Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Ngày có hiệu lực: 15/02/2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm

________________________________

 

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm như sau:

Chương I

NGUYÊN TẮC, CHẾ ĐỘ, HÌNH THỨC, NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH KHAI BÁO, THÔNG TIN, BÁO CÁO BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 1. Nguyên tắc khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm

1. Nội dung khai báo, thông tin, báo cáo phải bảo đảm tính trung thực, đầy đủ và kịp thời.

2. Việc thông tin, báo cáo phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và theo đúng các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Khai báo khi có dịch

1. Người dân sinh sống trong khu vực được công bố dịch, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người phát hiện trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải thực hiện việc khai báo bệnh dịch cho y tế thôn, bản, trạm y tế xã theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về bệnh dịch từ người dân tại khu vực có dịch, cơ sở y tế phải thực hiện việc điều tra, xác minh tính xác thực của thông tin. Trường hợp xác định thông tin đó là chính xác phải thực hiện việc báo cáo theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 của Thông tư này.

Điều 3. Chế độ và hình thức thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm

1. Chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm:

a) Báo cáo định kỳ bao gồm báo cáo ngày, báo cáo tuần, báo cáo tháng và báo cáo năm;

b) Báo cáo nhanh được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp trên để đáp ứng công việc trong thời gian ngắn;

c) Báo cáo đột xuất (gồm báo cáo phát hiện ổ dịch, dịch và báo cáo trường hợp bệnh) được thực hiện ngay sau khi phát hiện có trường hợp nghi mắc hoặc mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi phát hiện ổ dịch, dịch nhưng tối đa không quá 24 giờ. Sau khi thực hiện báo cáo đột xuất thì thực hiện việc báo cáo trường hợp nghi mắc hoặc mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, ổ dịch, dịch nêu trên theo chế độ báo cáo ngày.

2. Hình thức thông tin, báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 22 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 4. Chỉ số và nội dung báo cáo bệnh truyền nhiễm

1. Chỉ số báo cáo bao gồm:

a) Số người mắc bệnh truyền nhiễm: Số trường hợp bệnh nhân theo định nghĩa ca bệnh giám sát tính theo ngày khởi phát trong giai đoạn cần báo cáo;

b) Số người tử vong do bệnh truyền nhiễm: Số trường hợp tử vong được chẩn đoán xác định do bệnh truyền nhiễm tính theo ngày tử vong có trong giai đoạn cần báo cáo;

c) Số tích lũy người mắc bệnh truyền nhiễm: Cộng dồn các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm trong khoảng thời gian giám sát nhất định hoặc theo từng loại thống kê, báo cáo;

d) Số tích lũy người tử vong do bệnh truyền nhiễm: Cộng dồn các trường hợp người chết do bệnh truyền nhiễm trong khoảng thời gian giám sát nhất định hoặc theo từng loại thống kê, báo cáo;

đ) Kết quả giám sát dịch tễ;

e) Thời gian, địa điểm phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, ổ dịch hoặc dịch.

2. Nội dung báo cáo định kỳ:

a) Báo cáo ngày: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Các chỉ số của báo cáo ngày được tính trong 24 giờ từ 00h00 đến 24h00 của ngày báo cáo.

b) Báo cáo tuần: Danh mục bệnh và nội dung báo cáo tuần thực hiện theo quy định tại Mục A Phụ lục 3, Phụ lục 4, Phụ lục 5, Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này. Các chỉ số của báo cáo tuần được tính trong 7 ngày, từ 00h00 ngày thứ Hai đến 24h00 ngày Chủ nhật của tuần báo cáo. Báo cáo tuần được thực hiện kể cả khi không ghi nhận trường hợp bệnh.

c) Báo cáo tháng, năm: Danh mục bệnh và nội dung báo cáo tháng, năm thực hiện theo quy định tại Mục B Phụ lục 3, Phụ lục 7, Phụ lục 8, Phụ lục 9, Phụ lục 10, Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này. Các chỉ số của báo cáo được tính từ 00h00 ngày đầu tiên đến 24h00 ngày cuối cùng của tháng báo cáo; các chỉ số của báo cáo năm được tính từ 00h00 ngày đầu tiên đến 24h00 ngày cuối cùng của năm báo cáo.

3. Nội dung báo cáo nhanh: Thực hiện theo yêu cầu cụ thể của cơ quan yêu cầu báo cáo.

4. Nội dung báo cáo đột xuất:

a) Báo cáo phát hiện ổ dịch, dịch thực hiện theo quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong đó, phải nêu rõ thời gian, địa điểm, số trường hợp mắc, tử vong; các kết quả điều tra, xét nghiệm ban đầu, nhận định về tình hình bệnh dịch và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai (nếu có);

b) Báo cáo trường hợp bệnh thực hiện theo quy định tại Phụ lục 13, Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo được thực hiện ngay khi có kết quả điều tra ban đầu đối với các bệnh thuộc nhóm A hoặc các trường hợp đầu tiên của ổ dịch, dịch.

Điều 5. Quy trình báo cáo định kỳ bệnh truyền nhiễm

Quy trình báo cáo định kỳ bệnh truyền nhiễm thực hiện theo sơ đồ quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

1. Y tế thôn, bản và các phòng khám chuyên khoa tư nhân có trách nhiệm thu thập, tổng hợp, báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) theo thời gian sau:

a) Đối với báo cáo ngày: Trước 9h00 ngày hôm sau;

b) Đối với báo cáo tuần: Trước 14h00 thứ Hai tuần kế tiếp;

c) Đối với báo cáo tháng: Trước ngày 03 của tháng kế tiếp;

d) Đối với báo cáo năm: Trước ngày 05 tháng 01 của năm kế tiếp.

2. Trạm Y tế xã có trách nhiệm tổng hợp, xác minh và báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm trong địa bàn xã cho Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện), đồng thời thực hiện việc phản hồi thông tin cho các đơn vị thuộc địa bàn phụ trách theo thời gian như sau:

a) Đối với báo cáo ngày: Trước 11h00 ngày hôm sau;

b) Đối với báo cáo tuần: Trước 14h00 thứ Ba tuần kế tiếp;

c) Đối với báo cáo tháng: Trước ngày 05 của tháng kế tiếp;

d) Đối với báo cáo năm: Trước ngày 07 tháng 01 của năm kế tiếp.

3. Đơn vị y tế tại các công nông trường, xí nghiệp, nhà máy, cơ quan, trường học (sau đây gọi tắt là đơn vị y tế cơ quan, doanh nghiệp), bệnh viện huyện, các phòng khám đa khoa tư nhân có trách nhiệm tổng hợp, xác minh và báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm tại cơ sở mình cho Trung tâm Y tế huyện theo thời gian quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trung tâm Y tế huyện có trách nhiệm phân tích, báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm trong địa bàn huyện cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) và thông tin bệnh về bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng, côn trùng cho Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh (đối với các tỉnh đã thành lập Trung tâm này), đồng thời thực hiện việc phản hồi thông tin cho các đơn vị thuộc địa bàn phụ trách theo thời gian như sau:

a) Đối với báo cáo ngày: Trước 14h00 ngày hôm sau;

b) Đối với báo cáo tuần: Trước 14h00 thứ Tư tuần kế tiếp;

c) Đối với báo cáo tháng: Trước ngày 10 của tháng kế tiếp;

d) Đối với báo cáo năm: Trước ngày 10 tháng 01 của năm kế tiếp.

5. Bệnh viện tỉnh, bệnh viện thuộc các Bộ, ngành, bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo thông tin bệnh truyền nhiễm tại cơ sở mình cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và thông tin bệnh về bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng, côn trùng cho Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh (đối với các tỉnh đã thành lập Trung tâm này) theo thời gian quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế có trách nhiệm tổng hợp, xác minh, báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm phát hiện tại các cửa khẩu cho Cục Y tế dự phòng và các Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (sau đây gọi tắt là Viện dịch tễ) phụ trách khu vực, đồng thời thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống Sốt rét tỉnh theo thời gian quy định tại khoản 4 Điều này.

7. Bệnh viện trung ương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo thông tin bệnh truyền nhiễm tại cơ sở mình cho các Viện dịch tễ và các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là Viện Sốt rét) phụ trách khu vực (đối với bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng, côn trùng), đồng thời thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh theo thời gian quy định tại khoản 4 Điều này.

8. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo thông tin bệnh truyền nhiễm tại cơ sở mình cho Sở Y tế tỉnh, Cục Y tế dự phòng, các Viện dịch tễ phụ trách khu vực và thông tin bệnh về bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng, côn trùng cho các Viện Sốt rét phụ trách khu vực, đồng thời thực hiện việc phản hồi thông tin cho các đơn vị thuộc địa bàn phụ trách theo thời gian sau:

a) Đối với báo cáo ngày: Trước 15h00 ngày hôm sau;

b) Đối với báo cáo tuần: Trước 14h00 thứ Năm tuần kế tiếp;

c) Đối với báo cáo tháng: Trước ngày 15 của tháng kế tiếp;

d) Đối với báo cáo năm: Trước ngày 15 tháng 01 của năm kế tiếp.

9. Đối với các tỉnh đã thành lập Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh thì Trung tâm này có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo thông tin bệnh về bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng, côn trùng cho Sở Y tế tỉnh, Cục Y tế dự phòng và Viện Sốt rét, đồng thời thực hiện việc phản hồi thông tin cho các đơn vị thuộc địa bàn phụ trách theo thời gian quy định tại khoản 8 Điều này. Trong trường hợp này, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không thực hiện việc báo cáo và phản hồi thông tin bệnh về bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng, côn trùng cho Sở Y tế tỉnh, Cục Y tế dự phòng và Viện Sốt rét.

10. Các Viện dịch tễ, Viện Sốt rét có trách nhiệm tổng hợp, xác minh thông tin bệnh truyền nhiễm từ các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, bệnh viện trung ương trong khu vực được giao phụ trách và báo cáo Cục Y tế dự phòng, đồng thời thực hiện việc phản hồi thông tin cho các đơn vị thuộc địa bàn phụ trách theo thời gian sau:

a) Đối với báo cáo ngày: Trước 16h00 ngày hôm sau;

b) Đối với báo cáo tuần: Trước 16h00 thứ Năm tuần kế tiếp;

c) Đối với báo cáo tháng: Trước ngày 20 của tháng kế tiếp;

d) Đối với báo cáo năm: Trước ngày 20 tháng 01 của năm kế tiếp.

Chương II

TRÁCH NHIỆM TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC THÔNG TIN, BÁO CÁO BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 6. Trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng

1. Xây dựng, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm trên toàn quốc, là cơ quan duy nhất được Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền thông báo quốc tế bệnh truyền nhiễm. Nội dung thông báo quốc tế bệnh truyền nhiễm theo Điều lệ Y tế quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu giám sát các bệnh truyền nhiễm, thực hiện việc thông tin, báo cáo hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước.

3. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

4. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước.

5. Phối hợp chia sẻ thông tin về bệnh dịch với các Bộ, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng và quốc tế theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Quản lý khám, chữa bệnh

1. Chỉ đạo việc thực hiện hoạt động về giám sát và báo cáo bệnh truyền nhiễm tại tất cả các bệnh viện, phòng khám, các cơ sở điều trị nhà nước và tư nhân trên toàn quốc.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện thông tư này tại tất cả các bệnh viện, phòng khám tại các cơ sở điều trị nhà nước và tư nhân trên toàn quốc.

Điều 8. Trách nhiệm của các Viện thuộc hệ y tế dự phòng của Bộ Y tế

1. Thu thập, phân tích, đánh giá, lưu trữ số liệu giám sát các bệnh truyền nhiễm; thực hiện việc thông tin, báo cáo hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các đơn vị theo khu vực phụ trách.

2. Chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện thông tin, báo cáo tại các đơn vị ở các tuyến thuộc khu vực phụ trách.

3. Phối hợp và chia sẻ thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm giữa các Viện dịch tễ và Việt Sốt rét.

Điều 9. Trách nhiệm của các Sở Y tế, các đơn vị y tế thuộc Sở Y tế

1. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định.

2. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đầu mối giúp Sở Y tế giám sát, kiểm tra và triển khai thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh.

3. Trung tâm Y tế huyện là đầu mối giúp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giám sát, kiểm tra và triển khai thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện.

4. Trạm Y tế xã là đầu mối giúp Trung tâm Y tế huyện giám sát, kiểm tra và triển khai thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm trên địa bàn xã.

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Thông tư này để thực hiện giám sát, xử lý kịp thời bệnh truyền nhiễm.

2. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng trong việc điều tra và báo cáo kết quả điều tra ca bệnh; lấy mẫu bệnh phẩm; chia sẻ mẫu bệnh phẩm hoặc chủng tác nhân gây bệnh để chẩn đoán xác định; cung cấp thông tin, hồ sơ có liên quan đến người bệnh (chẩn đoán, điều trị, kết quả xét nghiệm, các yếu tố dịch tễ) và các biện pháp xử lý và phòng chống lây nhiễm đã triển khai tại cơ sở.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2011. Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06 tháng 02 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để nghiên cứu giải quyết ./.

Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Ngày có hiệu lực: 15/02/2011
Hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm
Số kí hiệu 48/2010/TT-BYT Ngày ban hành 31/12/2010
Loại văn bản Thông tư Ngày có hiệu lực 15/02/2011
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Y tế Lĩnh vực Y tế
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký Bộ Y tế Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
Hiệu lực:

Hết hiệu lực toàn bộ

Ngày có hiệu lực:

15/02/2011

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư 48/2010/TT-BYT

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
31/12/2010 Văn bản được ban hành 48/2010/TT-BYT
15/02/2011 Văn bản có hiệu lực 48/2010/TT-BYT
01/07/2016 Văn bản hết hiệu lực 48/2010/TT-BYT
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh