu lực 15/07/2020
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Lĩnh vực khác Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Tòa án Nhân dân tối cao Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ VIện Kiểm sát nhân dân tối cao Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến Bộ Công An Thứ trưởng - Thượng tướng Nguyễn Huy Lê Quý Vương Bộ Quốc phòng Thứ trưởng - Thượng tướng Lê Chiêm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thứ trưởng Hà Công Tuấn Bộ Tài chính Thứ trưởng Vũ Thị Mai Bộ Tư pháp Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

15/07/2020

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
01/06/2020 Văn bản được ban hành 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP
15/07/2020 Văn bản có hiệu lực 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP
Văn bản liên quan
Văn bản căn cứ

Tố tụng hình sự

  • Ngày ban hành: 27/11/2015
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2016

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

  • Ngày ban hành: 22/06/2015
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2016
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản tiếng anh