Nội dung có sửa đổi, hướng dẫn
Nội dung có thay đổi, hướng dẫn được thể hiện qua màu sắc:
  • : Sửa đổi, thay thế, hủy bỏ
  • : Bổ sung
  • : Đính chính
  • : Hướng dẫn
Click vào nội dung được bôi màu để xem chi tiết.
Mục lục
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 06/05/2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra

và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có

dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố

________________________

 

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 10 tháng 12 năm 2003;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự ngày 20 tháng 8 năm 2004;

Để nâng cao hiệu quả và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thống nhất quy định như sau:

Điều 1. Về phạm vi quan hệ phối hợp

Thông tư này quy định về mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố vụ án hình sự; trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm.

Điều 2. Quan hệ, phối hợp trong việc trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm

1. Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thường xuyên quan hệ, phối hợp để trao đổi, cung cấp cho nhau thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm đã được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, điều tra và kiểm sát điều tra; kịp thời trao đổi thông tin, kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra về những vụ việc, những lĩnh vực trọng điểm mà Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng quan tâm. Đối với những vụ việc Cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra nhưng không kiến nghị khởi tố, nếu có căn cứ cho thấy cần phải tiếp tục xác minh làm rõ, thì Cơ quan thanh tra có công văn đề nghị Cơ quan điều tra phối hợp để xác minh làm rõ thêm.

2. Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra, nếu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì sau khi Cơ quan điều tra kết luận điều tra, Viện kiểm sát có Cáo trạng truy tố; Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết.

Điều 3. Quan hệ phối hợp trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố

1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nếu Cơ quan thanh tra nhận được tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm với đầy đủ tài liệu, chứng cứ, thì Cơ quan thanh tra chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm hoặc tài liệu, chứng cứ và hồ sơ vụ việc đó kèm theo kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện và kết luận sau khi kết thúc cuộc thanh tra, thì trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, Cơ quan thanh tra ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc đó và văn bản kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 48 và điểm n khoản 1 Điều 55 Luật Thanh tra năm 2010.

Điều 4. Về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ vụ việc và kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra

1. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm xảy ra ở cơ quan, đơn vị thuộc cấp hành chính nào hoặc của đơn vị quân đội cấp nào thì chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền của cấp đó giải quyết; vụ việc có dấu hiệu tội phạm xảy ra ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của cấp Bộ hoặc Chính phủ thì chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an hoặc Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.

2. Trường hợp vụ việc vi phạm pháp luật có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu thấy cần thiết thì trước khi chính thức kết luận thanh tra và kiến nghị khởi tố, Cơ quan thanh tra có thể tổ chức họp Lãnh đạo liên ngành gồm Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá những tài liệu đã thu thập được. Nếu liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan thanh tra chuyển ngay hồ sơ và kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố vụ án và điều tra theo quy định của pháp luật.

3. Sau khi Cơ quan điều tra tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra; nếu thấy sự việc phạm tội không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và Cơ quan Thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết.

Điều 5. Về việc giải quyết kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra

1. Sau khi nhận được hồ sơ và bản kiến nghị khởi tố do Cơ quan thanh tra chuyển đến, qua kiểm tra nếu thấy chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, thì Cơ quan điều tra trực tiếp điều tra, xác minh để thu thập, bổ sung chứng cứ, đồng thời đề nghị Cơ quan thanh tra phối hợp thu thập thêm tài liệu, chứng cứ bổ sung vào hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Trong trường hợp Cơ quan thanh tra đã bổ sung tài liệu, chứng cứ mà vẫn không có căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm, thì Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu Viện kiểm sát cùng cấp đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, thì Cơ quan điều tra làm thủ tục trả lại hồ sơ cho Cơ quan thanh tra giải quyết theo thẩm quyền. Nếu tài liệu bổ sung xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm và thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra phải gửi các quyết định kèm theo tài liệu có liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc khởi tố hoặc không khởi tố theo quy định tại Điều 104, Điều 108 và Điều 109 của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Trường hợp khi kết thúc cuộc thanh tra, Cơ quan thanh tra không kiến nghị khởi tố, nhưng Cơ quan điều tra phát hiện vụ việc đã thanh tra có dấu hiệu tội phạm thì ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và gửi Quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc khởi tố. Trong trường hợp này, nếu Cơ quan điều tra đề nghị thì Cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp cung cấp những tài liệu liên quan đến việc xác định tội phạm mà Cơ quan thanh tra đã thu thập được trong quá trình thanh tra.

3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và bản kiến nghị khởi tố do Cơ quan thanh tra chuyển đến và trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan điều tra phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

4. Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, phải kiểm tra, xác minh thêm ở nhiều nơi để làm rõ căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không được quá sáu mươi ngày. Quá thời hạn trên, mà Cơ quan thanh tra không nhận được thông báo bằng văn bản về việc xử lý của Cơ quan điều tra, thì có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cùng cấp và Cơ quan điều tra cấp trên để xem xét, giải quyết.

Điều 6. Quan hệ phối hợp trong việc giải quyết kiến nghị đối với các trường hợp quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hoặc quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ

1. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết kiến nghị khởi tố do Cơ quan thanh tra chuyển đến, qua điều tra, xác minh nếu thấy không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do không khởi tố để Cơ quan thanh tra biết.

2. Khi nhận được Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phân công ngay Kiểm sát viên để kiểm tra tính có căn cứ, tính hợp pháp của các Quyết định đó và đề xuất bằng văn bản với Lãnh đạo Viện kiểm sát giải quyết như sau:

a) Nếu Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra không có căn cứ, thì Viện kiểm sát ra Quyết định hủy bỏ quyết định đó và ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện việc điều tra theo quy định tại Điều 109 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

b) Nếu Quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra không có căn cứ, thì Viện kiểm sát ra Quyết định hủy bỏ quyết định đó và yêu cầu Cơ quan điều tra giao lại hồ sơ cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị để giải quyết theo thẩm quyền.

3. Trường hợp không đồng ý với các Quyết định của Viện kiểm sát quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 6 của Thông tư liên tịch này thì Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và báo cáo Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp; nếu là Cơ quan điều tra ở cấp Trung ương thì kiến nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương xem xét, quyết định.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra, nếu Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đồng ý với kiến nghị của Cơ quan điều tra thì ra Quyết định hủy bỏ quyết định của Viện kiểm sát cấp dưới, nếu không đồng ý thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho Cơ quan điều tra đã kiến nghị và Viện kiểm sát cấp dưới. Kết quả giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương là quyết định cuối cùng.

4. Trường hợp Cơ quan thanh tra không đồng ý với Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra mà Viện kiểm sát cùng cấp cũng cho rằng quyết định đó có căn cứ nên không hủy bỏ; hoặc Cơ quan thanh tra không đồng ý với Quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát thì có quyền kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong trường hợp Cơ quan Thanh tra Chính phủ kiến nghị thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Nếu Cơ quan thanh tra Bộ Quốc phòng kiến nghị thì Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương xem xét, quyết định.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đồng ý với kiến nghị của Cơ quan thanh tra thì hủy bỏ quyết định của Viện kiểm sát cấp dưới, nếu không đồng ý với kiến nghị của Cơ quan thanh tra thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Kết quả giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương là quyết định cuối cùng.

5. Khi Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án nhưng quá trình điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ có kết quả khác với những nội dung ghi trong văn bản kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra thì Cơ quan điều tra thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố vụ án hình sự biết.

Điều 7. Hồ sơ kiến nghị khởi tố và việc giao nhận hồ sơ

1. Người ra Quyết định thanh tra là người có quyền quyết định chuyển hồ sơ và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự. Tài liệu trong hồ sơ kiến nghị khởi tố là tài liệu gốc, nếu tài liệu là bản sao thì đối tượng thanh tra giao nộp tài liệu phải đóng dấu, xác nhận. Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm pháp lý về hồ sơ này.

2. Hồ sơ kiến nghị khởi tố gồm:

a) Văn bản kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự do người ra quyết định thanh tra ký, trong đó nêu rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi vi phạm pháp luật.

b) Quyết định thanh tra, biên bản xác minh sự việc có vi phạm pháp luật do Đoàn thanh tra, Thanh tra viên lập, báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra.

c) Báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra về những vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm của đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cuộc thanh tra đã kết thúc, người ra quyết định thanh tra mới kiến nghị Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, thì hồ sơ kiến nghị khởi tố phải có Bản trích văn bản kết luận thanh tra về vụ việc vi phạm pháp luật mà Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

3. Kèm theo hồ sơ kiến nghị khởi tố, Cơ quan thanh tra phải chuyển toàn bộ những tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ sách có liên quan cho Cơ quan điều tra. Những đồ vật, tiền, vàng liên quan trực tiếp đến vụ việc vi phạm pháp luật thu được trong quá trình thanh tra phải được quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Việc giao nhận hồ sơ và kiến nghị khởi tố giữa Cơ quan điều tra và Cơ quan thanh tra được tiến hành tại trụ sở Cơ quan thanh tra hoặc Cơ quan điều tra. Khi giao hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra, Cơ quan thanh tra phải lập bảng kê đầy đủ tên các tài liệu, đồ vật có trong hồ sơ. Việc giao nhận hồ sơ phải được lập biên bản giao nhận, người giao và người nhận ký biên bản và ghi rõ họ tên.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này. Định kỳ mỗi năm một lần, căn cứ tình hình kết quả công tác quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát; Viện kiểm sát các cấp chủ trì tổ chức họp Lãnh đạo liên ngành Thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp để đánh giá kết quả thực hiện Thông tư liên tịch và rút kinh nghiệm về sự phối hợp trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố, đồng thời bàn biện pháp phối hợp tiếp theo.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6 tháng 5 năm 2012 và thay thế Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 23 tháng 5 năm 2006 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần được hướng dẫn bổ sung thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thanh tra địa phương phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để có sự giải thích, hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

Tải file đính kèm
Hiệu lực: Còn hiệu lực
Ngày có hiệu lực: 06/05/2012
Quy định về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố
Số kí hiệu 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP Ngày ban hành 22/03/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày có hiệu lực 06/05/2012
Nguồn thu thập Ngày đăng công báo
Ngành Thanh tra Lĩnh vực Thanh tra
Cơ quan ban hành/ Chức danh/ Người ký
Phạm vi
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Hiệu lực:

Còn hiệu lực

Ngày có hiệu lực:

06/05/2012

Lịch sử hiệu lực:

Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP

Ngày Trạng thái Văn bản nguồn Phần hết hiệu lực
22/03/2012 Văn bản được ban hành 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP
06/05/2012 Văn bản có hiệu lực 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP
Văn bản liên quan
Không có văn bản liên quan nào được chọn
  • VB bị thay thế
  • VB được QĐ chi tiết, HD thi hành
  • Văn bản bị bãi bỏ
  • Văn bản bị bãi bỏ một phần
  • Văn bản bị hủy bỏ
  • Văn bản bị hủy bỏ một phần
  • Văn bản bị hết hiệu lực
  • Văn bản bị hết hiệu lực một phần
  • Văn bản bị thay thế một phần
  • Văn bản bị đình chỉ
  • Văn bản bị đình chỉ một phần
  • Văn bản chỉ được bổ sung
  • Văn bản căn cứ
  • Văn bản dẫn chiếu
  • Văn bản liên quan khác
  • Văn bản tiếng anh