Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 25/09/2016

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương

______________________

 

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương.

  

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; trang phục, tiêu chuẩn, Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan thanh tra nhà nước ngành Công Thương; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục và Chi cục

1. Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục, Chi cục (sau đây gọi là bộ phận tham mưu) có chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng tổ chức thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành trong phạm vi thẩm quyền quản lý của Tổng cục, Cục, Chi cục. Việc thành lập bộ phận tham mưu thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận tham mưu:

a) Tham mưu, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 127/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương (sau đây gọi chung là Nghị định số 127/2015/NĐ-CP);

b) Tham mưu, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đơn vị;

c) Tham mưu, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng Bộ Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương phê duyệt;

d) Giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; tham mưu việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;

đ) Tham mưu, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng trong việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 127/2015/NĐ-CP và nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Trình cấp có thẩm quyền về thành lập bộ phận tham mưu; quyết định giao đầu mối kiêm nhiệm tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại đơn vị;

2. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ phận tham mưu, người đứng đầu bộ phận tham mưu; mối quan hệ công tác giữa bộ phận tham mưu và các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục, Chi cục về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính;

3. Quyết định phân công công chức thuộc quyền quản lý có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (Phụ lục số 01);

4. Đề nghị Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cấp Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành cho người có đủ điều kiện; thu hồi Thẻ và gửi về Thanh tra Bộ.

Điều 5. Trang phục của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

1. Trang phục của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-TTCP ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về trang phục của cán bộ, thanh tra viên, công chức, viên chức thuộc các cơ quan thanh tra nhà nước và Thông tư liên tịch số 73/2015/TTLT-BTC-TTCP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ quy định chế độ quản lý, cấp phát trang phục đối với thanh tra viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan thanh tra nhà nước và các quy định sau:

a) Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ Công Thương được cấp trang phục, cầu vai, cấp hàm như Phó Chánh Thanh tra Bộ. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Công Thương được cấp trang phục, cầu vai, cấp hàm như Trưởng phòng của Thanh tra Bộ;

b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bộ phận tham mưu, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cấp Phòng và tương đương thuộc Tổng cục, Cục được cấp trang phục, cầu vai, cấp hàm như Phó Trưởng phòng thuộc Thanh tra Bộ;

c) Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý được cấp trang phục như Thanh tra viên.

2. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan quản lý thị trường sử dụng trang phục của lực lượng quản lý thị trường.

Điều 6. Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên và có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực thanh tra được phân công thực hiện;

2. Có Chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên hoặc thanh tra chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều 7. Chế độ đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng theo Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành và các quy định pháp luật khác liên quan.  

Điều 8. Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành Công Thương

1. Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành Công Thương (sau đây gọi là Thẻ) do Chánh Thanh tra Bộ cấp cho người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;

2. Kinh phí làm Thẻ được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Công Thương;

3. Thời hạn sử dụng Thẻ là 05 năm kể từ ngày cấp (áp dụng đối với trường hợp đổi Thẻ);

4. Hình thức cấp thẻ

a) Cấp mới Thẻ: Khi công chức đủ điều kiện và được Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;

b) Cấp lại Thẻ: Thẻ hết thời hạn sử dụng; Thẻ bị mất do nguyên nhân khách quan, Thẻ bị hỏng, do thay đổi số Thẻ, tên cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có sự thay đổi hoặc khi có quy định mới của cấp có thẩm quyền về cấp, đổi Thẻ thì được cấp lại Thẻ với thời hạn sử dụng và mã số Thẻ như Thẻ đã được cấp trước đó.

Điều 9. Hồ sơ cấp Thẻ

1. Hồ sơ cấp mới Thẻ gồm:

a) Công văn của Tổng cục, Cục, Chi cục gửi Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị cấp Thẻ;

b) Danh sách đề nghị cấp Thẻ (Phụ lục số 02);

c) Quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (bản chính);

d) Quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc Quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo;

đ) Ảnh công chức được đề nghị cấp Thẻ (02 ảnh cỡ 20mm x 30mm) có ghi rõ họ tên, cơ quan phía sau ảnh và trên phong bì đựng ảnh;

e) Sơ yếu lý lịch (Phụ lục số 03);

g) Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên hoặc thanh tra chuyên ngành còn thời hạn do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Hồ sơ cấp lại Thẻ gồm:

a) Công văn đề nghị của Tổng cục, Cục, Chi cục gửi Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị cấp lại Thẻ;

b) Danh sách đề nghị cấp lại Thẻ;

c) Ảnh công chức đề nghị được cấp Thẻ (02 ảnh cỡ 20mm x 30mm) có ghi rõ họ tên, cơ quan phía sau ảnh và trên phong bì đựng ảnh.

d) Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên hoặc thanh tra chuyên ngành còn thời hạn do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Thời điểm xét duyệt cấp Thẻ vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Các đơn vị có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị cấp Thẻ về Thanh tra Bộ trước 25 tháng 3 và 25 tháng 9 hàng năm. Trong trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu của công việc, Thanh tra Bộ xem xét cấp Thẻ theo yêu cầu của Tổng cục, Cục, Chi cục.

Điều 10. Sử dụng Thẻ

1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chỉ được sử dụng Thẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

2. Khi Thẻ hết hạn hoặc công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chuyển công tác khác, nghỉ việc, nghỉ hưu có trách nhiệm nộp lại Thẻ cho Tổng cục, Cục, Chi cục để nộp Thẻ về Thanh tra Bộ;

3. Nghiêm cấm việc sử dụng Thẻ vào mục đích cá nhân, sử dụng Thẻ của người khác hoặc cho người khác mượn Thẻ để sử dụng. Trường hợp công chức sử dụng Thẻ trái quy định thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Tạm đình chỉ sử dụng Thẻ

Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng ban hành Quyết định tạm đình chỉ sử dụng Thẻ đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc quyền quản lý và báo cáo về Thanh tra Bộ trong các trường hợp:

1. Đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật liên quan đến thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trong thời hiệu khiếu nại hoặc trong thời gian xem xét, giải quyết khiếu nại về quyết định kỷ luật từ cảnh cáo trở lên;

2. Có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ theo quy định của pháp luật;

3. Có Quyết định thụ lý giải quyết tố cáo đối với người được cấp Thẻ trong quá trình thực thi công vụ;

4. Bị khởi tố bị can chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật;

5. Sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền chứng minh người được cấp Thẻ không vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm đình chỉ sử dụng Thẻ.

Điều 12. Thu hồi Thẻ

1. Thu hồi Thẻ: Khi công chức từ trần, nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác cơ quan khác, mất tích, Thẻ hết hạn sử dụng, công chức bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên khi thực thi công vụ, hết thời hiệu khiếu nại quyết định kỷ luật, bị xử lý hình sự hoặc khi công chức không còn được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương.

2. Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều này Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chi cục trưởng có trách nhiệm thu hồi Thẻ, cắt góc Thẻ trước khi nộp và báo cáo về Thanh tra Bộ.

Điều 13. Mẫu Thẻ

1. Thẻ hình chữ nhật, rộng 61mm; dài 87mm gồm phôi Thẻ và màng bảo vệ. Phông chữ trình bày trên Thẻ là phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.

2. Thẻ gồm 2 mặt

a) Mặt trước (Hình 1 theo phụ lục số 4)

- Dòng trên ghi Quốc hiệu Việt Nam “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, cỡ chữ 9, chữ đậm, màu chữ vàng nhạt được in trên nền màu đỏ.

- Giữa mặt Thẻ là Quốc huy Việt Nam. Dòng dưới cùng ghi “THẺ CÔNG CHỨC THANH TRA”, cỡ chữ 12, chữ in hoa đậm, màu chữ vàng.

b) Mặt sau (Hình 2 theo phụ lục số 4): Nền là hoa văn màu hồng tươi tạo thành các tia sáng lan tỏa từ tâm ra xung quanh; ở giữa có biểu tượng ngành thanh tra, in bóng mờ, đường kính 20mm góc bên trái in biểu tượng ngành thanh tra đường kính 14mm; từ góc trên bên trái (cách 10mm) đến góc dưới bên phải là gạch chéo màu đỏ rộng 6mm. Nội dung trên mặt sau có các thông tin:

- Quốc hiệu: Chữ in hoa, đậm, cỡ chữ 8;

- Tiêu ngữ: Chữ in thường, đậm, cỡ chữ 8, có gạch chân, bên trái có biểu trưng ngành thanh tra;

- “THẺ CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH CÔNG THƯƠNG”: Chữ in hoa, cỡ chữ 9;

- Mã số Thẻ: Chữ in thường, cỡ chữ 9;

- Họ và tên: Ghi họ và tên người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, chữ in thường, cỡ chữ 9;

- Cơ quan: Ghi tên cơ quan người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra công tác, chữ in thường, cỡ chữ 9;

- Ngày, tháng, năm cấp Thẻ: Chữ in nghiêng, cỡ chữ 9;

- “CHÁNH THANH TRA BỘ”: Chữ in hoa, cỡ chữ 8;

- Chữ ký và họ tên của Chánh Thanh tra Bộ: Chữ in đậm, cỡ chữ 9;

- Dấu của Thanh tra Bộ;

- Ảnh chân dung của người được cấp Thẻ, khổ 20mm x 30mm, được đóng dấu nổi ở góc phải phía dưới ảnh;

- Hạn sử dụng: Chữ in thường, cỡ chữ 7.

4. Thẻ được ép nhựa bảo vệ bên ngoài

5. Mã số Thẻ

Thẻ có mã số chung là A05. Chi cục có thêm mã số địa phương, nơi cơ quan đặt trụ sở (mã số địa phương theo quy định tại Quyết định số 93/2005/QĐ-BNV ngày 30 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định Danh mục mã số các cơ quan Nhà nước).

Số thứ tự Thẻ bao gồm: Tên viết tắt của cơ quan theo quy định của Bộ Công Thương và Sở Công Thương tiếp theo số Thẻ: có 04 số (bắt đầu từ 0001), cụ thể:

- Tổng cục Năng lượng - TCNL;

- Cơ quan quản lý thị trường - QLTT;

- Cục Hóa chất - HC;

- Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - ATMT;

- Cục Điều tiết Điện lực - ĐTĐL;

- Cục Xúc tiến thương mại - XTTM;

- Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - TMĐT;

- Cục Quản lý cạnh tranh - QLCT;

Ví dụ: Mã số Thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại Cục Quản lý thị trường, số 25 là: A05-QLTT0025. Mã số Thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, số 52 là: A05-T01-QLTT0052.

Điều 14. Bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành

1. Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành Công Thương.

 2. Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, cơ sở đào tạo có liên quan xây dựng chương trình, tài liệu và kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và tổ chức bồi dưỡng theo kế hoạch.

3. Công chức hoàn thành bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành được cấp Chứng nhận có giá trị 3 năm kể từ ngày cấp.

Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các cơ quan khác thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành áp dụng các quy định tại Thông tư này.

2. Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đã được cấp tiếp tục có giá trị đến khi đủ 3 năm theo quy định.

3. Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục có giá trị.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  25  tháng 9 năm 2016 và thay thế Thông tư số 29/2013/TT-BCT ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong trường hợp có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra áp dụng theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 127/2015/NĐ-CP và các quy định có liên quan.

2. Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương để được hướng dẫn./.

Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 25/09/2016
Hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương
Số kí hiệu 15/2016/TT-BCT Ngày ban hành 10/08/2016
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 25/09/2016
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Công thương Lĩnh vực
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Công Thương Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

25/09/2016

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 15/2016/TT-BCT

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
10/08/2016 Văn bản được ban hành 15/2016/TT-BCT
25/09/2016 Văn bản có hiệu lực 15/2016/TT-BCT
Văn bản liên quan
Văn bản căn cứ

Về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương

  • Ngày ban hành: 14/12/2015
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2016
Văn bản dẫn chiếu

Về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương

  • Ngày ban hành: 14/12/2015
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2016

Về việc ban hành danh mục mã số các cơ quan nhà nước

  • Ngày ban hành: 30/08/2005
  • Ngày có hiệu lực: 02/10/2005